Nỗi thống khổ tận cùng của 5 phận người trong căn nhà sắp sập nơi vùng biên

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Căn nhà rách nát có thể đổ sập bất cứ lúc nào, tài sản quý giá nhất là chiếc kiềng 3 chân để làm chỗ nấu ăn. 5 phận người đã và đang trải qua những ngày tháng cực cùng của khó khăn và bệnh tật.
Nỗi thống khổ tận cùng của 5 phận người trong căn nhà sắp sập nơi vùng biên
Ngôi nhà rách nát của chị Chung có thể đổ sập bất cứ lúc nào (Ảnh: Nguyễn Tú).

Những phận người trong ngôi nhà "bất an"

Theo giới thiệu của cán bộ xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (Nghệ An), chúng tôi về thôn Thủy Hòa để tìm hiểu hoàn cảnh của gia đình chị Trần Thị Kim Chung (SN 1980). Ở xã biên giới này, người dân thường ví von đây là gia đình "chị Dậu". 

Xem Video: Nỗi thống khổ tận cùng của 5 phận người trong căn nhà sắp sập nơi vùng biên

Căn nhà nhỏ trên là lớp ngói cũ kỹ, còn xung quanh được thưng bởi những tấm ván tạm bợ bị mối, mọt gặm nhấm và những tấm lợp bằng tranh. Thấy khách đến, chị Chung loay hoay với ý định mời  vào nhà nhưng khi nhìn bên trong căn nhà trống huơ trống hoác, chị bối rối: "Các anh thông cảm, nhà không có bàn ghế ngồi".

Mặc dù mang trong mình căn bệnh viêm cầu thận và suy tim nhưng một mình chị Chung phải lo cho cả gia đình 5 người (Ảnh: Nguyễn Tú).

Nói đoạn, chị Chung ngồi bệt xuống thân gỗ trước thềm nhà rồi kể về gia cảnh của mình. Chị sinh ra trong gia đình có 5 anh em, lớn lên mỗi người mỗi nơi và cũng nghèo đói cả. Năm 2004, chị lấy chồng về xã bên nhưng chỉ được hơn một năm thì "đường ai nấy đi", chị về ở với mẹ già.

Chị Chung sinh được 3 người con thì cháu đầu bị bệnh thiểu năng trí tuệ và tự kỷ nên phải gửi vào làng SOS còn 2 đứa con trai thì xanh xao vì không có ăn (Ảnh: nguyễn Tú).

"Trong thời gian mang bầu, vì hoàn cảnh hai bên nội, ngoại quá khó khăn, tôi suy nghĩ rất nhiều nên khi sinh cháu đầu là Phạm Thị Thùy Trang (SN 2005) thì không may cháu bị bệnh thiểu năng trí tuệ và tự kỷ. Hiện cháu đang được gửi tại làng trẻ em SOS thành phố Vinh", chị Chung buồn bã cho biết.

Sau khi ly dị chồng, chị Chung ở giá, nhưng để có chỗ nương tựa lúc về già, chị quyết định và sinh được 2 cậu con trai là Trần Văn Nho (11 tuổi) và Trần Văn Chân (4 tuổi). Năm 2016, thấy trong người mệt mỏi nên chị Chung bắt xe xuống thành phố Vinh để khám thì phát hiện mình bị bệnh viêm cầu thận và suy tim.

Chị Chung còn phải nuôi mẹ già năm nay đã ngoài 80 tuổi.

"Tôi chỉ thấy số phận của mình quá hẩm hiu. Tôi đã cố gắng hết sức để có thể gượng dậy nhưng bây giờ 5 bà cháu, mẹ con đang rơi vào hoàn cảnh cực cùng không lối thoát", Chị Chung òa khóc.

Ngồi bên cạnh con gái, bà Hoàng Thị Dợu (ngoài 80 tuổi) thều thào: "Tôi thì đã "gần đất xa trời" rồi, thương cho cái Chung, nó chưa được một ngày sướng. Lâu nay cả gia đình chỉ nhìn vào nó nhưng bây giờ đang mang bệnh tật không có tiền để đi khám. Cả gia đình đang chết mòn thật cháu à!".

Nỗi thống khổ không lối thoát

Để có tiền chạy chữa cho con gái, tiền ăn uống sinh hoạt, chị Chung hằng ngày đi gặt lúa, cuốc cỏ chè… ai có gì thuê thì chị làm nấy. Công việc vất vả nhưng số tiền kiếm được cũng chẳng thấm vào đâu. Hàng ngày cháu Trần Văn Nho cũng đi lên rừng lấy củi, chăn trâu thuê cho hàng xóm để phụ giúp mẹ.

Sau đợt mưa lũ vừa qua, những chiếc cột nhà che chở 5 phận người đã lộ thiên, xiêu vẹo và có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Trong gia đình không có một thứ gì đáng giá ngoài chiếc kiềng 3 chân cùng chiếc giường cũ nát làm nơi ngủ của 5 con người.

Gia đình chị Chung được ví như hoàn cảnh "chị Dậu" quả không sai. Nhiều người còn tỏ ra thương cảm hơn bởi gia đình "chị Dậu" ít nhất còn có đàn chó mà bán, còn tài sản của gia đình chị Chung thì không có một thứ gì đáng đồng tiền cả.

Chị Chung rất đau khổ khi nói về hoàn cảnh của gia đình mình (Ảnh: Nguyễn Tú).

Nhiều năm nay, mọi chi phí đi viện chỉ nhìn vào tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước cùng giấy chứng nhận hộ nghèo: "Số tiền ít ỏi mà tôi kiếm được không đủ lo sinh hoạt cho gia đình. Mấy tháng nay, cả gia đình không biết đến miếng thịt mỡ là gì. 5 bà cháu, mẹ con thường phải ăn mì tôm qua ngày nói chi đến chuyện đi viện chữa trị", chị Chung bất lực.

"Các anh chị nhìn thấy đó, nhà thì sắp đổ sập, chiếu cũng rách nát hết rồi, tài sản chẳng có thứ gì bán được. Hai cháu Nho và Chân vì suốt ngày ăn mì tôm nên da xanh xao như tàu lá chuối nhưng tôi không có điều kiện để đưa các cháu đi khám. Giờ chỉ đành phó mặc số phận cho ông trời thôi". Vừa nói, chị Chung đưa bàn tay chai sạn lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ.

Không có cơm, hai anh em Nho và Chân phải ăn mì tôm qua ngày (Ảnh: Nguyễn Tú).

Nói về hoàn cảnh của gia đình chị Trần Thị Kim Chung, ông Hà Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương cho biết: "Trên địa bàn xã còn có nhiều hoàn cảnh khó khăn, riêng trường hợp gia định chị Chung là một trường hợp rất đặc biệt. Hiện tại, 5 bà cháu, mẹ con đang rơi vào tình cảnh quá khó khăn".

"Căn nhà thì sắp đổ sập, cái ăn hàng ngày gia đình cũng không đủ no… trong thời gian qua, phía chính quyền xã thường xuyên quan tâm, động viên thăm hỏi và đang kêu gọi mọi nguồn lực để giúp gia đình vượt qua hoàn cảnh khó khăn này", ông Thái cho biết thêm.

Không có cơm, hai anh em Nho và Chân phải ăn mì tôm qua ngày (Ảnh: Nguyễn Tú).

chia tay gia đình trong tiết trời se lạnh nơi vùng biên xứ Nghệ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước hoàn cảnh của gia đình chị Chung. Ngoài trời, từng cơn gió thốc qua những khe hở của tấm lợp bằng tranh. Ngày mai, ngày kia và nhiều ngày nữa, liệu 5 số phận trong căn nhà ấy còn có thể chống chọi với bệnh tật, đói nghèo?.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật