Đây là khẳng định của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trong cuộc phỏng vấn với phóng viên ngày 28/1, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga ngày nay (30/01/1950 – 30/01/2015).
PV: Thưa ông Lavrov, Việt Nam và Nga đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Xin ông đánh giá về quá trình phát triển, và những thành tựu đạt được?
Ngoại trưởng Lavrov: quan hệ của chúng ta không phải từ những trang giấy trắng, không phải là mới bắt đầu. Sau 65 năm quan hệ đó đã là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, dựa trên truyền thống tình cảm qua lại, tình anh em nồng ấm với nguyên tắc cơ bản trong luật pháp quốc tế đó là quyền tự quyết của nhân dân trong việc quyết định vận mình của mình mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài và quyền được tự do và độc lập.
Hiện nay quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đó bao quát toàn bộ các lĩnh vực quan hệ giữa hai nước từ đối thoại chính trị, quan hệ kinh tế thương mại, hợp tác đầu tư, khoa học kỹ thuật, nhân văn, quốc phòng, kỹ thuật quân sự…
Chúng ta có cũng một mối quan tâm đó là thực hiện các nhiệm vụ được lãnh đạo hai nhà nước chúng ta đặt ra. Chúng tôi đánh giá cao đối thoại chính trị cấp cao hai bên.
Trong một năm rưỡi qua đã diễn ra chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin, của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga và trong năm 2014, chúng tôi đã đón Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Những thoả thuận đạt được góp phần xác định sự phát triển quan hệ hai nước trong triển vọng trung và dài hạn.
Hợp tác kinh tế thương mại hai nước phát triển tốt, năm ngoái lần đầu tiên chúng ta đã vượt qua ngưỡng 3 tỷ USD kim ngạch trao đổi thương mại và đặt ra nhiệm vụ đưa con số đó lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Nhiệm vụ này là hoàn toàn khả thi bởi chúng ta đang có những dự án lớn, nhiều triển vọng.
Tôi xin nhấn mạnh đến lĩnh vực năng lượng. Đã có thoả thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam, trong lĩnh vực dầu khí có truyền thống tốt đẹp và triển vọng sáng sủa với sự hợp tác của các công ty Nga như Gasprom, Rosneft, Zarubeneft với Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam PetroVietnam trong việc thăm dò và thực hiện các dự án chung khai thác một cách hiệu quả các mỏ dầu không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn trên lãnh thổ Liên bang Nga.
Tôi rất tin tưởng rằng, quan hệ kinh tế thương mại của chúng ta sẽ có thêm một xung lực mới với việc kết thúc đàm phán và đi đến ký kết Thoả thuận thiết lập Khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Thoả thuận đó sẽ được ký kết ngay trong năm nay.
Sự hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực giáo dục, nhân văn giữa hai nước chúng ta cũng đang phát triển rất tốt. Bởi vậy có thể khẳng định rằng, quan hệ của chúng ta đang phát triển mạnh và có một tương lai rất sán lạn.
Trong các vấn đề quốc tế, chúng ta hợp tác với nhau rất chặt chẽ, cùng có chung quan điểm về các vấn đề quốc tế hiện nay. Cũng như các bạn Việt Nam, chúng tôi nhận thức rằng chỉ có những nỗ lực chung không có sự áp đặt của một hay một nhóm quốc gia trong cuộc đấu tranh tập thể mới có thể đối phó được các mối hiểm hoạ như chủ nghĩa khủng bố, tội phạm có tổ chức, di cư bất hợp pháp, biến đổi khí hậu… và nhiều vấn đề khác nữa.
Сhúng tôi đánh giá cao quan điểm cân bằng, có trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến các sự kiện ở Ukraine trong việc giải quyết triệt để bằng biện pháp hoà bình cuộc khủng hoảng tại quốc gia này thông qua đàm phán. Chúng tôi cũng đánh giá cao quan điểm của Việt Nam trong việc không chấp nhận việc áp dụng đơn phương các biện pháp trừng phạt cũng như các biện pháp tương tự không phù hợp với luật pháp quốc tế.
PV: Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương, Nga cũng là một quốc gia có vị thế quan trọng ở châu Âu, đặc biệt là Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) mà Việt Nam cũng có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Việc hai nước chúng ta thúc đẩy quan hệ song phương có ý nghĩa thế nào trong thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ khu vực và thế giới trong bối cảnh mới hiện nay thưa ông?
Ngoại trưởng Lavrov: Có thể khẳng định rằng, quan hệ giữa chúng ta có vai trò quan trọng nỗ lực chung củng cố sự ổn định, an ninh trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Chúng tôi coi trọng vai trò của Việt Nam trong việc phát triển quan hệ hợp tác giữa Liên bang Nga và các nước ASEAN. Việt Nam thực sự có những đóng góp thiết thực cho sự mở rộng quan hệ hợp tác của chúng tôi với ASEAN, trong đó có hợp tác kinh tế thương mại. Tôi xin nhấn mạnh rằng, Thoả thuận về thiết lập thị trường mậu dịch tự do sẽ được ký giữa Liên minh kinh tế Á-Âu với Việt Nam được coi là một bước tiến quan trọng trong sự hợp tác toàn diện với ASEAN nói chung.
Trong lĩnh vực an ninh, chúng tôi hợp tác với phía Việt Nam và các đối tác khác của chúng tôi trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á trong việc soạn thảo các bộ quy tắc ứng xử chung tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà những điều khoản của nó có thể được áp dụng rộng rãi, không xuất phát từ quan điểm liên minh mà trên nguyên tắc an ninh không tách dời, đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đã diễn ra một số vòng tư vấn về các sáng kiến do chúng tôi nêu ra. Chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ của các bạn Việt Nam trong nỗ lực này.
Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN có vai trò quan trọng trong việc kết nối khối này với các đối tác của mình, nó thu hút sự tham gia của hàng chục đối tác từ châu Âu, Nga, Mỹ, kể cả các quốc gia châu Á không phải thành viên ASEAN như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ngoại trưởng Nga trả lời phỏng vấn các phóng viên
Năm ngoái chúng tôi đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN (ông Lê Lương Minh) và chúng tôi đã vạch ra những bước đi cụ thể cho sự hợp tác của chúng ta trong tương lai.
Chúng tôi đã khôi phục và duy trì sự hoạt động thường xuyên của Trung tâm ASEAN thuộc Học viện quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO). Trong khuôn khổ nghiên cứu khoa học, phân tích một cách chuyên nghiệp cùng với các hoạt động thực tiễn cho phép chúng ta khắc phục được những phức tạp mà chúng tôi vẫn luôn dõi theo tại khu vực châu Á-Thái Bình dương đồng thời tìm kiếm những giải pháp tập thể đối phó với hiểm hoạ khủng bố, tội phạm, với các vấn đề hàng hải tự do…
PV: Cộng đồng Việt Nam đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Nga có số lượng không nhỏ và họ cũng là những mắt xích quan trọng trong kết nối quan hệ hai nước chúng ta. Ông đánh giá thế nào về Cộng đồng Việt Nam tại Nga và trong thời gian tới Nga có chính sách gì hỗ trợ, tạo điều kiện để người Việt Nam tại Nga làm ăn ngày một phát triển, đóng góp xây dựng đất nước Nga?
Ngoại trưởng Lavrov: Theo đánh giá c ủa chúng tôi, hiện hiện có khoảng gần 100 ngàn công dân Việt Nam đang lao động, sinh sống tại Nga. Đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - những người rất thành đạt trong kinh doanh; đó là các nhân viên của các liên doanh, các thành viên gia đình, sinh viên… Hiện ở Nga có khoảng 6 ngàn sinh viên Việt Nam và con số này tăng lên mỗi năm.
Chúng tôi đánh giá cao vị trí và tinh thần trách nhiệm của các công dân Việt Nam đang sinh sống tại Nga, về sự đóng góp của họ trong việc củng cố và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nga luôn tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng của mà trước hết là với Cơ quan Di trú Liên bang, với Bộ Ngoại giao Nga. Chúng tôi làm tất cả để những người lưu trú hợp pháp ở Nga có được sự thoải mái nhất, để có thể học tiếng Nga, làm quen với các phong tục tập quán, văn hoá, nghệ thuật Nga…
Tất nhiên, cũng như trong mọi trường hợp khác, vẫn có tình trạng di cư bất hợp pháp. Cơ quan di trú của chúng tôi cùng với các bạn Việt Nam luôn có thiện chí giải quyết ổn thoả vì quyền lợi của chúng tôi cũng như của các bạn để sao cho những ai có nguyện vọng sinh sống và lao động ở Nga có thể thực hiện được trên cơ sở Pháp Luật quy định. Và họ được pháp luật bảo vệ.
Mọi trường hợp xâm nhập Nga bất hợp pháp sẽ bị xử lý, ngoài ra ngay bản thân những cá nhân đó phải hứng chịu ngay vì trong trường hợp rơi vào tay những doanh nhân vô lương tâm họ sẽ bị lạm dụng sức lao động trong khi quyền lợi của họ sẽ không được bảo đảm. Đề tài này luôn là chủ đề quan trọng trong các cuộc tiếp xúc thường kỳ giữa hai bên. Đã có những tiến bộ cụ thể trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ điều chỉnh các vấn đề còn tồn đọng khác