Nicaragua trở thành cái gai sau lưng Mỹ với việc cho phép máy bay và tàu chiến Nga được lưu lại ở nước này.
Nga đang nỗ lực trong việc thiết lập căn cứ quân sự tại Nicaragua nhằm dễ dàng tiếp cận với các trạm nguyên liệu gần xích đạo và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mỹ. Với việc phương Tây đang tiến lại gần Nga bằng cách gây ảnh hưởng lên Ukraine thì Nicaragua có thể coi là bước đi thông minh của Nga nhằm hạn chế Mỹ.
Kể từ năm 2006, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega và Mặt trận Giải phóng quốc gia Sandinista ngày càng đẩy mạnh quan hệ song phương với Nga trên các lĩnh vực: ngoại thương, thương mại, nông nghiệp, phòng chống ma túy, các đề án về chương trình không gian và phát triển cơ sở hạ tầng.
Bắt đầu từ khoảng năm 2008, Nga bắt đầu hỗ trợ cho nền quân sự Nicaragua thông qua việc cung cấp kinh phí, trang thiết bị và đào tạo quân sự.
Trong năm 2011, riêng Nga đã hỗ trợ cho quân đội Nicaragua 26,5 triệu USD, gấp 9 lần so với quân đội Mỹ.
Để đáp lại sự ủng hộ này, phía Quốc hội Nicaragua đã cho phép Nga được thành lập căn cứ quân sự, cũng như cho phép máy bay và tàu chiến được lưu lại trong nước qua 6/2015 mặc dù điều này bị cấm trong hiến pháp Nicaragua.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết nước này muốn thiết lập một nền tảng quân sự vững chắc trong khu vực. Điều này diễn ra tương tự tại Venezuela và Cuba. Đây được coi là nước cờ địa chính trị chiến lược của Nga trong chiến thuật quân sự tại châu Mỹ Latin.
Tại sao lại là Nicaragua?
Theo ông Sergei Shoigu, Nicaragua là một vị trí địa lý lý tưởng cho phép tàu Nga dễ dàng tiếp cận các trạm nguyên liệu gần xích đạo. Nga cũng muốn tham gia vào việc hỗ trợ an ninh quân sự trong quá trình xây dựng kênh đào Nicaragua.
Điều đáng lưu ý là ở chỗ, dự án xây dựng kênh đào không có bất cứ tuyên bố trung lập nào, vậy nên trong trường hợp xảy ra xung đột, dự án này không có chức năng duy trì trung lập.
Ngoài ra, động thái này cũng có lợi cho Nga trong việc xây dựng nền móng quân sự.
Việc nhượng bộ Nga trong việc bảo vệ kênh đào mang ý nghĩa to lớn trong việc tạo vỏ bọc cho các hoạt động quân sự bí mật của nước này tại khu vực cũng như thu lợi từ các hoạt động cảng biển bất hợp pháp.
Đồng thời Nga cũng tạo được thêm cơ sở để tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên Mỹ như bô-xít và nguồn khí đốt tự nhiên tiềm tàng tại vùng biển Caribbean.
Nicaragua bảo lãnh cho các chương trình không gian và sự hiện diện quân sự của Nga trong khu vực.
Tổng thống Daniel Ortega luôn duy trì mỗi quan hệ giao hảo với Nga, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự.
Sau thỏa thuận về việc cho phép Nga thiết lập căn cứ quân sự trong nước như một phần của thỏa thuận 6 tháng đào tạo, binh lính 2 nước tiếp tục được cho phép phối hợp tuần tra chống ma túy trên vùng lãnh hải Caribbean và Thái Bình Dương 6/2015. Thỏa thuận này cũng cho phép các hạm đội của Nga duy trì an ninh trong quá trình xây dựng kênh đào Nicaragua.
Khi việc nhượng bộ này bị đưa ra chất vấn, ông Ortega viện dẫn về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại nước này trong thời gian 2007-2012: “Các ông hãy xem đã có bao nhiêu tàu quân sự của Mỹ ghé qua cảng của chúng tôi? Trong đó có bao nhiêu tàu lưu lại trong hàng tháng trời? Chúng hiện diện là để giữ gìn nền hòa bình…. Đã có bao nhiêu sỹ quan và binh lính Mỹ đổ bộ vào Nicaragua để xây dựng căn cứ? Các điều khoản cấm căn cứ quân sự nước ngoài thực tế chỉ tồn tại trong Hiến pháp.”
Nicaragua đồng thời cũng ủng hộ các chương trình không gian của Nga. Tháng 7/2014, Tổng thống Daniel Ortega đã chính thức phê duyệt đề xuất xây dựng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga. Theo một nguồn thông tin mở từ Nga, hệ thống này sẽ “tăng cường hệ thống định vị của Nga” - duy nhất hiện tại tương đương với hệ thống GPS của Mỹ về tính chính xác và phạm vi phủ sóng toàn cầu.
Các hỗ trợ về quân sự của Nga đối với Nicaragua.
Theo như Tổng thống Ortega, các đóng góp của Nga đối với nền quân sự Nicaragua là “ổn định, đáng tin cậy và tối quan trọng”, điều này đã được chứng minh bằng thực tế.
Quân đội Nicaragua trông cậy vào Nga để hiện đại hóa lực lượng quân sự sử dụng nhiều khí tài Liên Xô của mình.
Giữa năm 2008 và 2009, Nga đã cung cấp cho Không quân Nicaragua 2 máy bay trực thăng hiện đại ngoài khoản 10 triệu USD “hỗ trợ tài chính không hoàn lại”.
Tháng 3/2013, Nga hỗ trợ tạo lập Trung tâm Huấn luyện phòng chống ma túy tại Managua.
Tháng 4/2013, Nga cũng cung cấp cho quân đội Nicaragua một hạm đội xe bọc thép và thành lập Trung tâm Huấn luyện quân sự Mariscal Gueorgui Zhukov.
Trong năm 2014, Nga tiếp tục tài trợ cho Nicaragua một chuyến bay mô phỏng vào không gian giá trị khoảng 15 triệu USD.
Khi được hỏi những hỗ trợ của Nga đối với Nicaragua, tổng thống Ortega đáp trả: “Những trang thiết bị phục vụ chiến đấu của quân đội chúng tôi đều đã quá cũ kỹ, liệu Mỹ có cung cấp những vũ khí hiện đại khác cho Nicaragua hay không?”.
Nhận định của láng giềng về sự hiện diện của Nga tại Nicaragua
Phía Costa Rica cho rằng việc Nga xây dựng căn cứ quân đội tại Nicaragua là một mối đe dọa vì quan hệ giữa Costa Rica và “bạn láng giềng” của mình không mấy dễ chịu.
Tổng thống Costa Rica Luis Guillermo Solís thậm chí còn nhắc đến Nicaragua như một “người hàng xóm khó chịu” vào tháng 3/2014.
Tổng thống Solís nói thêm rằng: “Chúng tôi không muốn nói sâu thêm về mối quan hệ láng giềng này, nhưng Nicaragua đã xâm lược lãnh thổ của Costa Rica”. (Ông đề cập đến vụ Isla Calero hồi năm 2010).
Về vấn đề tương tự, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Costa Rica Enrique Castillo cho rằng Nicaragua đang “xù lông” với các nước láng giềng phía Trung Mỹ của mình bằng cách trang bị thêm những vũ khí và trang thiết bị hiện đại với sự giúp đỡ của Nga.
Nicaragua là bước đầu tiên quan trọng trong quá trình thiết lập cơ sở quân sự chiến lược tại Mỹ Latin của Nga.
Mặc dù tính đến thời điểm hiện tại chưa có căn cứ quân sự nào của Nga được xây dựng tại Nicaragua nhưng việc sửa đổi Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua, dọn đường cho sự hiện diện đầu tiên trên đất Nicaragua của quân đội Nga.
Dự án xây dựng kênh đào Nicaragua được dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2015 cũng là một sự hậu thuẫn lớn cho Nga khi nó tạo ra cơ hội bổ sung thêm chiến hạm và các trang thiết bị quân sự khác trên đất liền.
Chuỗi động thái này hoàn toàn có lợi cho Nga trong việc nhanh chóng đạt được mục đích trở thành đồng minh chiến lược trên toàn khu vực.