Sạt lở bủa vây, Miền Tây “gồng mình” ứng phó

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những công trình kè chống sạt lở bờ biển đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở. Tuy nhiên, đối với công tác khắc phục sạt lở bờ sông thì đến nay gần như chưa được đầu tư
Sạt lở bủa vây, Miền Tây “gồng mình” ứng phó
Sạt lở bờ biển ở Cà Mau cũng rất nan giải

Thời gian qua, với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực của địa phương, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành được hơn 56 km kè bảo vệ bờ biển. Những công trình kè chống sạt lở bờ biển đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ.

hiện trường vụ sạt lở ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long

Tuy nhiên, đối với công tác khắc phục sạt lở bờ sông thì đến nay gần như chưa được đầu tư để đảm bảo hiệu quả dài hạn mà chỉ dừng lại ở biện pháp khắc phục tạm thời. Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết thêm về giải pháp: "Những khu thị trấn, khu đông dân cư, nơi cần bảo vệ như cơ quan nhà nước thì phải làm kè kiên cố. Cái nữa là di dời dân, đặc biệt ở những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm cương quyết di dời, bên cạnh đó thì phải có những khu tá định cư để đưa dân vô và tạo sinh kế cho họ. Còn những vị trí chưa tới mức đặc biệt nguy hiểm, chúng tôi cũng phối hợp doanh nghiệp, nhà khoa học nghiên cứu và có một giải pháp kè cột nước thấp với mức đầu tư thấp, hiệu quả cao".

Tỉnh Cà Mau mới chỉ triển khai được các giải pháp khắc phục bờ sông mang tính chất tạm thời, chưa đảm bảo lâu dài

Tiền Giang gia cố bờ sông phòng chống sạt lở.

Để từng bước khắc phục sạt lở ven sông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương khắc phục 34 điểm sạt lở trước đây với tổng chiều dài gần 9km, tổng kinh phí dự toán hơn 47,5 tỷ đồng (trong đó tỉnh hỗ trợ 38 tỷ đồng, ngân sách huyện 9,3 tỷ đồng). Đối với gần 40 điểm sạt lở còn lại và mới phát sinh dự tính cần kinh phí khắc phục gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của địa phương có hạn cần sự hỗ trợ từ phía Trung ương.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT còn cho biết, để khắc phục sạt lở cần có giải pháp phi công trình và công trình: “ Về giải pháp khắc phục trước mắt các địa phương cần tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao ý thức phòng ngừa sạt lở; trồng lục bình, cây chắn sóng, trồng cỏ ven mái sông, kênh rạch để hạn chế sạt lở. Kiểm tra xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi. Về giải pháp công trình, xử lý sạt lở tạm thời bằng các vật liệu các địa phương sẵn có như: cừ tràm, lưới B40, bao đất... Giải pháp xử lý bằng cọc bê tông cốt thép, kết hợp tấm dal chắn đất, giải phép kè rọ đá chi phí khoảng 20-35 triệu đồng/mét dài, chỉ áp dụng những điểm sạt lở lớn, sâu, nền đất tốt nhưng chi phí đầu tư xây dựng lớn.

Người dân xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang gia cố bờ đê sau khi xảy ra sạt lở.j

Tại tỉnh Bến Tre, sau khi xảy ra sạt lở lớn tại bờ sông Giao Hòa đến nay chỉ làm rào chắn, bảo vệ hiện trường chứ chưa có phương án khắc phục sạt lở. Bởi khu vực sạt lở này nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án xây âu thuyền An Hóa do Bộ NNp- PTNT làm chủ đầu tư. UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT sớm triển khai thi công công trình thủy lợi này để khống chế sạt lở bờ kênh Giao Hòa nhưng đến này chưa được câu trả lời từ Bộ này; tình hình sạt lở nơi đây có nguy cơ tiếp diễn.

Ở tỉnh Vĩnh Long, Ông Lưu Nhuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, các đập thủy điện chặn cát và phù sa ở thượng nguồn sông MeKong cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở. Về phía địa phương cũng đã từng bước có sự chủ động trong phòng tránh: Một vụ sạt lở xảy ra thường diễn biến từ 2 đến 3 ngày, không không phải xảy ra ngay. Do đó cần phải chủ động theo dõi. Thường xuất hiện vết nứt trên nền đất và sùi bọt ở dưới lòng sông do đó đề nghị địa phương và người dân chủ động theo dõi vấn đề này.

Tiền Giang xây bờ kè bảo vệ khu vực bị sạt lở ven sông Ba Rài, huyện Cai Lậy.

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, phân tích, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nhanh, nhiều và phức tạp. Hiện nay lưu lượng dòng chảy tại các sông là rất lớn, nhất là vào mùa mưa. Sự biến đổi dòng chảy cũng đã gây ra xâm thực nhiều khu vực bờ biển, gây sạt lở, mất rừng phòng hộ, làm sóng đánh vào trực tiếp thân đê bảo vệ đời sống, sản xuất của người dân.

Ông Phạm Tấn Đạo cho biết thêm, mặc dù việc ứng phó một số điểm nóng tương đối hiệu quả, nhất là triển khai các giải pháp như là xây dựng kè ngầm, gây bồi tạo bãi và xây dựng kè cứng ở thân đê. Tuy nhiên những công trình như thế này đòi hỏi phải sử dụng nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nguồn lực của địa phương là không thể đáp ứng được mà phải có sự hỗ trợ từ trung ương. Đây cũng là một trong những khó khăn đối với việc ứng phó tình trạng sạt lở tại các đê cồn, bờ sông của Sóc Trăng.

"Đối với khu vực đê sông thì hiện nay cái khó khăn nhất của chúng tôi là các điểm sạt lở mang tính chất bảo vệ các công trình như khu dân cư, trường học, đường giao thông, khu di tích đòi hỏi kinh phí khá cao cho nên vấn đề khắc phục sạt lở những điểm này tương đối chậm do là địa phương không đảm đủ"- ông Đạo nói.

Một đoạn sạt lở ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng

Tình trạng sạt lở ven sông, ven biển tại khu vực ĐBSCL không phải là vấn đề mới mà đã xảy ra hàng chục năm qua nhưng mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở như: sự thay đổi dòng chảy, sông rạch có mật độ phương tiện thủy tăng cao, trọng tải lớn dẫn đến quá tải gây sạt lở hai bên bờ, tình trạng bơm hút cát gần bờ... Bên cạnh những giải pháp công trình thì các giải pháp phi công trình các địa phương cần quan tâm; trong đó công tác phòng ngừa sạt lở phải được các ngành, các cấp và người dân chú trọng. Bởi khi xảy ra sạt lở sẽ đe dọa tính mạng con người, thiệt hại lớn về tài sản và cần có nguồn kinh phí rất lớn để khắc phục.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật