Má đã về một năm nay nhưng trong lòng tôi vẫn luôn u uẩn. Tôi chẳng biết nói gì, với ai về nỗi niềm của mình. Càng không thể nói với má về những gì đang chất chứa trong lòng tôi bây giờ. Do những điều khiến tôi mệt mỏi, chao đảo tất cả vì má mà ra.
Còn nhớ ngày xưa nhà tôi nghèo lắm. Ba đi giăng lưới, bắt cá, làm thuê cùng với má nuôi 4 anh em tôi. Dù nghèo nhưng luôn đầm ấm, vui vẻ. Rồi một ngày nọ, sau khi sang nhà chú Tám bên sông nhậu, lúc bơi qua về nhà ba bị vọp bẻ, đuối nước giữa chừng. Ba chết để lại cho má một gánh nặng gồm 4 đứa con và một người mẹ già. Khỏi phải nói là nhà tôi lúc đó bi đát như thế nào. Thế nhưng vẫn chưa hết. 2 tháng sau má tôi bỏ nhà ra đi mà không nói gì với cả nhà, chỉ nói với bác Tư Tàng nhà hàng xóm nhắn giùm với bà tôi là: “Con đi vài tháng sẽ về”.
Ngày má bỏ đi, tôi mới chỉ học lớp 6, thằng Tính em út tôi mới chỉ học lớp 1. Bà nội tôi chết lặng, nước mắt chảy dài khi thấy má quơ hết quần áo đem đi, chỉ chừa lại những cái áo khoác bận những lúc đi cắt lúa. Mấy đứa em tôi cứ hy vọng má tôi sẽ về nên lâu lâu lại hỏi bà và tôi chừng nào má về. Riết rồi em tôi không hỏi nữa nhưng lâu lâu cứ thấy bóng một phụ nữ nào xa xa đi trên đồng là nó chạy ra ngóng. Cũng từ lúc đó bà nội tôi lại trở thành mẹ của đám cháu côi cút dù mấy cô, mấy chú tôi ở gần đó nhưng cũng đành ngó lơ vì ai cũng nghèo và con cái nheo nhóc như ba tôi. Nhà ngoại thì quá xa và cũng nghèo nên mấy cậu cũng chẳng giúp được gì nhiều cho bà cháu tôi cả.
Ngày đó, dù nghèo nhưng bà vẫn muốn 4 đứa cháu được tiếp tục đi học nên món ăn thường xuyên của nhà tôi là cháo, thỉnh thoảng mới được bữa cơm. Sau giờ đi học tôi đi bắt cá, hái rau, làm thuê để kiếm sống qua ngày. Có lần, thằng Tâm em tôi bị sốt rét lên cơn sốt run cầm cập, bà đi khắp xóm hỏi xin thuốc thì nó lập cập nói trong cơn sốt: “Anh hai, em thèm ăn hủ tíu quá. Anh đi mua một tô hủ tíu về cho em ăn là em hết bệnh liền hà”. Nghe em nói mà tôi muốn khóc òa lên nhưng phải bậm môi lại, dỗ nó chờ đến mai, khi tôi đi bắt cá bán được sẽ dẫn nó đi ăn.
Còn nhớ có lần bà tôi ra đồng đi bắt cua bắt cá về cho cháu ăn cho đỡ thèm thì bị rắn cắn. May mà lần đó hàng xóm biết sớm, đưa giúp bà tôi lên nhà một ông thầy thuốc gần đó chữa trị mới qua khỏi. Ngày hôm đó thấy tôi khóc vì sợ bà chết bỏ lại 4 anh em tôi, bà hứa sẽ không đi làm bên ngoài nữa tôi mới yên tâm phần nào.
Rồi thì những lúc nhà dột, trời mưa, bà và tôi chẳng dám ngủ vì sợ tấm áo mưa căng trên nóc mùng sẽ trũng xuống làm ướt mấy bà cháu. Bà và tôi thay phiên nhau nhúng nùi giẻ vắt nước mưa trong đó để cho các em tôi được ngủ ngon….
Trời cũng không phụ kẻ khó. Bà cháu tôi sống lây lất bằng tình thương của hàng xóm và con cá, cọng rau của ruộng đất xung quanh được 2 năm thì xã xây cho căn nhà tình thương, trên nền đất nhà tôi, thay cho cái nhà lá đã nát. Năm tôi học hết lớp 10, thuyết phục mãi là sau này tôi sẽ đi học tiếp nếu có điều kiện, tôi đi học nghề thợ mộc kiếm tiền nuôi mấy đứa em ăn học cho nên người. Mấy đứa em tôi cũng ngoan, sau giờ học biết đi cắt lục bình phơi, nhận đồ gia công về làm thêm để phụ giúp gia đình nên anh em tôi không đến nỗi quá khốn khó như xưa.
Thế rồi sau 13 năm đi biệt tích, năm ngoái, má tôi lại quay về với chúng tôi. Tôi ngỡ ngàng chẳng phải vì tình cảm má dành cho anh em tôi mà là tôi không nghĩ má lại còn có thể quay về. Giờ đây, khi đã lớn tôi biết là khi bị cùng đường, bế tắc, người ta dễ dẫn đến chuyện muốn từ bỏ tất cả trách nhiệm để sống cho riêng mình. Vậy sao má không đi luôn như lựa chọn ban đầu của mình? Ngày anh em tôi cần má nhất thì má ở đâu, làm gì? Trước khi đi má có nghĩ đến tình cảnh của bà cháu tôi không và nếu đã quyết sao không tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn?
Biết là bất hiếu nhưng mỗi ngày trôi qua phải cười nói với má là cả một sự cố gắng đối với tôi. Nhưng thật sự tôi chỉ thương và tội cho má chứ không kính yêu má như những đứa con khác yêu má mình. Mấy cô chú tôi bảo tôi nên bỏ qua và tha thứ cho má vì ai cũng có lỗi lầm. Bỏ qua thì tôi làm được nhưng tha thứ thì không. Nếu má thương anh em tôi thì sau 1, 2 năm cũng phải động lòng quay về. Còn đằng này…Dù giờ anh em tôi đã có thể phụng dưỡng má nhưng thật lòng tôi chỉ muốn đón má như một vị khách ghé qua nhà chơi, đừng làm xáo trộn đến cuộc sống của anh em tôi bấy lâu nay.
Niềm đau tôi đã cố chịu đựng những năm qua đã nguôi ngoai giờ bị má khơi gợi lên từng giờ, từng ngày. Dạo gần đây trong đầu tôi vẫn luôn hiện lên ý nghĩ: Ước gì má đừng quay về! Thà rằng tôi vọng tưởng đến má như những ngày trước hơn là tôi đón nhận má với một tâm thế mệt mỏi như thế này. Nếu không vì bà nội tôi đã lòa và lẫn thì có lẽ tôi đã dọn ra riêng để cho má bù đắp tình cảm cho mấy đứa em tôi và tôi không cảm thấy gượng gạo ngay trong căn nhà của mình. Tôi phải làm gì đây để không dằn vặt lương tâm của mình và tìm lại được sự thanh thản như ngày xưa khi bên má?