Cụ thể theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI lõi), không tính giá thực phẩm tươi sống, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9, thấp hơn mức tăng 3,1% của tháng trước đó.
Tuy nhiên nếu điều chỉnh theo đợt tăng thuế hồi tháng 4, CPI lõi tháng 9 của Nhật Bản chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 1,1% của tháng 8 và mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ). Rõ ràng, đợt tăng thuế đầu tiên sau 17 năm của chính phủ Nhật Bản có tác động lớn hơn nhiều dự đoán của thị trường.
Cả hai số liệu trên đều ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Lạm phát chậm lại tiếp tục gây sức ép lớn lên các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản ngay trước thềm cuộc họp hàng tháng diễn ra hôm nay. Nếu BOJ không hành động ngay, rất có thể Nhật Bản sẽ lại trở về thời kỳ giảm phát trước đó, kéo giảm hiệu quả hoạt động kinh tế cũng như tăng trưởng GDP.
Cùng ngày, chính phủ Nhật Bản cũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tăng 1 điểm % lên 3,6% trong tháng 9. Hệ số việc làm/người xin việc giảm xuống 1,09 từ 1,1 của tháng 8. Trong khi đó, chi tiêu hộ gia định cũng giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9, ghi nhận tháng thứ 6 giảm liên tiếp.
Những số liệu trên phần nào cho thấy dấu hiệu suy yếu của một trong những nền kinh tế đầu tàu của thế giới. Để thoát khỏi tình trạng tăng trưởng trì trệ, rất có thể các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản sẽ đưa ra những hành động táo bạo hơn. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, BOJ sẽ tăng cường kích thích kinh tế và tiến tới tăng thuế lần 2 lên 10% trong năm tới.
Nhật Bản có nguy cơ trở lại thời kỳ giảm phát
Nguyên nhân chủ yếu do giá tiêu dùng tăng chậm lại trong tháng 9.