Kinh tế Nga đang lao đao

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây về kết quả hoạt động của Chính phủ trong năm 2014, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thừa nhận nền kinh tế nước này vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng (bắt đầu nổ ra từ năm 2008).
Kinh tế Nga đang lao đao
Ảnh minh họa

Và việc đồng ruble mất giá hiện nay là hoàn toàn không có lợi.Các chuyên gia cho rằng so với Thông điệp liên bang của Tổng thống Vladimir Putin, đánh giá này của ông Medvedev về những vấn đề của nền kinh tế có phần xác thực hơn, thậm chí ông còn không ngần ngại sử dụng từ “khủng hoảng”.

Báo "Độc lập" dẫn lời người đứng đầu Chính phủ Nga nhận định có một số nguyên nhân khiến đồng ruble mất giá: Thứ nhất, giá dầu trên thị trường thế giới giảm. Thứ hai là tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Yếu tố cuối cùng là các hành vi lũng đoạn thị trường. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và ngân hàng trung ương Nga đã phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và thỏa thuận với các nhà xuất khẩu lớn để các tập đoàn này cung cấp nguồn ngoại tệ thu được cho nhà nước, giúp Moscow thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nước ngoài thay vì bán ra thị trường.

Đáng chú ý, Thủ tướng Medvedev thừa nhận nước Nga vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng năm 2008 và sự phục hồi của nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2012 chỉ là sự tăng trưởng tạm thời. Những tàn dư của cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục tích lũy trong nền kinh tế và hiện nay nhiều vấn đề lại bùng phát khi nảy sinh các điều kiện bất lợi mới đối với nền kinh tế Nga. Ông cũng đánh giá tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2014 phù hợp với xu thế chung của nền kinh tế thế giới, khi Đức cũng tăng trưởng thấp và Pháp, Italy, Brazil cũng không khả quan hơn.

Giới phân tích cho rằng sự thừa nhận của Thủ tướng Medvedev về những mảng tối của nền kinh tế là hành động dũng cảm, bởi đến nay mới chỉ có Bộ Phát triển kinh tế và một số chuyên gia độc lập "dám" nêu vấn đề này. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, quá trình sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu ở Nga sẽ kéo dài không chỉ 1-2 năm mà có thể hàng chục năm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi. Trong năm nay và các năm tới, Chính phủ Nga sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các nhà sản xuất nông nghiệp nhằm tăng thị phần của phân khúc này.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích độc lập lại tỏ ra hoài nghi khả năng của Chính phủ có thể cùng lúc thực hiện nhiều mục tiêu lớn như hỗ trợ nông nghiệp, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, trong khi giá dầu thế giới đang đi xuống kỷ lục và đồng ruble cũng mất giá nhiều nhất trong lịch sử. Ngay cả những người lạc quan nhất cũng cho rằng giữ được cân bằng ngân sách trong điều kiện khó khăn hiện nay là một thành công lớn của nội các.

Trao đổi với báo “Độc lập”, các chuyên gia cho rằng đánh giá của Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev về hiện trạng nước Nga có những điểm khác nhau. Trong khi ông Putin nhấn mạnh rằng nguyên nhân của việc đồng ruble mất giá là hoạt động lũng đoạn đầu cơ và giao cho Chính phủ đấu tranh chống lại thế lực này thì Thủ tướng Medvedev lại cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên của nền kinh tế và cần tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình. Liệu cách tiếp cận khác nhau đối với cùng một vấn đề có dẫn đến cách giải quyết khác nhau trong bộ máy lãnh đạo nước Nga?

Trong khi đó, nhà phân tích tài chính Tumur Nigmatullin cảnh báo rằng, viễn cảnh kinh tế kém sáng sủa mà Thủ tướng đưa ra có thể khiến người dân càng lo ngại hơn về việc lạm phát sẽ tăng nhanh nên sẽ chuyển sang tăng cường tích trữ ngoại tệ. Điều này sẽ làm cho tình trạng khan hiếm ngoại tệ trên thị trường càng thêm trầm trọng và khiến đồng ruble còn mất giá hơn. Vì vậy, sự thừa nhận thẳng thắn của người đứng đầu nội các Nga, thay vì trở thành một "liều thuốc" trấn an dư luận, lại có thể khiến người dân Nga bất an hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật