PGS.TS Trần Thành Nam: “Không nên cho học sinh đi học lại vì chưa chuẩn bị kỹ càng”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, mặc dù việc cho học sinh đi học lại là cần thiết nhưng thời điểm hiện tại, đây là quyết định chưa phù hợp.
PGS.TS Trần Thành Nam: “Không nên cho học sinh đi học lại vì chưa chuẩn bị kỹ càng”
Học sinh Trường THPT Kim Liên trong ngày đến trường tiêm vaccine. Ảnh: Tào Nga

Trao đổi với PV báo Báo , PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Với tư cách là một phụ huynh, tôi cũng rất lo lắng, nhất là khi số liệu hàng ngày, hàng giờ các ca mắc Covid-19 càng tăng lên". 

Theo ông, việc mở cửa trường trở lại hay không, những người làm chính sách cần phải chú ý đến 3 điều sau đây: 

"Thứ nhất, an toàn về mặt y tế. Học sinh quay trở lại trường đã đảm bảo an toàn sức khỏe chưa, nhất là học sinh cuối cấp sắp bước vào những kỳ thi quan trọng cuộc đời? Nếu học sinh đi học lây nhiễm rồi về lây các thành viên trong gia đình chưa tiêm thì sao?... Muốn thuyết phục học sinh đi học thì phải có phương án đảm bảo giảm nguy cơ xuống thấp nhất. Nếu có trường hợp xấu nhất xảy ra thì nhà trường có phương án như thế nào?

Thứ hai đó là tâm lý sợ thi, sợ kiểm tra, sợ cô biết trong khoảng thời gian học online không học được nhiều của các em học sinh. Thực tế nhiều em ngay sau khi biết tin đi học đã thốt lên: "Tại sao không thi online xong rồi mới đi học?". Nghĩa là học sinh thích quay trở lại trường nhưng lại sau khi thi online cho thấy bản chất của nền giáo dục chúng ta chỉ trọng thi chứ không trọng học, hiếu thi chứ không hiếu học. 

Nếu được tôi đề nghị bỏ luôn các bài kiểm tra trong giai đoạn này. Đừng để cho đứa trẻ sợ hãi như thế. Chúng ta sẽ có một cách thức đánh giá kiểu khác chứ không phải theo truyền thống. Và giáo viên cũng phải xác định trong thời gian đầu học sinh trở lại trường không nên ngồi tra xét học sinh hổng kiến thức chỗ nào, tiếp thu bài học bao nhiêu... Điều này càng làm cho học sinh xa cách, không an tâm khi quay trở lại trường. Và đặc biệt, khi mở trường rồi gặp sự cố nào đó mất an toàn lại đóng cửa thì càng "dở" hơn nữa.

Điều thứ 3, chúng ta cần hiểu phụ huynh và học sinh không thấy an tâm khi trở lại trường vì trong thời gian quá dài các em đã bị tổn thương sức khỏe tâm thần. Nhiều em đã tự cô lập mình lại vì các kỹ năng xã hội tương tác với người thật ở trong môi trường học tập trực tiếp bị "chuội" rồi. Kỹ năng sống các em bị giảm xuống, khi quay trở lại trường bị choáng ngợp. 

Các em sợ hãi với việc phải dậy sớm, phải tiếp xúc với người này người khác, phải đối diện với bắt nạt học đường, đối diện với sự kỳ thị, đối diện với những bạn nhanh miệng hơn bao giờ cũng được cô gọi còn mình hơi chậm một chút lúc nào cũng nhận lời chỉ trích… Vì vậy, hệ thống tư vấn học đường phải được kích hoạt luôn, xây dựng các sự kiện giúp học sinh tái hội nhập cộng đồng, tăng cường sự tương tác, rèn lại nề nếp. Nếu học sinh quay trở lại trường mà học sinh còn tiếp cận theo phương thức ngày xưa, có sự phân biệt học sinh theo nhóm tính cách khác nhau thì việc quay trở lại trường này sẽ thất bại".

PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: "Mặc dù việc quay trở lại trường là cần thiết nhưng thời điểm hiện tại, đây quyết định hơi duy ý chí, chưa lường trước được các vấn đề và chưa chuẩn bị kỹ càng để giải quyết 3 nguy cơ nêu trên. Tôi thấy hiện tại việc cho học sinh đi học lại chỉ quan tâm đến y tế nhưng y tế không phải là yếu tố quan trọng nhất hay duy nhất để quyết định cho con đi học trở lại".

Trước đó, theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, học sinh các khối lớp 10, 11, 12 các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở các quận, huyện sẽ đi học trực tiếp từ ngày 6/12 (thứ Hai). Nhiều phụ huynh đã bày tỏ nỗi lo lắng với giáo viên và nhà trường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật