Chấn chỉnh kịp thời để dạy và học trực tuyến hiệu quả

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, Sở GD và ĐT đã triển khai các giải pháp dạy và học phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo việc học không bị đứt quãng.
Chấn chỉnh kịp thời để dạy và học trực tuyến hiệu quả
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) chuẩn bị bài giảng để dạy học trực tuyến.

Trong đó, Sở chỉ đạo các trường “vùng xanh” tranh thủ thời gian vàng dạy và học trực tiếp, và chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến từ cấp Tiểu học, THCS, THPT, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) ở các địa bàn có diễn biến dịch phức tạp. 

Quá trình thực tế việc triển khai dạy học trực tuyến cho thấy hình thức học này đang là lựa chọn tối ưu với những ưu điểm nổi bật như: học sinh không phải di chuyển, có thể học tại nhà, đảm bảo an toàn, phòng dịch mà vẫn tiếp thu được kiến thức... Tuy nhiên, ở một số lớp, đơn vị cũng đã bộc lộ không ít bất cập như: Khả năng tương tác kém so với lớp học trực tiếp; giáo viên không đánh giá hết được năng lực cũng như trình độ của học sinh, hoặc khó nhận biết được khả năng hiểu và tiếp thu bài giảng của học sinh. Chất lượng đường truyền mạng internet, thiết bị công nghệ của thành viên tham gia lớp học không đồng đều. Bên cạnh đó, với một số thầy cô lớn tuổi, việc tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT) là một khó khăn, hạn chế lớn, ảnh hưởng việc học trực tuyến. Hoặc có giáo viên không đổi mới phương pháp giảng dạy khiến việc thực hiện bài giảng chủ yếu theo hướng một chiều, đơn điệu, không tạo được sự hứng thú học tập của học sinh dẫn đến những giờ dạy học trực tuyến tẻ nhạt, chưa thu hút học sinh nên kém hiệu quả. Mặt khác, với học sinh có tính tự giác không cao, không có sự giám sát của người lớn sẽ rất dễ bị phân tâm hoặc sa đà vào các trò chơi hay các nội dung vô bổ trên mạng xã hội. Cô Vũ Thị Hoa, giáo viên dạy Ngữ văn của một trường THCS trên địa bàn thành phố Nam Định cho biết: “Khi dạy trực tuyến, nhiều lúc giáo viên gặp phải tình huống rất khó chịu như học sinh không tập trung học mà “chat” với nhau, chơi game, hoặc thậm chí tắt camera và ngủ gật... gây ức chế cho người dạy và tất nhiên buổi học trực tuyến hiệu quả không cao”.

Mới đây qua nắm bắt tình hình Sở GD và ĐT đã tổ chức kiểm tra, giám sát và dự giờ các tiết dạy trực tuyến của một số đơn vị, địa phương. Quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy: ở một số đơn vị, lãnh đạo chưa quản lý chặt chẽ việc tổ chức dạy và học trực tuyến; một số giáo viên chưa chuẩn bị chu đáo cho bài dạy, khả năng ứng dụng CNTT vào dạy học còn hạn chế, việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo, việc thực hiện bài giảng chủ yếu theo hướng một chiều, chưa có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh...

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, hạn chế trong dạy học trực tuyến, đảm bảo quyền lợi cho người học và chất lượng, ngày 11-11, Sở GD và ĐT đã ban hành Công văn số 1769/SGDĐT gửi Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố; các trường THPT; các Trung tâm GDNN-GDTX về chấn chỉnh việc tổ chức dạy học trực tuyến. Theo đó, đối với giáo viên Sở yêu cầu nghiên cứu và thực hành sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học trực tuyến, phần mềm ứng dụng cho môn học. Xây dựng kế hoạch bài giảng, chuẩn bị kỹ các kịch bản dạy học, chú ý việc thiết kế bài giảng và tổ chức lớp học cần linh hoạt, không để học sinh quá tải về kiến thức. Kiểm tra hệ thống thiết bị và chất lượng đường truyền trước mỗi tiết dạy, nên dùng hệ thống dây truyền internet để đảm bảo ổn định. Thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức nhà giáo. Khi dạy trực tuyến, trang phục, lời nói của giáo viên cần chuẩn mực; bình tĩnh, linh hoạt xử lý các tình huống trên lớp, đặc biệt đối với các sự cố ứng xử hoặc học sinh cá biệt; tránh những phát ngôn gây sốc hoặc xử lý tình huống thiếu tính sư phạm; bật camera khi dạy để tương tác tốt hơn với học sinh. Chú ý việc quản lý học sinh, có thể yêu cầu học sinh bật camera để quan sát, bao quát và quản lý lớp học; khóa các chức năng cho phép học sinh vẽ, chia sẻ… khi không cần sử dụng; tăng cường các hình thức tương tác với học sinh để giúp học sinh tập trung và hứng thú đối với bài giảng (hỏi - đáp; chia nhóm thảo luận; trả lời câu hỏi qua “hộp thoại tin nhắn”; tương tác qua e-learning; chia sẻ bài làm; sử dụng các biểu tượng như “vỗ tay”, “thả tim”, “pháo hoa”… đối với các câu trả lời đúng... giúp tiết dạy vui vẻ, sôi nổi); nắm bắt ý thức, chất lượng học tập và những khó khăn của học sinh qua bài giảng; ghi (lưu - save) lại bài giảng của mình để gửi cho học sinh dự phòng khi học sinh không theo dõi kịp hoặc chưa hiểu kỹ bài giảng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, trao đổi, chia sẻ với đồng nghiệp về phương pháp dạy học trực tuyến, khai thác các nguồn tài liệu điện tử giúp bài giảng phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh. Tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình. Đối với học sinh tiểu học, cần phối hợp tốt với phụ huynh để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp của phụ huynh khi các em vào giờ học tại nhà. Có giải pháp phù hợp với những học sinh không có điều kiện học tập trực tuyến: dùng phiếu giao bài, thoả thuận với phụ huynh học sinh để ghép cùng học với bạn phải đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định; quan tâm hỗ trợ kịp thời những học sinh gặp khó khăn, đảm bảo “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.

Các nhà trường, trung tâm GDTX, GDNN-GDTX, mỗi đơn vị cần thống nhất sử dụng chung 1 nền tảng dạy học để thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát; mỗi lớp lập chung 1 tài khoản, mật khẩu để thuận lợi cho học sinh tham gia lớp học (không phải đăng nhập lại và dùng nhiều tài khoản, mật khẩu khác nhau); quy định tên truy cập của học sinh gồm số thứ tự (trong sổ ghi điểm) và tên học sinh để giáo viên dễ điểm danh, quản lý. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên sử dụng thành thạo phần mềm dạy học; khuyến khích giáo viên tận dụng các tính năng, hiệu ứng của các phần mềm để làm bài giảng sinh động, kết hợp với mạng xã hội (zalo, messenger, facebook, email…) để tăng khả năng tương tác với học sinh và phụ huynh. Phân công lãnh đạo đơn vị dự giờ, giám sát các tiết dạy để nắm bắt tình hình dạy và học; duy trì việc duyệt giáo án của giáo viên trước khi dạy trực tuyến; quan tâm hỗ trợ các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn không có đủ thiết bị và điều kiện khi phải dạy trực tuyến tại nhà hoặc khu cách ly do phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng thời khóa biểu phù hợp và khoa học (ghi rõ thời gian bắt đầu, kết thúc, thời gian học sinh vào lớp…); có thể phân chia các khối lớp học vào các thời gian khác khau trong ngày (sáng, chiều, tối) để đảm bảo thiết bị dạy - học, chất lượng đường truyền và giúp cha mẹ học sinh phối hợp quản lý học sinh khi học. Thời lượng học cần phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi, đảm bảo không quá tải: Mỗi tiết/ca dạy tối đa 35 phút đối với cấp tiểu học; 45 phút đối với cấp THCS, GDTX cấp THCS và 60 phút đối với khối THPT, GDTX cấp THPT; đảm bảo thời gian nghỉ giữa các tiết/ca dạy để học sinh có thời gian nghỉ, hoạt động thể chất và nạp pin thiết bị học. Giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh duy trì nền nếp học đường: mặc trang phục theo quy định để tạo tâm thế, ý thức học tập nghiêm túc, luôn nhắc nhở công tác an toàn trong khi học trực tuyến (an toàn mạng, an toàn điện,…, đặc biệt lưu ý học sinh không nạp pin điện thoại trong khi đang học trực tuyến). Đối với cấp tiểu học cần hướng dẫn phụ huynh để hỗ trợ các em thực hiện các nhiệm vụ giáo dục trong thời gian ở nhà. Yêu cầu giáo viên đến trường dạy trực tuyến, trừ những trường hợp thực hiện cách ly tại nhà hoặc khu cách ly theo quy định của y tế; giáo viên không tổ chức và tham gia dạy thêm học thêm ngoài nhà trường dưới mọi hình thức.

Bên cạnh nỗ lực của đội ngũ giáo viên và các nhà trường, thì việc tăng cường mối liên hệ giữa phụ huynh và nhà trường, phụ huynh và học sinh, học sinh và giáo viên cũng là một biện pháp đảm bảo dạy và học trực tuyến hiệu quả

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật