Huyện Gò Công Tây: Nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội kịp thời hỗ trợ người dân

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thực hiện theo Quyết định số 1910/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, qua 03 đợt rà soát, huyện Gò Công Tây đã đề nghị hỗ trợ trên 5.500 người lao động đủ điều kiện, với tổng kinh phí hơn 07 tỷ đồng.
Huyện Gò Công Tây: Nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội kịp thời hỗ trợ người dân
Ảnh minh họa

Đến thời điểm này, huyện đã và đang hoàn thành kịp thời trao số tiền hỗ trợ đến tận tay cho người dân trong đợt 1 và đợt 2 cho 1.344 người bán vé số lẻ (1,5 triệu đồng/người), với tổng số tiền trên 02 tỷ đồng; 3.042 người lao động tự do và người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng.

Hiện tại, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cũng đã gửi 434 hồ sơ hỗ trợ cho người lao động tự do cho tỉnh xem xét chờ duyệt chi. Song song đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cũng đã làm hồ sơ đề nghị gửi về tỉnh cho 74 lao động, công nhân không ký kết hợp đồng lao động với số tiền hỗ trợ trung bình là 1.855.000 đồng/người.

Ngoài ra, để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ đã xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố. Theo thống kê, huyện Gò Công Tây có gần 2.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo được nhận hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia, tổng số lượng gạo tiếp nhận gần 30 tấn, mức hỗ trợ 15kg/người/tháng. Trong đợt 1, địa phương tiếp nhận và hỗ trợ 15 tấn gạo cho người dân trên địa bàn 05 xã, thị trấn, đảm bảo không để bất kỳ trường hợp khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo nào không được hỗ trợ.

Với mong muốn hỗ trợ đến với người dân kịp thời, đúng lúc, ngành chức năng huyện Gò Công Tây đã khẩn trương rà soát, lập danh sách và trực tiếp trao cho các hộ gia đình, tiếp thêm động lực để bà con từng bước ổn định lại cuộc sống sau khi địa phương kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh. Hiện nay, địa phương cũng tích cực tuyên truyền, tiếp tục phối hợp với xã, thị trấn rà soát, lập hồ sơ bổ sung các nhóm đối tượng được hỗ trợ như: Thợ hồ, thợ sơn, phụ xe… để người dân, người lao động, doanh nghiệp nắm các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục, đề nghị hỗ trợ. Trong quá trình thực hiện chi trả trợ cấp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật