Thời gian gần đây, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc qua các chuyến thăm viếng lẫn nhau đã khiến cho có vẻ như tình hình tranh chấp trên Biển Đông dịu lại sau một thời gian nóng, căng thẳng. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đang ngang ngược, bất chấp, xây dựng các công trình quân sự trái phép trên các đảo mà Trung Quốc chiếm được thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã chứng tỏ, bất luận thế nào, thì mưu đồ đánh chiếm Trường Sa, khống chế Biển Đông là không bao giờ thay đổi.
Hải quân Trung Quốc (PLAN) nếu như tác chiến tầm gần là cực mạnh. Họ có thể thắng hải quân Mỹ trong khu vực biển Hoa Đông, Đài Loan khi mà ở đó, PLAN hoàn toàn có thể lựa chọn sự kết hợp tối ưu nhất 2 yếu tố chiến thuật và công nghệ. Nhưng, tác chiến tầm xa như tại khu vực Trường Sa chẳng hạn, vẫn có thể thành công với tư tưởng tác chiến: “Nếu chiến thuật không thể thì công nghệ có thể”, tuy nhiên, khi chiến thuật đã không thể và công nghệ cũng không thể thì…chỉ có những lũ diều hâu thiếu hiểu biết, lũ quá khích vô tích sự mới hô hào tấn công…
Việt Nam cũng đã từng với tư tưởng tác chiến: “Nếu công nghệ không thể thì chiến thuật có thể” đã, mặc dù không có tàu chiến, không quân, tên lửa tầm xa…(công nghệ), vẫn dùng chiến thuật (lối đánh đặc công) nhấn chìm bao nhiếu tàu chiến Mỹ và thậm chí cả B-52 tại căn cứ Utapao (Thailand). Nhưng, tư tưởng tác chiến đó chỉ thành công trong một khu vực tác chiến hạn chế, lối đánh đặc công là không thể đối với Mỹ tại Hawai…
Trường Sa Việt Nam ở trước cửa nhà Việt Nam nhưng cách xa căn cứ Trung Quốc hàng ngàn km, cho nên lợi thế thuộc về Việt Nam.
Về chiến thuật, Trung Quốc không thể. Về công nghệ? Bất kỳ một chiến dịch quân sự nào thì kế hoạch bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, cho chiến dịch phải đứng hàng đầu. Nếu kế hoạch bảo đảm hậu cần, kỹ thuật này không có tính khả thi, thì chiến dịch không thể thực hiện. Nói cách khác, nếu lực lượng bảo đảm không triển khai được hoặc bị đối phương tiêu diệt, khống chế thì chiến dịch bị thảm bại là không tránh khỏi. Trong khi đó, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng tác chiến khu vực Trường Sa, ở thời điểm hiện tại, là một bài toán không thể giải của các nhà quân sự Trung Quốc.
Trung Quốc đang cố ’tránh vỏ dưa’…
Rõ ràng là, khi công nghệ có thể thì sẽ có rất nhiều sự lựa chọn chiến thuật. Việc Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ quân sự bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đã khắc phục, che đậy, những “tử huyệt” của mình khi tác chiến trên Biển Đông.
Trước hết là khắc phục khoảng cách về địa lý, tạo ra được vị trí xuất phát gần nhất có thể, mở ra nhiều lối đánh, gây bất ngờ vào các đảo gần kề. Lực lượng không quân của Trung Quốc có cơ hội tác chiến trên vùng trời khu vực Trường Sa. Đây là lực lượng tác chiến nguy hiểm nhất.
Đó là lý do mà Trung Quốc đổ bao công sức, tiền của để xây dựng. Gạc Ma, bãi Chữ Thập…đang hình thành và sẽ trở thành những sân bay, bến cảng, những kho xăng dầu lớn… Không những thế Trung Quốc trong tương lại gần còn tạo ra các tàu sân bay, tạo ra những hạm đội tàu sân bay cực mạnh như Mỹ. Điều đó có nghĩa, Trung Quốc đã và đang cố tránh “vỏ dưa” trên con đường xâm lăng biển xa (Các vấn đề về chủ quyền không bàn ở đây)
Tuy nhiên khi xây dựng tại Gạc Ma, Chữ Thập…thành một căn cứ như thế thì một vấn đề thách thức lớn hơn rất nhiều lại xảy ra…
Trung Quốc sẽ ’gặp vỏ dừa’!
Việt Nam đã nói đại thể, không những Trung Quốc mà các nước khác trong đó có Việt Nam cũng đang xây dựng, củng cố các đảo của mình trên quần đảo Trường Sa, có điều, Trung Quốc giàu có thì họ xây dựng lớn, đồ sộ, còn các nước nhỏ, tiềm lực hạn chế thì xây dựng củng cố là chủ yếu…
Điều chúng ta cần hiểu ở đây là, cũng xây dựng trên các đảo, nhưng tính chất, nội dung, chức năng của việc xây dựng và công trình của Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn khác nhau. Với lợi thế địa lý của mình, Việt Nam không cần tốn nhiều công sức tiền của, thời gian để xây xựng các căn cứ quân sự như Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc, cậy mạnh, gây xung đột quân sự thì Việt Nam có nhiều cách để tự vệ chính đáng. Trong tất cả các đảo của Việt Nam có vị trí quân sự trên khu vực quần đảo Trường Sa thì dĩ nhiên Việt Nam biết vị trí đảo nào thì củng cố năng lực phòng thủ để xây dựng các công trình phòng thủ kiên cố, những đảo nào có vị trí thuận lợi cho tấn công thì xây dựng, bố trí vũ khí trang bị tấn công đủ khả năng vươn tới những mục tiêu định trước…Việt Nam, đương nhiên không ngồi nhìn.
Có một nghịch lý đã trở thành chân lý là nếu như xây, khó khăn, phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gian…bao nhiêu thì phá, ngược lại bấy nhiêu. Tìm cách phá, đơn giản, dễ hơn nhiều lần tìm cách xây. Trung Quốc như đang “sắp trứng vào giỏ” nếu như mưu đồ của họ trên Biển Đông không từ bỏ.