Ngày bố mất, cả người tôi tê liệt. Vốn biết kiếp người hữu hạn nhưng tôi luôn nghĩ cái ngày ông ra đi phải là khi tóc đã thật bạc, cơ thể đã bệnh tật còn tôi thì bước vào ngưỡng tuổi 50. Thế mà khi tôi 25 tuổi, ông vội ra đi không một lời nói trước.
Tôi đã từng khóc ngật ngưỡng khi rớt đại học, khóc đến kiệt sức khi chia tay tình đầu nhưng so với nỗi mất mát này, mọi nỗi đau chỉ là cỏn con. Những ngày đầu bố mất, tôi ngủ rồi thức dậy rồi lại ngủ lần nữa. Tôi cố đánh lừa mình mọi việc chỉ đang diễn ra trong mơ, chỉ cần mơ từ giấc này đến giấc khác thì sẽ không còn hiện thực.
Thế nhưng tôi vẫn phải tỉnh để sống tiếp cuộc đời của mình và làm chỗ dựa cho mẹ. Nếu tôi không mạnh mẽ thì trong nhà sớm sẽ có cái tang thứ hai. Mẹ tôi nói đùa mà giọng nghe chua chát.
Ba năm trôi qua, tôi tưởng nỗi đau đã tàn nhưng khi tôi sắp sửa lấy chồng, nỗi nhớ âm ỉ về bố lại trỗi dậy khiến tôi không một giây phút nào được hạnh phúc trọn vẹn. Tôi đã hoàn toàn chịu thua và bị nỗi nhớ đó nuốt chửng.
Bố tôi từng nói khi quen ai phải giới thiệu với bố trước. Bố không là thầy tướng nhưng bố có trực giác chính xác của một người cha. Người đàn ông của con gái bố phải thật nam tính, trán cao tóc dày, có ánh mắt cương nghị và một bờ vai vững chắc. Tôi đã tìm được một người như thế nhưng ông đã không còn bên để cười khà khà điệu cười ấm áp quen thuộc mỗi khi hài lòng về con gái.
Ngày đầu tiên chúng tôi hẹn hò cũng là ngày đầu tiên tôi dắt anh ra mắt bố. Chúng tôi thắp cho bố một nén nhang, anh ấy cạn với bố một cốc rượu. Chắc bố tôi ở bên kia cũng sẽ vui. Ông đã hứa theo tôi đến từng niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống. Nhưng không ngờ ông lại chọn cách mất mát nhất.
Ngay từ sau khi tôi tốt nghiệp đại học, hai cha con đã bàn về một đám cưới trong tương lai. Ông nói tuy chưa biết chú rể là ai, chúng tôi không theo đạo để làm lễ nhà thờ nhưng ngày cưới, nhất định ông phải dắt tay tôi giữa hôn trường để trao cho chú rể.
Ông nói ông phải đối mặt con rể vào giây phút liêng thiêng đó để dặn dò và gửi gắm con gái. Ông còn đùa chắc phải mất hơn tiếng mới nói hết những tâm tư này. Ông cũng dặn tôi khi làm lễ gia tiên thì đừng nhìn vào mắt bố, ông sợ ông sẽ khóc vì quá xúc động. Con gái lấy chồng, tuy không mất nhưng cũng là xa.
Tôi không đi chọn và in thiệp cưới cho chính mình, cũng chưa từng một lần nhìn lại nó. Đáng lý ra tôi đã có niềm kiêu hãnh khi được ghi tên ông vào phần tên bố mẹ, vậy mà ông ra đi để tên mẹ tôi nằm đơn độc. Tên mẹ tôi một mình nằm chễm chệ trong hơn 1000 thiệp cưới, thông báo cho hơn 1000 người tôi là con bé mất bố đầy bất hạnh.
Ngày kết hôn tôi nhạt nhòa nước mắt. Hai họ và bạn bè tuy rất đông đủ nhưng với tôi không khí lúc đó lại quá xa lạ và trống rỗng. Trong đám đông tôi chỉ tìm kiếm một người. Đứng trước bàn thờ gia tiên và trông thấy ảnh bố, tôi nhớ đến kiệt sức. Tôi sẵn sàng đánh đổi 10 hay 20 năm tuổi thọ chỉ để có bố lúc này.
Trong một dịp trọng đại thế này tôi mới hiểu hết ý nghĩa sự tồn tại cần phải có của người cha. Thấy một gia đình vợ chồng con cái dắt nhau đi cưới tôi cũng ganh tỵ, thấy sự đủ đầy của bên nhà thông gia tôi cũng ganh tỵ.
Không có bố tôi không thể hạnh phúc. Hay hạnh phúc mà tôi đang có không thể lấp đầy những hình ảnh và tình cảm cha con tôi suốt 25 năm qua. Tôi muốn tự nhận mình là một người khuyết tật, không mất đi một phần cơ thể thì tại sao cứ luyến tiếc và đau đáu cả đời như thế này?
Chỉ có những ai mất cha như tôi mới thấm thía nỗi đau này, vậy mà có những người lại ích kỷ và độc đoán tới mức muốn làm mẹ đơn thân. Một đứa con bị khuyết tật tình thương thì cũng bất hạnh không kém gì khuyết tật cơ thể. Chắc những người đó chưa bao giờ biết nghĩ cho con mình.
Nhà chồng trách tôi gần như làm hỏng không khí tiệc cưới với nước mắt và vẻ mặt u sầu của mình. Còn chồng thì bảo tôi quá ủy mỵ cảm tính không để mất mát được ngủ yên. Nhưng tôi nghĩ ngủ yên là quên lãng, mà tôi thì sẽ không bao giờ quên được bố mình. Anh ấy có mất bố đâu mà hiểu nỗi đau này.