Kết hôn sau vài tháng gặp gỡ
Hoàng hậu Jordan, bà Rania Al Abdullah - Ảnh chụp màn hình trang Biz Journals |
Đầu tháng 2.1993, Hoàng tử Jordan Abdullah II ibn al-Hussein, khi ấy 31 tuổi gặp Rania - cô gái xinh đẹp 23 tuổi có gốc là người Palestine, tại một bữa tiệc tối tổ chức ở Đại học Oxford (Anh). Cô Rania khi ấy đã tốt nghiệp khoa Kinh doanh Trường đại học Tổng hợp Mỹ ở Cairo (Ai Cập) và làm việc cho một ngân hàng ở thành phố Amman (Jordan).Chỉ hai tháng sau đó, họ thông báo đính hôn và hôn lễ được tổ chức vào ngày 10.6.1993.Đến năm 1999, nhà vua Hussein chỉ định người con cả là Hoàng tử Abdullah kế vị ngai vàng trước khi ông qua đời hai tuần sau đó. Sau khi Abdullah II lên ngôi Quốc vương Jordan vào ngày 7.2.1999, cô Rania cũng trở thành Hoàng hậu trẻ nhất thế giới khi nhận ngôi vị này vào ngày 22.3 cùng năm, ở tuổi 28.
Nữ hoàng đồng hành cùng Quốc vương đón tiếp Giáo hoàng Francis tại Amman, Jordan tháng 5.2014 - Ảnh: Reuters |
Hoàng hậu cùng Quốc vương Jordan đón tiếp Tổng thống Pháp Francois Hollande hồi tháng 9.2014 - Ảnh: Reuters |
Sau khi trở thành cặp đôi quyền lực nhất của Hoàng gia Jordan, Quốc vương và Hoàng hậu thường xuyên xuất hiện cùng nhau trong những sự kiện quốc tế và nhiều dịp đón tiếp chính khách nước ngoài.Trong những chuyến công du và sự kiện chính trị đó, ống kính phóng viên thường ghi được hình ảnh bà Rania đứng bên Quốc vương Abdullah II trong những bộ cánh trang nhã, hiện đại và hiếm khi dùng khăn trùm đầu.Hoàng hậu trẻ tích cực hoạt động xã hộiTheo trang The Richest, bà Rania được tạp chí Harpers and Queen bình chọn là Đệ nhất phu nhân đẹp nhất năm 2011. Nhiều trang tin còn cho hay bà là thần tượng của người dân Jordan và được nhiều người Ả Rập tôn vinh là “Nữ hoàng của thế giới Ả Rập”.Không chỉ nổi tiếng về sắc đẹp, Hoàng hậu Rania còn được biết đến là một nhà hoạt động xã hội tích cực và một thành viên hoàng gia thông minh, được lòng dân chúng. Điều này có được là nhờ một phần sự đồng thuận của Quốc vương Jordan.
Hoàng hậu Jordan Rania Al Abdullah được cho là có nhiều nét tính cách tương đồng với Công nương Diana (1961 - 1997) của nước Anh - Ảnh: Reuters |
Nhiều tờ báo cho hay kể từ khi trở thành Hoàng hậu, bà Rania tích cực tham gia các hoạt động từ thiện như khuyến khích giáo dục, bảo vệ trẻ em, chống B.L gia đình và nâng cao vai trò của phụ nữ. Đơn cử, vào tháng 11.2000, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) mời Hoàng hậu Jordan tham gia chương trình Sáng kiến lãnh đạo toàn cầu để ghi nhận các đóng góp của bà trong những hoạt động hướng đến trẻ em và thanh thiếu niên, trang U.N Wire cho biết.
Ngoài những hoạt động trong nước, bà còn là người tiên phong trong nỗ lực xóa bỏ khoảng cách giữa phương Tây với thế giới Ả Rập qua việc sử dụng tài khoản YouTube, Facebook, Instagram và Twitter. The Telegraph gọi bà là “Nữ hoàng của Twitter” khi sự kiện Giáo hoàng Francis đến thăm Jordan vào năm 2009 được bà thông báo rộng rãi trên tài khoản cá nhân.
Hoàng hậu Rania an ủi vợ của viên phi công Jordan bị IS thiêu sống - Ảnh chụp màn hình trang Daily Mail |
Daily Mail đầu tháng 2.2015 cho hay Hoàng hậu Rania đã đích thân đến an ủi cô Anwar Tarawneh - vợ của phi công Jordan Moaz al-Kasasbeh vừa bị tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) thiêu sống - và cùng hàng ngàn người dân Jordan tham gia cuộc tuần hành thể hiện sự phẫn nộ đối với hành động này của IS. Trong khi đó, Quốc vương Abdullah II tiến đến ôm chặt ông Moaz al-Kasasbeh - cha của viên phi công xấu số - trước khi tuyên bố sẽ “truy đuổi IS đến viên đạn cuối cùng”.
Vì những hoạt động kể trên, nhiều người đã so sánh Rania với Công nương Diana quá cố của nước Anh. Theo tạp chí Forbes, bà Rania là thành viên hoàng gia được thế giới cập nhật thông tin nhiều nhất, là “hoàng hậu am hiểu công nghệ nhất thế giới” và đứng trong top những người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh vào năm 2011.
Gia đình viên mãn
Quốc vương và Hoàng hậu Jordan chụp ảnh cùng 2 trong số 4 người con - Ảnh chụp màn hình trang Photobucket |
Sau 22 năm chung sống, hiện nay Quốc vương và Hoàng hậu Jordan đã có 4 người con: Thái tử Hussein (21 tuổi), Công chúa Iman bint (19 tuổi), Công chúa Salma bint Abdullah (15 tuổi) và nhỏ tuổi nhất là Hoàng tử Hashem bin Al Abdullah mới 10 tuổi.
Cuộc sống của gia đình Quốc vương Jordan không chỉ trong bốn bề hoàng cung. Hoàng gia Jordan cho biết họ luôn giáo dục con tính tự lập và tạo điều kiện để chúng tận hưởng cuộc sống như một người bình thường, không phải như các ông hoàng, bà chúa.
Ngoài cuộc sống ở Jordan, cả đương kim Quốc vương và Hoàng hậu Jordan đều có tình cảm đặc biệt với thành phố London (Anh).Đây là nơi sinh ra bà Muna - vợ thứ hai của cố Quốc vương Hussein và là mẹ của Quốc vương Abdullah II. Vì thế, Hoàng gia Jordan còn có biệt thự tại thành phố này, theo tạp chí Hello.