Gỡ khó cho doanh nghiệp “đầu tàu” bứt tốc

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bối cảnh khó khăn chung, vai trò đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty lớn đóng vai trò quan trọng.
Gỡ khó cho doanh nghiệp “đầu tàu” bứt tốc
Doanh nghiệp “đầu tàu“ hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Ảnh: TTXVN

Bức tranh kinh tế của Việt Nam những tháng đầu năm 2023 đầy biến động và thách thức. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới.

Trong bối cảnh khó khăn chung, vai trò đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty lớn đóng vai trò quan trọng.

Tuy đã có những kết quả khả quan nhưng những đóng góp của tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng, ngang tầm với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.

Những rào cản đã được nhận diện và cần dỡ bỏ để giúp các doanh nghiệp “đầu tàu” bứt phá, vượt qua khó khăn, góp phần đưa nền kinh tế về đích.

Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất về vấn đề này.

* Ông Trương Minh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Vượt khó, hoàn thành chỉ tiêu

Thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức sản xuất kinh doanh trong điều kiện thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong số các lĩnh vực chính là nông nghiệp của tập đoàn, cao su là mảng đem lại lợi nhuận và doanh thu lớn nhất. Nhưng trong bối cảnh của năm 2022, giá mủ cao su rơi xuống thấp dẫn đến kết quả không đạt được như kỳ vọng trước đó.

Ông Trương Minh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: BNEWS

Mặt khác, hoạt động kinh doanh về sản phẩm gỗ hay các dịch vụ thương mại khác của tập đoàn trong năm 2022 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế chung, lợi nhuận từ các mảng này đã không đem lại kết quả tích cực như trước đó.

Tuy nhiên, trước những khó khăn trên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn đạt và vượt kế hoạch Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước giao. Cụ thể, doanh thu năm 2022 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt khoảng 28.308 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế khoảng 5.737 tỷ đồng, hoàn thành 117% so với kế hoạch đề ra. Đối với một đơn vị chuyên hoạt động kinh doanh về nông nghiệp, tập đoàn vẫn bảo toàn và phát triển tốt nguồn vốn nhà nước.

* Ông Nguyễn Huy Hưng - Chủ tịch HĐQT Vinafood 2: Bước chuyển mình mạnh mẽ

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty trải dài tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình quản trị tập trung phân tán, hoạt động kinh doanh của tổng công ty thua lỗ triền miên không có vốn.

Ông Nguyễn Huy Hưng - Chủ tịch HĐQT Vinafood 2. Ảnh: BNEWS

Năm 2021, Vinafood 2 đã bị các ngân hàng ngừng giải ngân bởi tình trạng thua lỗ nhiều năm liên tiếp. Bên cạnh đó, tổng công ty vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng sau khi cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Nhà nước cũng chưa sắp xếp công tác quyết toán vốn, giao vốn nhà nước. Sau nhiều năm thua lỗ, năm 2022 Vinafood 2 đã bắt đầu có lãi.

Tuy nhiên quan trọng hơn là ngoài việc sản xuất kinh doanh, Vinafood 2 còn có nhiệm vụ liên quan đến vấn đề an ninh lương thực. Vì vậy, tổng công ty đã cho xây dựng lại các nhà máy và nhà kho, và hiện dự trữ lương thực của tổng công ty đã đạt khoảng 1,3 triệu tấn.

Ngoài ra, tổng công ty cũng đã tập trung làm việc với các tổ chức tín dụng để vay vốn. Hiện nay, thu hoạch lúa đang vụ mùa chính và tổng công ty cũng đang thu mua lúa vụ đông xuân để dự trữ. Ngoài vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, Vinafood 2 còn đảm nhận nhiệm vụ xuất khẩu gạo.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia Tài chính: Doanh nghiệp "đầu tầu" hỗ trợ nền kinh tế phát triển ổn đỉnh

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu diễn biến khó khăn, lạm phát, giá cả leo thang do chi phí các nguyên vật liệu, chi phí đầu vào, logistics, bảo hiểm tăng cao. 19 tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước dù đã có sự chuẩn bị trước và được nhà nước hỗ trợ một phần, song các doanh nghiệp vẫn còn đó những khó khăn vướng mắc.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Có thể thấy, chi phí vốn vay của các tập đoàn, tổng công ty lớn bằng lượng ngoại tệ khá lớn, họ chủ yếu sử dụng đồng USD để thanh toán chi phí mua bán nguyên vật liệu. Với mức chi phí vốn cao, việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả sẽ càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, thời gian qua, nền kinh tế trong nước tăng trưởng chưa mấy tích cực, Chính phủ mong muốn các tập đoàn, tổng công ty lớn phát huy vai trò đầu tàu nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế hồi phục và phát triển.

Các doanh nghiệp này phải đối mặt với tình trạng mặc dù chi phí đầu vào tăng nhưng đầu ra không thể tăng. Có thể thấy, các tập đoàn, tổng công ty lớn vừa phải giữ đảm đương trách nhiệm của một đơn vị sản xuất kinh doanh, vừa phải thể hiện vai trò đầu tàu và hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Mặt khác, sự vào cuộc của các tập đoàn, tổng công ty lớn này đã hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn đỉnh và giữ được đà tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong năm 2022. Nhìn chung, vai trò này có thể đã tạo ra những khó khăn đối các tập đoàn, tổng công ty lớn nhưng cũng giúp tạo ra nền tảng phát triển trong năm 2023.

19 tập đoàn và tổng công ty lớn hiện đang nắm giữ khoảng 63% vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước và khoảng 35% tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tàu này chiếm tỷ lệ vốn tương đối lớn trong số các doanh nghiệp nhà nước.

Vấn đề quan trọng nhất là Chính phủ đã phân định được quyền quản lý doanh nghiệp và quản lý xã hội của các tập đoàn này. Cơ chế quản lý đã đi sâu hơn từ các cách thức, báo cáo cho đến kiểm tra giám sát của Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước, mang tính toàn diện hơn so với trước đây./

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật