Cụ Chính (sinh năm 1907, nhà ở quận Phú Nhuận) nhập viện do đau khớp háng phải. "Chẩn đoán hình ảnh cho thấy xương vùng khớp háng của cụ bị gãy. Sau hội chẩn, ê- kip bác sĩ gây mê hồi sức, nội khoa tim mạch và cơ xương khớp quyết định mổ", bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc bệnh viện Sài Gòn - ITO cho biết.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn một giờ đồng hồ, các bác sĩ đã nắn xương gãy, kẹp nẹp vị trí gãy. Một số vấn đề được quan tâm trước mổ như bệnh nhân suy yếu tim thận, huyết áp cao, thiếu máu cơ tim đã không gây khó khăn trong suốt quá trình phẫu thuật.
"Chỉ 3 ngày sau mổ là ông đã ngồi được, ăn uống, đọc báo. Sáng nay cụ Chính đã có thể tập đứng trên khung", bác sĩ Tâm nói. Cũng theo ông Tâm, so với người trẻ, xương của ông Chính sẽ lành chậm hơn và dự kiến thời gian bình phục khoảng 3 tháng sau mổ.
Từng tiếp nhận bệnh nhân lớn tuổi bị gãy xương, song ông Chính là bệnh nhân lớn tuổi nhất mà bệnh viện này từng điều trị. Năm 2013 có 3 ca trên 100 tuổi bị té gãy xương khớp háng và đã được chữa lành.
Chị Phạm Thị Nga (59 tuổi) con của ông Chính cho hay, trước khi bị gãy chân, ông cụ hoàn toàn khỏe mạnh. Ông cụ nghe rõ, đọc báo không cần kính, ăn uống rất khỏe và hoàn toàn minh mẫn.
Cụ Chính có thể đọc báo mà không cần đeo kính. Ảnh: Thiên Chương
"Bố tôi thích ăn đồ chiên đồ xào, canh cà chua với thịt bò bằm, sáng tối uống hai ly cà phê mà vẫn ngủ ngon. Tôi nghĩ điều giúp cụ sống thọ ngoài việc không uống rượu, không hút thuốc lá còn nhờ tinh thần lạc quan, không buồn lâu bất cứ chuyện gì", bà Nga nói.
Tươi cười trên giường bệnh, cụ Chính cho biết trước khi bị gãy chân, mỗi ngày ông vẫn tập thể dục bằng cách đi bộ mỗi sáng hoặc nằm trên giường làm động tác đạp xe đạp. "Mỗi ngày tôi đạp đến 200 cái", cụ nói.
Cũng theo người nhà, ông Chính ít bệnh vặt, năm 98 tuổi ông từng nhập viện mổ ruột thừa nhưng bình phục rất nhanh. Ông có 3 người vợ trong đó 2 người đã qua đời. Ông ở với người vợ thứ ba có 6 người con. Con trai lớn của ông 74 tuổi qua đời năm 2014, con út 50 tuổi và vợ ông cũng đã qua đời năm 85 tuổi.