Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao - ít người biết đến

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như rau, trái cây, thịt sản xuất sạch, đạt chứng nhận quốc tế… ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, DN sản xuất ra loại sản phẩm này không biết bán cho ai, nhà bán lẻ cũng chưa mặn mà.
Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao - ít người biết đến
Ảnh minh họa

Khó bán vì giá

Bà Nguyễn Ngọc Điệp - Giám đốc Công ty Ca cao Xuân Ron Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết công ty sản xuất và cung cấp các sản phẩm từ ca cao sạch hữu cơ đạt chứng nhận UTZ, không sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản hay hương liệu, không pha trộn.

Với lợi thế có vùng nguyên liệu ca cao chất lượng cao ngay tại Chợ Gạo, công ty và nông dân thực hiện qui trình khép kín từ trồng ca cao hữu cơ, chăm sóc cẩn thận theo đúng hướng dẫn của dự án tài trợ bởi tổ chức Helvetas (Thụy Sỹ), sau đó tiến hành lên men sơ chế hạt khô, nghiền mịn thành bột ca cao nguyên chất. Tuy nhiên vấn đề đầu ra cho sản phẩm ca cao sạch của công ty vẫn còn khó khăn do rất ít nhà bán lẻ chấp nhận giá mua cao hơn so với ca cao thường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM, giá bán heo chăn nuôi đạt chứng chỉ VietGap hoặc chăn nuôi theo hướng VietGap hiện nay chỉ bằng giá heo nuôi thông thường nên chưa khuyến khích được người chăn nuôi. Hiện nay sản lượng heo sạch của TP. HCM có khả năng cung cấp 11.525 tấn thịt heo/năm.

Trong đó HTX Tiên Phong có 10 tấn/ngày, các trang trại và 695 hộ khác cung cấp 21,5 tấn/ngày. Thịt heo sạch này chỉ có một lượng ít được ký kết bán cho Vissan, còn lại các trang trại, hộ nông dân đều phải bán cho thương lái với giá tương đương heo nuôi theo kiểu thông thường.

Còn theo Sở Công Thương TP. HCM, trong những năm qua TP. HCM đã nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ kết nối giữa các nhà sản xuất và DN phân phối, hình thành, duy trì và phát triển một số vùng chuyên canh rau an toàn theo chuẩn VietGap với quy mô lớn tại huyện Củ Chi để cung ứng cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đơn vị cung ứng rau VietGap chưa có điều kiện, cơ hội đưa hàng vào các kênh phân phối do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong phương thức, điều kiện đưa hàng vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Kết quả điều tra, khảo sát tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP. HCM cho thấy tổng lượng rau tiêu thụ mỗi ngày khoảng 217,53 tấn nhưng chỉ có 98,63 tấn là rau VietGap.

Kết nối cung - cầu

Trước nhu cầu kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, bà Phó Nam Phượng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM (ITPC) cho biết tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghiệp thực phẩm 2014 (Hi-tech Agro 2014) diễn ra từ ngày 22 đến 26-10-2014 tại công viên Lê Văn Tám, ITPC sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình kết nối cung cầu, nhằm giúp các DN tham dự hội chợ và DN các tỉnh, thành phía Nam kết nối với các nhà phân phối, các công ty, các tập đoàn bán lẻ quốc tế như: Big C, Lotte Mart, Coop Extra, Metro, Golmart, Aeon, chợ đầu  mối Thủ Đức, Hóc Môn…

Từ đó nắm bắt được xu hướng thị trường và các yêu cầu về kỹ thuật, giúp doanh nghiệp cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các nhà mua hàng tiềm năng.

Theo đó, dự kiến Công ty TNHH TMDV Uy Tín, chủ quản siêu thị online Golmart sẽ ký hợp đồng giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm của 4 DN gồm: HTX Trường Sơn với cà phê thương hiệu Con Sóc; Công ty TNHH Linker Vietnam với cà phê Pihatt; Công ty Ca cao Xuân Ron Chợ Gạo với các sản phẩm bột ca cao nguyên chất, bơ ca cao nguyên chất, socola đắng…; Công ty TNHH Tân Lâm Long với sản phẩm trà thảo dược túi lọc Hibiscus Vô Thường.

Bà Vương Lê Bích Huyền - phụ trách kinh doanh của Golmart cho biết các hợp đồng ký với 4 DN trên đều có thời hạn một năm. Trong 3 tháng đầu, Golmart cùng với nhà cung cấp thực hiện các chương trình quảng bá sâu rộng để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm.

Ngoài ra, hệ thống siêu thị Aeon (Nhật Bản) cũng xem xét và chọn ra 8 đơn vị để tìm hiểu sâu hơn về quy trình sản xuất, năng lực cung ứng hàng hóa gồm: Công ty CP Sài Gòn Thủy Canh (TP. HCM), Tổ hợp tác Xoài Tân Thuận Tây (Đồng Tháp), Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, Cơ sở Thuận Bình (Long An), Công ty TNHH SX TM DV Mỹ Châu (Tiền Giang), Cơ sở bánh tét Trà Cuôn - Hai Lý (Trà Vinh), Cơ sở thu mua chế biến thủy sản Tiến Hải (Trà Vinh), DNTN Phong Vinh (Trà Vinh).

Ông Phạm Thanh Phương - Giám đốc Công ty TNHH Rau sạch Việt Thụy Phát chia sẻ công ty bắt đầu trồng dưa lưới tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM từ năm 2011, diện tích trồng hiện nay là 2 ha, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất 30 tấn/ha/vụ, một năm được 4 - 5 vụ.

Dưa lưới của công ty đang được tiêu thụ tốt thông qua các cửa hàng trái cây sạch nhưng để tăng diện tích và sản lượng là rất khó vì rất ít nhà bán lẻ chịu phân phối do giá thành cao, kén người mua. Nay có bản ghi nhớ với thương nhân chợ đầu mối Hóc Môn, ông Phương tin tưởng dưa lưới của công ty sẽ được bao tiêu tốt hơn. Với nhu cầu ngày càng cao, Công ty TNHH Rau sạch Việt Thụy Phát dự kiến tăng diện tích trồng dưa lưới thêm 6 ha nữa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật