Tìm lối thoát để khỏi chết đói
Thành công không thể chỉ dựa vào vận may - Lere Mgayiya đã đúc kết được điều này, bởi một thời gian dài trước khi trở thành “vua đánh giày”, ông là nhân viên phát thẻ ra vào cho hãng hàng không Nam Phi - South African Airways. Sau 5 năm làm việc ở sân bay và lên được chức giám sát, Mgayiya đã bị sa thải. “Tôi chưa chuẩn bị tinh thần ra đi” - Mgayiya thẳng thắn thừa nhận khi đó ông đã cảm thấy rất lo lắng, nhưng chính điều đó đã đem đến cho ông một động lực mới.
Con đường đến với kinh doanh của Mgayiya bắt đầu từ đây. Ông tham gia công việc kinh doanh của gia đình – vận chuyển gia súc. Mgayiya cho biết, ông thích được đi đó đây, được đàm phán cũng như đặt ra mục tiêu và hoàn thành chúng. Nhưng công việc này không suôn sẻ. Khi Mgayiya đề nghị vay vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, người bác đã phản đối và không muốn Mgayiya tiếp tục làm cho mình. Sau 1 năm yên ổn, Mgayiya lại thất nghiệp lần nữa.
Vẫn giữ liên lạc với các nông dân, Mgayiya quyết định lập một dự án riêng: bán trứng cho bếp ăn của Quốc hội Nam Phi. Mỗi hộp trứng, Mgayiya chỉ lãi được 6 USD nên lời lãi không được bao nhiêu, thậm chí còn lỗ vốn khi kết toán với người đã cung cấp hàng. Từ đó ông rút ra kinh nghiệm, chỉ nguồn vốn lớn mới có thể duy trì được loại hình kinh doanh này.
Dù thất bại, nhưng Mgayiya vẫn lạc quan, ông đã đăng ký tham gia cuộc thi Sandlam Money Game – một chương trình truyền hình dành cho các doanh nhân. Hãng Red Bull đã lựa chọn ý tưởng quảng cáo ấn tượng của Mgayiya và ông giành được khoản tiền thưởng là 35.000 Rand (khoảng 3.100 USD). Số tiền này được đầu tư vào một công ty trồng cây xanh, nhưng chỉ 6 tháng sau, mọi thứ trở về vạch xuất phát, Mgayiya lại không một xu dính túi.
Mỗi khó khăn là một lần thử thách quyết tâm của Mgayiya. “Tôi cần một nguồn thu nhập ổn định và quyết định mở công ty đánh giày ở sân bay Cape Town. Một người thiếu ăn thì không thể nghĩ được gì và lúc đó tôi đang chết đói” - ông nói. Tháng 11-2002, Mgayiya liên lạc với những người quen ở sân bay đã làm việc trước đây và làm đơn xin thuê một khoảng trống ở sân bay để kinh doanh. Cho đến tháng 9-2013, Mgayiya mới được sự đồng ý của nhà chức trách. “Năm đó, tôi đã phải bán xe của mình. Làm nhân viên lễ tân trong 3 tháng, thậm chí đi ăn xin và vay mượn chỉ để đủ sống qua ngày” - Mgayiya kể lại.
Tin ở chính mình
Trước khi bắt đầu công việc đánh giày, Mgayiya đã cầm cố chiếc tủ lạnh của gia đình để mua dụng cụ. Ngày đi làm đầu tiên của Mgayiya và nhân viên cũng không suôn sẻ vì công ty cung cấp bục kê chân cho khách hàng đã không giao hàng đúng hẹn. “Tôi đã phải kê chân khách lên đùi để đánh giày” - Mgayiya cho biết. Một ngày làm việc của ông và cộng sự bắt đầu từ 5h sáng đến 9h tối, một tuần nghỉ vào chủ nhật. Ông rời khỏi nhà khi mọi người chưa thức dậy và trở về sau khi cô con gái nhỏ đã chìm vào giấc ngủ.
Số lượng khách hàng tăng lên kể từ khi một vị khách gợi ý Mgayiya nên đổi tên công ty
“Airport Shoeshine” thành “Lere’s Shoe Shine”. Mọi người tỏ ra thích thú với thương hiệu mới này và chỉ 4 tháng sau, nhóm đánh giày của Mgayiya tăng lên 5 người và việc kinh doanh đã thuận lợi hơn. Sau 1 năm, Mgayiya có cơ hội tiếp xúc với người phụ trách tất cả các sân bay ở Nam Phi. Người này thích ý tưởng của Mgayiya và việc mở rộng mô hình kinh doanh của Mgayiya được triển khai ngay sau đó. Vào thời gian cao điểm, tại 5 sân bay ở Nam Phi, công ty của “vua đánh giày” Mgayiya cần tới 60 nhân viên. Hiện nay, công việc kinh doanh của ông tập trung vào 3 sân bay lớn là Cape Town, Durban và Johannesburg. “Tôi đã có nhà riêng và cho con gái học ở trường tư” - Mgayiya tự hào cho biết.
Tại sân bay Johannesburg, công ty của Lere Mgayiya đánh 350 đôi/ngày, khoảng 120 đôi ở sân bay Cape Town, và 120 đôi ở Durban. Hãng Lere’s Shoe Shine hiện có 45 nhân viên, doanh thu một năm hơn 220.000 USD. “Khi bắt đầu kinh doanh, bạn cần tin tưởng vào bản thân mình” - đó là kinh nghiệm mà “vua đánh giày” Lere Mgayiya muốn truyền đạt tới những doanh nhân trẻ. Ông Mgayiya cũng nhấn mạnh, “không phải lúc nào cũng hội tụ đủ thiên thời địa lợi, nhưng nếu không bắt tay vào việc, bạn sẽ không thể có thành quả”.
Hiện Mgayiya chưa có ý định ngừng mở rộng kinh doanh. Ông cho biết đang nhắm tới thị trường ở Angola, Kenya và Nigeria, cũng như tại Anh và Mỹ. Thành quả của Mgayiya có được hôm nay chính là bài học cho nhiều doanh nhân trẻ trên con đường vươn tới thành công.
Thành triệu phú nhờ nghề đánh giày
“Chúng tôi là công ty đánh giày lớn nhất châu Phi”, đó là lời giới thiệu đầy tự hào của Lere Mgayiya, một ông chủ ở Nam Phi - người từng 2 lần thất nghiệp, xoay xỏa đủ kiểu kinh doanh nhưng vẫn suýt “chết đói”. Bằng nghị lực và sự nhạy bén, giờ đây, công ty đánh giày của triệu phú này thu về hơn 220.000 USD/năm.