Chấm dứt du lịch cưỡi voi - Tiếng nói từ những người trong cuộc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bao đời nay cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Buôn Đôn gắn liền với voi, con voi không chỉ là tài sản mà còn góp phần làm nên bản sắc văn hóa rất riêng . Đồng bào DTTS ở đây coi voi như một người thân trong gia đình. Khi voi chết, người dân tổ chức an táng, làm lễ bỏ mả như con người. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để hình ảnh con voi, văn hóa voi ở xứ sở này mãi trường tồn?
Chấm dứt du lịch cưỡi voi - Tiếng nói từ những người trong cuộc
Ảnh minh họa

Voi đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa của một số dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

Con voi là “đầu cơ nghiệp”…

Đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên như M’nông, Ê Đê “con voi là đầu cơ nghiệp”. Ngày xưa voi kéo gỗ, chở lương thực, ngày nay voi làm kinh tế, thêm thu nhập cho bà con bằng việc chở khách du lịch.

Cho voi ăn rồi nghỉ trưa trong khuôn viên Trung tâm du lịch Buôn Đôn, ông Y Khu Êban (SN 1968), trú buôn Mar, xã Krông Na, chủ của voi cái hơn 30 tuổi tên Ta Nul trải lòng: Gia đình tôi 5-6 đời thuần dưỡng voi rừng. Trước đây, chúng tôi sử dụng voi để vận chuyển hàng hóa, kéo gỗ, săn bắt voi rừng,... Khi đó, voi cõng vài tạ đi từ sáng đến tối, vượt sông, vượt suối, giờ chở khách nặng nhất thì hơn 1 tạ trong vòng mấy phút. Sau mỗi lần chở khách, voi được ăn, nghỉ ngơi và thư giãn thoải mái, mà mỗi tháng chỉ làm 2 tuần, thời gian còn lại voi nghỉ ngơi làm sao quá tải được!

Nói đến đây, ông Y Khu đứng dậy cầm cây mía cho voi Ta Nul ăn, giọng trầm tư, ông bảo: ông không phản đối việc chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi, nhưng chuyển đổi này cũng giống như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vậy. Cần có thời gian, cần tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn và từng bước chuyển đổi. Đầu tiên, phải có chuyên gia hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho chủ voi, nài voi thấu hiểu, nắm bắt cách thức thực hiện các hoạt động thân thiện với voi, sau đó mới huấn luyện cho voi.

“Nhưng đàn voi nhà nay đã lớn tuổi, việc huấn luyện sẽ khó hơn rất nhiều và mất nhiều thời gian. Thu nhập chính của các chủ voi từ việc voi chở khách. Bây giờ không cưỡi voi, chúng tôi sẽ mất đi nguồn thu nhập”, ông Y Khu nói.

Ông Y Khu Êban trầm tư bên voi Ta Nul

Từ khi UBND tỉnh Đắk Lắk ký kết Bản ghi nhớ với Tổ chức Động vật Châu Á về hạn chế dùng voi để phục vụ du lịch cưỡi voi và lễ hội đua voi vào cuối năm 2021; gần đây nhất, là đầu tháng 3/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành kế hoạch hoàn thiện mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với voi”, tiến tới chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi, các chủ voi, doanh nghiệp sử dụng voi làm du lịch và cả người dân xứ voi đều lo lắng.

Là đơn vị sử dụng dịch vụ cưỡi voi phục vụ khách, ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc chi nhánh du lịch khách sạn Biệt Điện (đơn vị quản lý Trung tâm du lịch Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) nhìn nhận, việc chấm dứt du lịch cưỡi voi chuyển sang mô hình thân thiện với voi, ban đầu sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống của chủ voi.

“Nếu áp dụng ngay ở thời điểm này, sẽ khiến chủ voi và các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, sẽ tác động đến du lịch Đắk Lắk nói chung và huyện Buôn Đôn nói riêng và nguy cơ mất dần giá trị văn hóa truyền thống, bởi vùng đất này vốn là cái nôi săn bắt, thuần dưỡng voi rừng bao đời nay", ông Nguyễn Đức nói.

Theo ông Đức triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi, thì cần phải có thời gian để các doanh nghiệp khai thác du lịch chuẩn bị, thích ứng với những thay đổi và bù đắp các dịch vụ thay thế, cũng như đào tạo, huấn luyện để voi có thể thân thiện với khách du lịch trong quá trình chụp hình, cho ăn, tắm, bơi...

Bên cạnh đó, cũng phải quy hoạch vùng chăn thả để bảo đảm nguồn thức ăn cho voi, khu vực tắm, ăn, vui chơi phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái, không gian thì voi mới có thể thân thiện với con người. Một điều quan trọng nữa là, cần có lộ trình huấn luyện cho người dân địa phương biết cách khai thác, làm những dịch vụ thân thiện với voi.

Lớn lên ở xứ voi, già Y Nhi Rya là một trong số ít người hiểu về đời sống, văn hóa của đồng bào gắn liền với voi

Nỗi lòng người trong cuộc...

Lớn lên cùng voi già Y Nhi Rya (71 tuổi) ở buôn Buôn Đôn, xã Krông Na, là một trong số ít người rất hiểu về văn hóa, các tập tục liên quan đến voi, đặc tính của voi và ý nghĩa con voi trong đời sống đồng bào M’nông ở vùng đất Tây Nguyên này.

Chúng ta bảo tồn là đúng, chắc chắn là phải giữ gìn những viên ngọc quý này. Nhưng bảo tồn thì phải làm voi sinh sản và duy trì được văn hóa độc đáo của nó thì công tác bảo tồn mới thật sự hiệu quả. Người dân gốc Buôn Đôn chỉ thật sự hạnh phúc khi có ánh lửa bập bùng, có cồng chiêng, múa xoan và lừng lững ở trên lưng voi, cùng những hoạt động hòa quyện với thiên nhiên, cộng đồng”.

Ông Vũ Minh ThoạiTrưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk

Nhâm nhi ly trà, đôi mắt nheo lại nhìn ra ánh nắng vùng biên đỏ rực, già Y Nhi Rya chậm rãi nói: Buôn Đôn được mệnh danh là xứ voi. Lâu nay, du khách đến thăm quan là vì muốn được xem voi và cưỡi voi. Con voi không chỉ mang lại kinh tế cho người dân, mà cưỡi voi còn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Buôn Đôn. Xưa kia bà Trưng, bà Triệu cũng cưỡi voi đánh giặc nằm trong ký ức của bao nhiêu thế hệ, còn trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ voi chở đạn, lương thực phụ vụ kháng chiến,.

"Đồng bào DTTS ở đây coi voi như một người thân trong gia đình. Khi voi chết, người dân tổ chức an táng, làm lễ bỏ mả như con người. Nếu chấm dứt cưỡi voi, thì sẽ mất dần nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của vùng đất Buôn Đôn và du lịch cũng sẽ dần mất khách và văn hóa cưỡi voi sẽ đi vào quá khứ, dĩ vãng",  già Y Nhi Rya chia sẻ.

Nói đến vấn đề này, ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk băn khoăn: Theo nội dung Bản ghi nhớ, sẽ không sử dụng voi nhà để cưỡi voi, đồng thời, không cho thi voi chạy, voi bơi,… Với góc độ cá nhân của một người 13 năm đứng đầu ngành văn hóa huyện, tôi cho rằng đây là điều đáng tiếc.

“Hình ảnh cưỡi voi đã tồn tại hàng trăm năm nay, và tạo ra văn hóa đặc thù của vùng đất Buôn Đôn nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Đó là văn hóa truyền thống của cả cộng đồng sống bao lâu nay trên mảnh đất này”, ông Thoại nói.

Đắk Lắk tiến tới chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi

“Không làm mất đi giá trị bản sắc văn hóa...”

Đó là khẳng định của ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk về việc tiến tới chấm dứt du lịch cưỡi voi, bởi đây là việc làm nhân văn. Ông Duẩn nêu ví dụ, du lịch các nước trên thế giới, mà gần nhất là Thái Lan, Lào... mặc dù các nước này có số lượng voi đông hơn rất nhiều, nhưng họ không cưỡi voi, chỉ ngắm voi mà vẫn thu hút khách du lịch...

Chúng ta cũng chưa phải là cấm, mà tuyên truyền, vận động để hướng tới chấm dứt du lịch cưỡi voi. Các sở, ngành liên quan và các địa phương đang cộng đồng trách nhiệm giải quyết hài hòa lợi ích của những cá nhân liên quan. Ngành Văn hóa cũng rất tích cực trong việc tham mưu các lễ hội liên quan, đặc biệt là Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 tổ chức vào năm 2023, có hội voi Buôn Đôn, có đua thuyền độc mộc ở Lắk đều gắn với văn hóa voi.

Quan trọng nhất, vẫn là công tác tuyên truyền để thời gian tới, du khách đến Đắk Lắk tự ý thức, không yêu cầu cưỡi voi, mà trải nghiệm hoạt động du lịch gắn với voi. Thay vì cưỡi voi, thì ta mua thức ăn cho voi ăn, mua đồ trang trí cho voi, cùng chơi, chụp ảnh với voi, xem voi đá bóng, voi vẽ tranh… và thực hiện những nghi thức, nghi lễ liên quan không thể thiếu như cúng sức khỏe cho voi, thì cũng là trải nghiệm thú vị cho du khách. Đó mới là cái chúng ta đang hướng đến.

Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đang đề xuất làm tiêu bản của voi. Đến lúc nào đó có con voi không may qua đời thì Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan và các cơ quan chuyên môn làm tiêu bản voi và lưu giữ ở Bảo tàng Đắk Lắk. Như vậy, bên cạnh những huyền thoại sống về voi chúng ta có tiêu bản voi để những câu chuyện, huyền thoại về voi Tây Nguyên trường tồn..

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật