Cha già Nghệ An cả đời “đi bằng 4 chân”, nuôi 3 cô con gái học Đại Học: Khổ mấy cũng phải cố

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với gia đình bình thường, việc nuôi 3 đứa con đi học Đại học chưa chắc đã dễ dàng. Vậy mà với người cha Nguyễn Bá Tân (63 tuổi, Nghệ An), bị liệt 2 chân, phải “bò để đi” lại có thể vượt qua một cách ngon ơ và đầy nghị lực. Biết được mà xúc động lắm các mẹ ạ!
Cha già Nghệ An cả đời “đi bằng 4 chân”, nuôi 3 cô con gái học Đại Học: Khổ mấy cũng phải cố
Ông Tân rất giỏi may vá (Ảnh: Thanh Niên)

Theo chia sẻ, ông Tân bị liệt từ khi mới 1 tuổi. Cơn sốt kéo dài đã khiến bố mẹ ông phải đưa con chạy chữa khắp nơi. Nhưng rồi bố ông phải bất lực ôm con trở về. Đôi chân của cậu bé từ đó không còn chức năng để đi lại.

Thương đứa con tật nguyền đam mê nghề may, bố ông vay mượn anh em họ hàng để mua một chiếc máy khâu. “Đó là người bạn tri kỷ nhất và là niềm vui của tui hồi đó”, ông Tân nhớ lại. Có máy, chàng trai này suốt ngày tự học. Đôi chân không thể đạp cho máy khâu hoạt động, ông dùng tay để xoay vì lúc đó xã này chưa có điện lưới. Rồi ông cũng thành công. Sự cần mẫn và đôi bàn tay khéo léo của ông đã chinh phục được nhiều người. Họ kéo đến nhờ may, vá quần áo.

Về tình duyên, ở tuổi 33 tuổi, chàng trai “đi bốn chân” Nguyễn Bá Tân cuối cùng cũng chinh phục được trái tim của một cô gái cùng làng Lương Thị Từ. “Tui đã để ý cô ấy từ lâu, nhưng sợ bị từ chối nên không dám ngỏ lời”, ông Tân nhìn vợ, cười.

 Bà Lương Thị Từ bảo bà bị chinh phục bởi nghị lực phi thường của ông Tân. Nhưng khi bà quyết định lấy ông thì cả gia đình bà phản đối vì “ai lại đi lấy một người què”. Mặc cho nhiều người thân ngăn cản, thậm chí dọa sẽ từ mặt, bà Từ vẫn cương quyết làm theo mệnh lệnh của trái tim. Đám cưới, có người còn giễu “con rể mặc quần đùi, đi bốn chân”. “Cũng vì thế mà chúng tôi lại càng thương nhau hơn”, ông Tân nói.

Năm 1992, sau một năm kết duyên, đứa con gái đầu lòng của vợ chồng ông chào đời. Hai năm rồi ba năm sau nữa, thêm 2 cô con gái nữa ra đời. Năm 1994, người em ruột mua cho ông chiếc xe lăn sau 36 năm “đi đâu cũng phải đi bốn chân”. Chiếc xe như người bạn tri kỷ. Nhưng ông cũng chỉ dùng nó khi cần đi xa, còn lại ông bảo “cứ bốn chân cho tiện”.

Những đứa con của vợ chồng ông lớn lên, đều rất ngoan, học giỏi. “Tui bảo các con tui, bố mẹ chẳng có gì ngoài tình yêu dành cho các con. Các con phải học, khổ mấy bố mẹ cũng sẽ nuôi được”, ông kể. Các con ông lần lượt đi học đại học. Lại một giai đoạn “vượt vũ môn” với vợ chồng ông. “Người ta lành lặn, nuôi con ăn học còn toát mồ hôi hột, huống hồ…”, ông cười. Nhưng, ông bảo đầu tư cho con học hành thì khó khăn mấy với ông cũng nhẹ tựa lông hồng.

Ngày con lớn làm thủ tục đi học đại học, ông tự lăn chiếc xe cọc cạch đội mưa gần 10 cây số xuống huyện làm giấy tờ cho con. “Ông ấy không bao giờ chịu ngồi một chỗ, cứ xong việc này lại đến việc khác”, bà Từ kể. Ông Tân ngồi bên vợ, cười: “thì tui phải làm để chứng tỏ tui không thua kém người khác chứ!”.

Ngày lấy vợ, ông bị hàng xóm chê "Con rể mặc quần đùi, đi 4 chân" (Ảnh: Báo )

Hiện tại, con gái đầu của vợ chồng ông đã có gia đình. Người con thứ 2 và thứ 3 đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định ở Hà Nội. Ông bảo thời gian nhọc nhằn nhất cũng qua, giờ hai vợ chồng lo kiếm đủ sống là hạnh phúc rồi.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, con gái thứ 2 của vợ chồng ông Tân rất tự hào về người bố của mình. “Bố không đi lại được như người ta, nhưng bố rất tuyệt vời. Bố nấu ăn ngon, rất hài hước, luôn vui vẻ, yêu đời, tràn đầy sức sống, vô cùng tình cảm. Chỉ muốn nói rằng con yêu bố rất nhiều và luôn cầu mong cho bố khỏe mạnh, hạnh phúc”, chị cười hạnh phúc.

Có ai đó đã từng nói, phụ nữ lấy chồng nghèo mà có chí vươn lên vẫn hơn lấy những anh chồng giàu mà cả đời chỉ biết ăn bám. Ví như câu chuyện của ông Tân, thật khiến bao người nể phục, ông tuy tàn tật, khó khăn nhưng cả đời luôn nỗ lực đến tận cùng để làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình, xứng đáng với hai từ “nam nhi”, với trọng trách làm “trụ cột”. Vậy mà miệng đời lúc đầu còn chế giễu ông là thằng con rể đi bằng 4 chân, thật chua chát!

Đàn ông như thế, thật hiếm có trên cõi đời này. Bởi xã hội ngoài kia, biết bao người phụ bạc vợ con, chỉ nghĩ đến chén cơm cho riêng mình. Mỗi ngày lên mạng đọc những tin tức tiêu cực, tiểu tam, đánh ghen, vũ phu, tệ bạc, phản bội mà thấy chán chường. Nhưng khi đọc những câu chuyện như của ông Tân, lại khiến em “yêu đời” trở lại. Thật ra, đàn ông tốt có rất nhiều, chỉ là chúng ta cứ dại đâm đầu vào mấy gã “đẹp mã và xấu nết” rồi than thân trách phận.

Lại ngẫm có câu, con gái hưởng phúc từ cha, đúng đắn biết nhường nào. Bởi ông Tân là một người cha tốt, mẫu mực trong gia đình nên con cái cũng hiếu thảo, chăm ngoan. Đã thế ba cô con gái của ông, ai cũng thành tài, quay về báo hiếu.

Có lẽ khi bắt đầu lập gia đình, ông đã biết trước sóng gió mình phải vượt qua. Có lẽ khi nhận giấy báo con gái vào Đại học, ông cũng biết bản thân mình mang gánh nặng đến cỡ nào. Nhưng dù có phải “bán mạng” nuôi con, ông cũng cam lòng. Tư tưởng ấy, thật hiếm ai có được.

Dẫu biết mẹ cha nào cũng thương con, nhưng cái nghèo đâu có thương lấy họ. Chuyện học sinh giỏi mà nghèo thì Việt Nam có đầy, nhưng hầu hết các em phải chấp nhận số phận, trong tình huống không thể xoay sở, các em buộc phải ở nhà phụ mẹ cha. Còn với ông Tân, dù thân thể không lành lặn, dù công việc không ổn định, dù vất vả mưu sinh thì việc học của con vẫn đáng giá bạc vàng – không thể bỏ lỡ. Bởi ông hiểu, chỉ có học hành mới là con đường thoát nghèo tốt nhất.

Giờ đây, ở tuổi xế chiều, ông và vợ có thể an tâm phần nào, bởi các con trưởng thành và sống rất tình nghĩa. Cuộc đời là thế, chỉ một chân lý giản đơn nhưng không phải gia đình nào cũng làm được, muốn con cái giỏi giang thì các các bậc phụ huynh phải là những người truyền cảm hứng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật