Bỏ nghề nail, người phụ nữ về quê mua đất làm vườn hữu cơ 6000m2 ở Đắk Lắk

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Về quê để tránh dịch, chị Mai không nghĩ bản thân bị kẹt lại cả năm trời, thậm chí còn quyết định liều lĩnh vay ngân hàng mua đất trồng cây ăn quả ở Đắk Lắk, hàng ngày chăm cây trái, bán nông sản.
Bỏ nghề nail, người phụ nữ về quê mua đất làm vườn hữu cơ 6000m2 ở Đắk Lắk
Mảnh vườn gần 1000 cây ăn trái như cam, bưởi, quýt, sầu riêng, mít thái của chị Mai và cộng sự.

Về Việt Nam tránh dịch, chị Vũ Ngọc Mai (38 tuổi, Quảng Ninh) dành thời gian học thêm để nâng cao tay nghề và tham gia các chương trình thiện nguyện hỗ trợ đồng bào lũ lụt và giải cứu các động vật hoang dã. Trong một lần thăm vườn cam tại Măng Đen, người phụ nữ thích thú và ước ao có mảnh vườn tương tự.

Tìm được mảnh vườn đã có sẵn cây trái trồng theo phương pháp hữu cơ, chị Mai bàn tính với một người bạn ở Huế mua lại mảnh đất này. Cả hai góp tiền, vay thêm ngân hàng mua mảnh vườn rộng 6000m2 ở thị trấn Phước An, Krông Pắk, Đắk Lắk với giá 1,5 tỷ đồng.

Trước đó, giữa năm 2020, khi đại dịch Covid-19 lan rộng ở châu Âu, chị Mai với 20 năm sống tại thành phố Karlovy Vary, Cộng hòa Czech phải ở trong nhà nhiều tháng do giãn cách xã hội liên tiếp và trầm cảm vì mất người thân.

Lo ngại về sức khỏe của bản thân, cùng với sự động viên của con trai, chị Mai quyết định về quê hương một thời gian. Tháng 7/2020, chị về Việt Nam.

Tại Czech, chị Mai làm nghề nail, phun xăm thẩm mỹ và xăm hình nghệ thuật.

"Khi lên chuyến bay về nước, mình nghĩ vài tháng khi dịch lắng xuống sẽ quay trở lại Czech vì còn có con trai, nhưng không ngờ dịch ngày càng phức tạp và mình lại trở thành một nông dân chính hiệu, cả ngày chăm cây trái, bán nông sản", chị Mai chia sẻ.

Tuy nhiên, mọi thứ không như mơ với một người "tay ngang" như chị, những ngày đầu nhận vườn, chị bị lừa, hoang mang khi không tìm được đầu ra cho hàng chục tấn cam đã đến ngày thu hoạch.

"Mình không biết gì về nông nghiệp, không biết đi xe máy nên bị động trong việc di chuyển, còn bạn chung vốn bị tai nạn nên mất tay phải. Chúng mình bàn tính mua xe máy và cải tiến để anh bạn có thể lái xe bằng tay trái", chị Mai cho biết thêm.

Chị Mai quy hoạch lại vườn, trồng thêm hoa, đào ao thả cá, làm chuồng nuôi gà. Để có kiến thức trồng trọt, chị tham gia một số nhóm làm nông nghiệp hữu cơ.

Vườn cây ăn trái nói không với thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân bón hóa học. Chị để cỏ mọc um tùm, sau đó cắt để ở gốc cho hoai mục làm phân bón cho cây, tất cả các loại côn trùng, sâu bọ chị đều để chúng sinh trưởng trong vườn, không tìm cách tiêu diệt.

Thay vì sử dụng phân bón hóa học, chị Mai ủ đạm cá, đỗ tương để bón cho cây. Nhờ vậy mà trái cây có vị ngọt đậm, hương thơm rất đặc biệt. Ngoài ra chị còn cho cây nghe nhạc thiền, kinh dược sư, sáng nào chị cũng đi một vòng quanh vườn để thăm và trò chuyện với cây cối.

Người phụ nữ U40 cùng cộng sự làm việc không ngừng nghỉ bất kể ngày đêm, chỉ sau một năm, chính chị còn không nhận ra mình khi soi gương: "Tôi đen nhẻm, tay chân chằng chịt sẹo do côn trùng đốt, chỉ sau một năm tôi thấy mình là một con người hoàn toàn khác, đến người thân cũng không nhận ra".

Cam trong vườn chị Mai tuy mẫu mã không đẹp nhưng ngọt và có hương thơm đặc biệt.

Chị Mai cho biết, cái khó trong đầu ra cho nông sản ở vườn của chị làm thế nào để mọi người biết được trái cây ở vườn của mình sạch. Thương lái vào vườn của chị đều hốt hoảng "trời ơi sao để cỏ um tùm thế này, sao không phun thuốc sâu, quả mã xấu thế này bán cho ai.."

Không nản, tin tưởng với con đường mình đang đi, người phụ nữ này nghĩ cách làm thương hiệu cho nông sản của mình bằng cách làm tem nhãn, lập kênh youtube đăng tải những video về quá trình chăm sóc cây, lập fanpage để tham gia các nhóm và mời chào ở các hội từ Bắc chí Nam. Dần dần, nhiều lái buôn tìm đến chị và mua cam với giá 30.000-35.000 đồng/kg, cao gấp 3-5 lần so với cam của những vườn khác trong vùng.

Vụ cam đầu tiên, chị bán được hơn 10 tấn. Hiện cuối mùa, nên chị dành để bán lẻ cho người quen.

Ngoài ra, chị còn trồng xen canh, gối vụ rau trái ngắn ngày để cho tặng người dân trong vùng hoặc bán để ủng hộ thêm những quỹ từ thiện chị tham gia.

Tuổi trẻ trải qua nhiều nỗi đau, áp lực nên với những khó khăn, thử thách khi quyết định chọn làm nông dân "không thấm gì so với những thứ mình đã trải qua". Người phụ nữ U40 không hối tiếc về lựa chọn của mình, mà còn thấy đây là một trải nghiệm thú vị, đáng thử.

"Tôi chọn làm nông nghiệp để hàng ngày được chăm sóc cây cối, bởi tôi cảm nhận thiên nhiên có năng lực chữa lành tâm hồn và quan trọng là việc mình làm có ích, lan tỏa sống xanh, trồng sạch đến mọi người nên lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Trải qua nhiều biến cố cuộc đời, đến nay, tôi chỉ mong làm gì đó để thanh lọc tâm hồn", chị Mai chia sẻ.

Người phụ nữ U40 chọn làm nông nghiệp sạch để được gần gũi với thiên nhiên.

Sắp tới, chị Mai sẽ phát triển vườn cây ăn trái thành mô hình du lịch sinh thái, có cả khu lưu trú cho du khách tới thăm vườn: "Tôi muốn mô hình của mình là mô hình mẫu trong vùng nên sẽ quyết tâm làm chỉn chu để mọi người có thể học tập", người phụ nữ U40 quả quyết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật