6 trên tổng số 11 quốc gia Đông Nam Á có đại diện góp mặt trong danh sách tỷ phú của Forbes.
Với 82 người, Đông Nam Á đóng góp 4,5% số lượng tỷ phú trên toàn thế giới. Lào, Campuchia, Đông Timo, Myanmar và Brunei là các quốc gia không có đại diện xuất hiện trong danh sách này.
Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đóng góp nhiều tỷ phú nhất, với 22 người. Năm nay, người giàu nhất Indonesia là ông Robert Budi Hartono, với tài sản ước tính 9 tỷ USD.
Em ruột ông là Michael Hartono xếp ngay sau, với 8,7 tỷ USD.
Hoạt động chính trong 2 lĩnh vực là ngân hàng và thuốc lá, 2 anh em Hartono đã thắng lớn trong năm 2014, nhờ sự gia tăng giá trị cổ phiếu của ngân hàng Bank Central Asia, cũng như tiếp tục là nhà sản xuất thuốc lá lớn nhất Indonesia.
Sở hữu diện tích nhỏ nhất khu vực, song Singapore cũng đóng góp tới 19 tỷ phú trong danh sách của Forbes.
Bất động sản là lĩnh vực có nhiều tỷ phú nhất tại quốc gia này, khi 9 trong 20 người giàu nhất Singapore sở hữu các công ty bất động sản lớn.
Bản thân anh em Robert và Philip Ng, 2 người giàu nhất quốc đảo, cũng giàu lên nhờ kinh doanh bất động sản.
Thái Lan, Malaysia, Philippines lần lượt có 17, 12 và 11 tỷ phú trong danh sách năm nay của Forbes.
Người giàu nhất Đông Nam Á, ông Henry Sy xếp hạng 73 thế giới, với 14,2 tỷ USD có quốc tịch Philippines.
Đứng ngay sau ông trong danh sách những người giàu nhất Đông Nam Á là tỷ phú Dhanin Chearavanont đến từ Thái Lan, sở hữu khối tài sản 13,6 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng là người Việt Nam duy nhất có mặt trong danh sách của Forbes, với tổng tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.
Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng là một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam hiện nay gồm 46 công ty con, tổng tài sản lên tới 83.800 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp ông Vượng có mặt trong danh sách này.