Không phải tiền bạc vật chất, đây mới là gia tài lớn nhất bố mẹ để lại cho con, tương lai sướng hay khổ đều nhờ vào nó

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Muốn con cái có cuộc sống sung túc và hạnh phúc, cha mẹ chỉ cần làm một việc, đó là nói với con cái bằng những hành động thiết thực rằng chúng nên biết ơn những gì đang có.
Không phải tiền bạc vật chất, đây mới là gia tài lớn nhất bố mẹ để lại cho con, tương lai sướng hay khổ đều nhờ vào nó
Ảnh minh họa

"Tôi đã nuôi nấng một kẻ vô ơn".

Khi bà Hồ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên rút tiền, bà phát hiện ra rằng 50.000 tệ (khoảng 179 triệu đồng) trong thẻ ngân hàng của mình giờ chỉ còn hơn 200 tệ (khoảng 716 nghìn đồng). Kẻ lấy tiền của bà không ai khác chính là đứa cháu nội yêu quý chỉ mới 10 tuổi.

Cậu cháu trai đã lợi dụng lúc bà nội không để ý, lấy điện thoại để nhận diện khuôn mặt bà rồi lấy tiền trong tài khoản ngân hàng của bà để nạp vào trò chơi điện tử. Nhìn số tiền tiết kiệm cả đời bỗng chốc tiêu tan, bà Hồ đau lòng đến suy sụp.

Cái nhìn không đúng đắn về tiền bạc không chỉ làm lệch đi tam quan của đứa trẻ mà còn đẩy cả một gia đình đến bước đường cùng. Và những vụ việc tương tự không phải là hiếm, cha mẹ làm việc chăm chỉ, không tiêu được một xu nhưng con cái lại tiêu xài hoang phí.

Cách đây không lâu, tại Hà Nam, cậu bé 10 tuổi đã bí mật lấy 40.000 tệ tiền tiết kiệm của mẹ để nạp tiền chơi game cho mình và cho cả các bạn cùng lớp. Khi biết được sự việc, mẹ cậu bé đã bật khóc tức tưởi. Mỗi lần vác xi măng, cô chỉ nhận được tiền công là 1 tệ mỗi bao. 40 nghìn tệ là 40 nghìn bao xi măng. Có thể tưởng tượng được sự vất vả cực khổ của người mẹ này đã phải trải qua là thế nào.

Những đứa trẻ này đều có một điểm chung: Thiếu nhận thức về tiền bạc!

Nhà giáo dục Merkel đã từng nói: "Giáo dục tiền bạc là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống và là trọng tâm của giáo dục con cái".

Tài sản tốt nhất cho con cái không phải là tiền bạc, mà chính là giáo dục về tiền bạc. Quan điểm lành mạnh về tiền bạc có thể không mang lại sự giàu có thật sự cho trẻ em, nhưng ít nhất nó có thể giúp chúng tự tin đối mặt với cuộc sống.

Không có tiền cũng không sao, không có dũng khí để nói về tiền bạc mới đáng xấu hổ

Các bậc cha mẹ cứ thấm nhuần ý nghĩ về cái nghèo trong con cái họ, khiến trái tim đứa trẻ ngập tràn cảm giác tội lỗi và lo lắng. Nhưng sau đó, đứa trẻ phát hiện ra rằng điều kiện ở nhà không tệ như cha mẹ nói. Bố vẫn ra ngoài ăn tối, mẹ vẫn tiếp tục mua sắm thường xuyên.

Các bậc cha mẹ nghĩ rằng họ có thể động viên con cái học hành chăm chỉ bằng cách che giấu tình trạng tài chính của gia đình. Thế nhưng họ lại không nhận ra rằng việc phóng đại sự nghèo khổ một cách mù quáng chỉ khiến con cái họ mất đi cảm giác an toàn.

Nghèo khó, không có tiền cũng không sao cả, nhưng một đứa trẻ mà tâm hồn bị giằng xé bởi sự nghèo khổ khiến trái tim của nó không còn đủ sức mạnh và tràn đầy nghi ngờ, nó sẽ không bao giờ có thể thoát ra cơn ác mộng khổ sở của đời mình.

Chỉ khi cha mẹ không khóc vì nghèo và không phô trương sự giàu có của mình, con cái mới có thể có được cảm giác an toàn và sở hữu sức mạnh nội tâm. Những đứa trẻ lớn lên trong cách giáo dục này, dù nghèo hay giàu, dù hạnh phúc hay khó khăn, đều biết hướng đi của mình và biết điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng.

Cảm giác thiếu thốn thường là do trẻ không hiểu được sự mãn nguyện

Một cô sinh viên năm nhất đòi gia đình tăng tiền sinh hoạt lên 4.500 tệ mỗi tháng (khoảng 16 triệu đồng). Khi bố mẹ không đồng ý, cô gái liền dùng những từ ngữ khó nghe để trách móc, dằn vặt họ. Trong khi đó, tiền học một năm của cô gái là 30.000 tệ (khoảng 107 triệu đồng), cộng thêm tiền sinh hoạt phí cô đòi hỏi, tổng cộng lên đến 80.000 tệ (khoảng 286 triệu đồng). Đây là số tiền mà bố mẹ cô phải làm còng lưng cả năm trời cũng chưa chắc kiếm đủ.

Trong khi gia cảnh không khá giả, bố mẹ chỉ sống thanh đạm và đơn giản hết mức có thể thì họ lại rất thoải mái chi tiêu cho cô con gái, muốn gì được đó. Cũng chính sự nuông chiều quá mức này đã khiến cho con gái họ trở thành kẻ vô tâm và hư hỏng.

Chỉ cho đứa trẻ vật chất, trái tim đứa trẻ trở nên rỗng tuếch. Sau này cho dù có dùng bao nhiêu tình cảm và tiền bạc cũng không thể lấp đầy được thỏ‌a mã‌n. Đứa trẻ thậm chí còn nảy sinh tâm lý so sánh với những người khác giàu có hơn, sung túc hơn.

Muốn con cái có cuộc sống sung túc và hạnh phúc, cha mẹ chỉ cần làm một việc, đó là nói với con cái bằng những hành động thiết thực rằng chúng nên biết ơn những gì đang có. Sự đồng hành và tình yêu thương của cha mẹ là nguồn nội lực dồi dào và là vũ khí tốt nhất để trẻ chống lại cảm giác ham muốn và đánh bại những khao khát không bao giờ thỏ‌a mã‌n được.

Bất kể điều kiện kinh tế ra sao, tốt hơn hết phụ huynh hãy cho con mình một tấm lòng giàu có và mạnh mẽ. Chỉ có như vậy, con cái chúng ta mới có đủ tự tin để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.

Có thể nói, mang lại cho trẻ một cái nhìn lành mạnh về tiền bạc và trau dồi khả năng giải quyết vấn đề của trẻ chính là sự giàu có tốt nhất mà mỗi bậc cha mẹ có thể trao cho con cái của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật