Thấy chết mà không cứu. Ác quá! “Anh ấy bị giam mười tháng nay rồi, chân đã bị liệt, lại thêm bệnh đau bao tử, không biết có sống được không. Giờ làm sao cứu cho anh ấy ra”. Tôi nói không biết chạy án, mà cũng không bao giờ dám làm chuyện đó, chỉ biết giải thích cho cô hiểu, theo điều này, điều kia của luật, chiếm dụng, lừa đảo chừng này tiền thì chịu án tù chừng này năm… Hồng buồn hiu, khóc.
Tôi biết Hồng từ khi còn nhỏ. Gia đình cô vốn là chỗ thân tình với đơn vị tôi thời chiến tranh biên giới. Hồng lớn lên, có chồng và hai con, sau ly hôn vì không hợp. Cô tần tảo buôn bán nuôi con, đứa học xong đại học, đứa sắp tốt nghiệp THPT. Dù là người có nhan sắc, nhưng Hồng tuyên bố không tin đàn ông, ở vậy nuôi con mười mấy năm nay. Tuổi 45, đùng một cái cô vướng vào lưới tình. Tôi ở xa, nghe loáng thoáng rằng cô có chồng mới. Hôm nay, đột nhiên cô chạy xe đường xa đến nhà, nhờ tôi “cứu chồng”. Chỗ thân tình, lẽ nào không giúp. Nhưng hỏi cặn kẽ sự việc, tôi tá hỏa khi biết “chồng chưa cưới” của cô đang ngồi tù cùng với... vợ anh ta. Hỏi vợ chồng họ ly hôn chưa. Hồng nói chưa, nhưng ly thân mấy năm rồi. Anh ta nói sẽ ly hôn sớm để cưới Hồng.
Chuyện xảy ra vào dịp Tết Quý Tỵ, Hồng lên Chùa Bà cầu sức khỏe và tài lộc. Lúc nghỉ chân, cô gặp một người đàn ông đen sạm, làm nghề vác thuê nước đá, nước ngọt, bánh kẹo lên núi, tên Trọng. Tuy vất vả lam lũ nhưng Trọng nói chuyện rất hiểu biết và dí dỏm. Anh nói Hồng có “căn âm”, hay bệnh tật, phải tìm cách giải hạn mới khỏi. Trọng nói nhiều đến triết lý nhà Phật, tu tâm, từ thiện, mà điều đó lại rất hợp với Hồng. Biết Trọng từ Bình Dương sang kiếm việc làm và tiện gần chùa để tu, Hồng rất thương. Được vài tháng, họ thân nhau và Trọng theo Hồng về nhà ở. Cách giải hạn của Trọng hơi kỳ nhưng lại hiệu quả. Anh “hài hòa âm dương” cho cô và thời gian sau cô "bớt bệnh", tính tình vui vẻ, buôn bán may mắn. Có Hồng, Trọng bỏ hẳn nghề vác thuê, về phụ cô bán hàng tạp hóa. Con gái lớn của Hồng thương mẹ cô đơn nhiều năm, không phản đối mối quan hệ bất thường kia, nhưng em không dám về nhà vì “chú Trọng” tướng tá dữ dằn, hay nổi nóng. Đã tốt nghiệp đại học, em ở lại thành phố làm mướn, chờ xin việc. Chỉ có cậu con trai đang học lớp 11 của Hồng là ra mặt khó chịu, lúc nào có Trọng ở nhà là cậu không về ăn cơm nhà, theo bạn bè chơi bời, lêu lổng. Chiều lòng người tình, Hồng đã cho con trai vào trường học nghề cơ khí. Cậu bé học được nửa năm thì bỏ, đòi học lại lớp 11... Hồng đang lo lắng việc con cái quậy phá thì bất ngờ Trọng bị công an Bình Dương bắt.
Trọng sa vòng lao lý là do vợ chồng anh ta chiếm dụng vốn của người khác đi buôn gỗ, rồi bể nợ không trả được. Số tiền hơn sáu tỷ đồng mới khắc phục được hơn hai tỷ. Chủ nợ làm đơn tố cáo, thế là cả hai vợ chồng bị truy tố. Trọng bỏ lên núi Bà tránh nợ, nhưng một lần về Bình Dương, hai vợ chồng bị bắt, tạm giam, bỏ lại hai đứa con nhỏ cho bên nội nuôi. Trước hoàn cảnh của người tình, Hồng lo lắng mất ăn, mất ngủ. Cô sang nhà Trọng, xin được mang hai đứa trẻ về nuôi, nhưng họ không cho. Cô chạy xe máy 200km ra Bình Dương xin thăm nuôi Trọng, nhưng không có giấy tờ nên ban giám thị trại không cho gặp. Cô tìm gặp mẹ già của Trọng, đã 80 tuổi, năn nỉ bà bán đất để cứu anh ta, nhưng bà cụ và anh của Trọng không nhất trí. Thậm chí anh trai Trọng còn mắng cô “tài lanh”, đã là gì của Trọng mà cuống lên như vậy. “Thằng đó lúc có tiền có coi ai ra gì. Tính tình thì dữ dằn, hở ra là chửi bới, đánh lộn”. Hồng cũng biết Trọng nóng tính, vì cô cũng từng bị “bợp tai” mấy lần. Hai đứa con của Hồng thấy mẹ quan hệ với người đàn ông dữ dằn kia từng ngăn cản, nhưng cô tuyên bố: “Người này má mắc ơn nhiều lắm. Ổng có bệnh thì má nuôi, nếu chết thì má chôn”.
Hồng nói có người quen vừa ra khỏi trại giam bên Bình Dương nhắn lại lời Trọng: “Anh bị liệt một chân, khó đi lại lắm. Em tìm cách cứu anh ra, sau này mỗi tháng anh sẽ trả nợ em 10 triệu”. Tâm sự với tôi, Hồng khóc vì thương “chồng”. Nhà Trọng bỏ không ai thăm nuôi, mấy tháng nay toàn tiền của Hồng gửi vào trại giam cho Trọng bồi bổ, thuốc men. Cả năm trời, bao nhiêu tiền vốn cô đem nuôi chồng hờ, đến nỗi cậu con trai chán nản bỏ học. Tiệm tạp hóa bị “sập”, giờ mỗi ngày Hồng phải đi 12km tới cửa khẩu bán bánh mì, kiếm tiền ăn cho hai mẹ con. bệnh đau đầu tái phát mà cô không dám đi bệnh viện, chỉ tới chùa xin thuốc Nam từ thiện uống cầm chừng. Hồng bảo rằng tôi quan hệ rộng, biết đâu “có cửa” chạy cứu người ra khỏi trại giam. “Có người nói với em, chừng trăm triệu là lôi ảnh ra được thôi”. Tôi vốn không làm được việc đó, càng không ủng hộ cách cứu người của Hồng. Không “danh chính ngôn thuận”, làm sao cô đủ tư cách lo cho chồng người khác? Anh chàng kia còn nợ hàng tỷ đồng, trả bao giờ cho xong, lại dám hứa mỗi tháng trả cô 10 triệu? Nghe tôi truy vấn, cô khóc: “Chỉ cần em cứu được Trọng ra, rồi hai đứa vô chùa ở. Còn vợ anh ấy thì... mặc kệ nó”. Cô nói nếu không ai cứu Trọng, cô sẽ bán nhà đất để lo cho anh ta. Bà chủ nợ nói, nếu trả tiếp cho bà ấy 1,5 tỷ nữa thì sẽ bãi nại. E rằng, số tiền ấy Hồng không lo nổi. Tôi khuyên hãy tập trung lo cho các con học hành, lo cho sức khỏe bản thân, mà cô cứ một mực khăng khăng: “Nợ tình thì phải trả”.
Người ta thường nói, khi phụ nữ yêu thì “trời cũng bé”, nhưng kiểu yêu như Hồng thì quá mù quáng và thiếu đạo lý, vi phạm Luật Hôn nhân gia đình. Cô đang tự tẩm xăng lên ngôi nhà nhỏ bé của mình và sắp… châm lửa. Chẳng ai biết cô mang nợ người đàn ông kia điều gì. Nhưng nếu nợ tình mà "trả" theo kiểu này thì đúng là “ách giữa đàng, quàng vào cổ”.