Siêu thị Hà Nội giới hạn khách vào mua hàng

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi Hà Nội xuất hiện nhiều ca nhiễm hơn, các siêu thị bắt đầu áp dụng các biện pháp giãn cách, phát phiếu chia thời gian mua sắm, giới hạn khách vào và cả lượng thực phẩm được mua.
Siêu thị Hà Nội giới hạn khách vào mua hàng
Khách ngồi chờ tới lượt vào mua hàng tại siêu thị Go!Market (Nguyễn Xiển, Thanh Xuân). Ảnh: Anh Tú

Ghi nhận của Báo sáng nay (2/8), các siêu thị ở Hà Nội đều áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 ở mức cao hơn, sau khi các chợ đầu mối, một số siêu thị tại Hà Nội phải tạm đóng vì có liên quan ca mắc Covid-19.

Siêu thị Go!Market trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân) thông báo hạn chế khách vào mua sắm trong cùng một thời điểm. Khách tới mua hàng phải khai báo y tế bằng giấy, hoặc qua mã QRCode, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và được phát số thứ tự, rồi xếp hàng ngồi chờ vào siêu thị. 10 phút một lần, nhân viên siêu thị sẽ hướng dẫn cho một lượt khách vào mua.

Từ ngày Hà Nội giãn cách xã hội, chị Thanh, một cư dân tại xã Tân Triều, Thanh Trì giảm số lần đi chợ hoặc siêu thị để tránh tiếp xúc chỗ đông người. Trước đi chợ hoặc siêu thị cách ngày thì nay chỉ đi theo tuần.

Chiều qua tổ dân phố khu chị ở đã phát phiếu đi siêu thị tới từng hộ dân. Từ hôm nay (2/8), mỗi tuần người dân xã Tân Triều chỉ được đi siêu thị 3 lần, vào khung giờ cố định (8-14h hoặc 15-21h) theo ngày chẵn hoặc lẻ trong tuần.

"Chia khung giờ đi siêu thị cũng tốt, giảm lượng người tới mua hàng, giữ được khoảng cách an toàn hơn", chị chia sẻ.

Việc hạn chế số lượng khách hàng mua hàng mỗi đợt, theo các siêu thị, nhằm giảm mật độ khách mua trong siêu thị, giữ khoảng cách giữa người mua tốt hơn, tránh nguy cơ lây nhiễm...

Ngoài xã Tân Triều, nhiều nơi khác tại Hà Nội cũng phát phiếu đi mua hàng thiết yếu cho người dân. Phiếu này dùng để đi chợ hoặc siêu thị, cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn theo khung thời gian cố định, chia ngày chẵn, lẻ trong tuần.

Phiếu đi siêu thị chia ngày, khung giờ tại Big C Nguyễn Xiển, Hà Nội. Ảnh: Kỳ Duyên.

Khảo sát tại các siêu thị, phần lớn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau xanh, củ quả, trái cây... đều đầy ắp kệ. Riêng trứng gia cầm đang thiếu cục bộ, nên nhiều siêu thị đã giới hạn số lượng được mua. Chẳng hạn, siêu thị BigC Thăng Long giới hạn mỗi khách hàng được mua tối đa 3 vỉ trứng một ngày.

Tương tự, siêu thị Aeon Hà Đông thông báo mỗi khách hàng chỉ được mua 30 quả trứng gà một lần, giá mỗi quả 3.000 đồng, tăng 300-400 đồng một quả so với cách đây một tuần. Trên quầy kệ siêu thị này cũng chỉ còn mặt hàng trứng gà công nghiệp, hiện trứng gà ta đang tạm hết. Tương tự, siêu thị MM Mega Market cũng giới hạn mỗi khách được mua 5 vỉ trứng hoặc 2 khay trứng.

Đi tới siêu thị thứ ba, anh Lê (Cầu Giấy, Hà Nội) mới mua được 2 vỉ trứng gà ta. "Bên ngoài trứng ở chợ giá tăng cao, còn vào siêu thị thứ ba tôi mới mua được 2 vỉ trứng vì họ giới hạn số lượng mua. Rất khó tìm mua trứng lúc này", anh Lê nói.

Siêu thị Aeon Hà Đông giới hạn số lượng trứng mỗi khách mua trong một ngày. Ảnh: Minh Anh

Không giới hạn số lượng, nhưng tại một số siêu thị Co.opmart ở Hà Nội, trứng còn lại không nhiều. Đại diện Co.opmart Hà Nội cho biết, họ gặp khó khăn khi hiện mới có 1 xe tải thuộc hệ thống được cấp thẻ nhận diện "luồng xanh".

"Chúng tôi đăng ký 3 xe tải chở hàng hoá được cấp nhận diện QRCode "luồng xanh", nhưng hiện Sở Giao thông Vận tải mới cấp cho một xe, nên việc vận chuyển hàng về bị chậm, khó khăn", vị đại diện Co.opmart Hà Nội chia sẻ.

Trong khi đó phía BRG Mart chia sẻ, một số nhà cung cấp của họ hiện vẫn chưa được cấp mã nhận diện QRCode cho xe chở hàng từ ngoại thành vào Hà Nội, khiến lưu thông hàng chậm, ảnh hưởng tới cung ứng hàng cho siêu thị.

Tại cuộc họp về cung ứng hàng hoá, thực phẩm cho Hà Nội cuối tuần trước, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, một số địa phương ở huyện xa Hà Nội còn có nhiều quy định riêng. Khi cơ sở chăn nuôi tại các tỉnh này vận chuyển vào Hà Nội di chuyển qua các địa phương khác gặp khó. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp cần hướng dẫn cụ thể hoặc lập đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi khi lưu thông hàng hoá.

Trong khi đó, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội đề nghị Bộ giao thông Vận tải, các tỉnh, thành cần hướng dẫn thống nhất cách thức lưu thông, thực hiện cấp nhanh nhất mã QRcode cho các xe vận tải cho hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu vào Hà Nội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật