Armenia cùng phương Tây xới tung sân sau chiến lược của Nga?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi Baku chủ động trao đổi với Moscow để tìm cách giải quyết tình hình, Yerevan lại phớt lờ vai trò của Moscow, hướng tới thực thể khác...
Armenia cùng phương Tây xới tung sân sau chiến lược của Nga?
Xung đột Armenia-Azerbaijan vẫn chưa thể chấm dứt, dù 2 bên đã ký Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện

Armenia phớt lờ vai trò kiến tạo thỏa thuận hòa bình Nogorno-Karabakh của Nga

Hãng thông tấn ARMENPRESS đưa tin, ngày 31/7, Đại diện thường trực của Cộng hòa Armenia tại LHQ Mher Margaryan, đã gửi thư cho Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 7, Nicolas de Riviere, trình bày về việc Azerbaijan xâm phạm chủ quyền Armenia.

Theo thông báo từ bộ phận dịch vụ báo chí Bộ Ngoại giao Armenia, bức thư nhấn mạnh rằng các hành động gây hấn của Azerbaijan chống lại Armenia đi kèm với yêu sách lãnh thổ ở cấp độ cao nhất, đã đe dọa an ninh và kích động hận thù dân tộc.

Vì vậy, Cộng hòa Armenia quyết tâm sử dụng quyền tự vệ hợp pháp để khẳng định chủ quyền và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia trên cơ sở Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Armenia cho rằng tiến trình giải quyết chính trị toàn diện và lâu dài cho cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh phải diễn ra trong hòa bình và được sự bảo trợ của các Đồng Chủ tịch Nhóm OSCE Minsk.

Bức thư của Đại diện thường trực của Cộng hòa Armenia tại LHQ đã được chuyển đến các thành viên của HĐBA LHQ và sẽ sớm được công bố như một tài liệu chính thức của định chế này liên quan đến cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan.

Theo thông tin từ chính phủ Armenia cũng như truyền thông nước này thì tình hình tại biên giới Armenia-Azerbaijan đang rất căng thẳng. Lý do là bởi quân đội Azerbaijan thường xuyên pháo kích vào lãnh thổ Armenia, để mở rộng chiếm đóng lãnh thổ.

Chính quyền Armenia đã yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) can thiệp để buộc chính quyền Azerbaijan phải chấm dứt hành động của mình. Và ngày 3/7, Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas đã có phản hồi đối với Yerevan.

“Chúng ta cần hiểu rằng tiềm năng của CSTO chỉ có thể được sử dụng trong trường hợp các thành viên bị tấn công từ bên ngoài.

Thực tế ở đây, chúng ta đang đối phó với một sự cố biên giới. Vì vậy, các bên cần kiềm chế và tìm biện pháp giải quyết".

Lý giải của Tổng thư ký CSTO là dựa trên tôn chỉ của định chế: "Chỉ trong trường hợp có tấn công, xâ‌m lượ‌c của nước ngoài và nỗ lực chiếm đoạt quyền lực từ bên ngoài, khi đó mới có thể tuyên bố rằng có một cuộc tấn công chống lại CSTO".

Tuy nhiên, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Armenia Armen Grigoryan cho rằng tình hình biên giới Armenia-Azerbaijan không thể gọi là một sự cố, vì Azerbaijan cố tình không rút khỏi lãnh thổ Armenia, mà nỗ lực nhằm chiếm thêm lãnh thổ Armenia.

Yerevan cho rằng Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể Stanislav Zas đã không phản ứng đúng với tình hình, khi chỉ kêu gọi các bên kiềm chế xung đột. Thậm chí Armenia cảnh báo sẽ rút khỏi CSTO nếu không được hỗ trợ.

Xin nhắc lại, sau 6 tuần giao tranh ác liệt, ngày 9/11/2020, tại Moscow, với sự trung của Nga, Armenia và Azerbaijan đã ký Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, lập lại hòa bình cho khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Tuy nhiên, Yerevan lại không trực tiếp trao đổi với Moscow về tình hình mà họ cho là Azerbaijan quyết tâm chiếm thêm lãnh thổ của Armenia, trong khi đó lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đang hiện diện tại khu vực này.

Liên lạc trực tiếp với CSTO, đưa vấn đề lên thẳng HĐBA, đề xuất vai trò của Đồng Chủ tịch Nhóm OSCE Minsk, rõ ràng Yerevan đã cố phớt lờ và hạ thấp vai trò của Moscow trong việc kiến tạo Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện Armenia-Azerbaijan.

Hạ nghị sĩ Mỹ Adam Schiff cảnh báo Azerbaijan và thể hiện tình đoàn kết với Armenia

Armenia đang cùng phương Tây xới tung sân sau chiến lược của Nga?

Đáng chú ý, khi tại New York, Đại diện thường trực của Armenia tại LHQ gửi thư lên HĐBA thì cùng lúc tại Washington, Hạ nghị sĩ Mỹ Adam Schiff thông báo là Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tước bỏ viện trợ quân sự của Mỹ cho Azerbaijan.

Dù chưa biết dự luật có được Thượng viện Mỹ thông qua hay không, nhưng nhà lập pháp Mỹ cho rằng đây là một thắng lợi to lớn đối với Armenia và "những người bạn Mỹ" sát cánh cùng Armenia.

Để Yerevan thêm phấn khởi, khi phát biểu về tình hình căng thẳng trên khu vực biên giới Armenia-Azerbaijan, ông Schiff đã khẳng định tầm quan trọng của việc gia tăng vai trò cho Nhóm OSCE Minsk và sự phát triển của quan hệ Armenia-Mỹ.

Hạ nghị sĩ Adam Schiff nhấn mạnh : ’’Theo lập trường của tôi, chúng ta không nên tài trợ cho một quốc gia mà nhân quyền bị vi phạm, điều này đe dọa đến an ninh và hòa bình của khu vực".

Vị dân biểu Mỹ cho rằng, việc Azerbaijan vi phạm lệnh ngừng bắn đã tạo ra một tình hình đáng lo ngại ở biên giới với Armenia và thật không may, đã có các thương vong trong những ngày gần đây’’, ARMENPRESS tường thuật.

Cùng quan điểm, cùng thời điểm, nữ Hạ nghị sĩ Mỹ Katherine Clark cũng đã lên tiếng kêu gọi quân đội Azerbaijan rút ngay khỏi lãnh thổ Armenia và chấm dứt B.L tại khu vực biên giới Azerbaijan-Armenia.

Bà Katherine Clark còn cho biết bà rất tự hào vì đã bỏ phiếu cho dự luật cắt tài trợ quân sự của Mỹ cho Azerbaijan, được bảo trợ bởi Hạ nghị sĩ Frank Pallone, đồng thời khẳng định sẽ luôn đứng về phía người dân Armenia.

Động thái của giới chính trị Mỹ diễn ra trong bối cảnh Liên minh Châu Âu được cho là đang cố tình và công khai can thiệp, nhằm làm xáo trộn tình hình khu vực tại tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Điều đó được chính Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nêu lên tại cuộc gặp Tổng thống Vladimir Putin ngày 20/7 trong chuyến công du cấp tốc tới Nga, khi tình hình tại biên giới Armenia-Azerbaijan xấu đi nghiêm trọng bởi sự can thiệp của EU.

Hành động của EU có nguy cơ sẽ làm gia tăng cuộc xung đột tại Nam Caucasus giữa Armenia với Azerbaijan, từ đó khiến Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện Yerevan đã ký với Baku với sự trung gian của Moscow có thể sụp đổ.

Nhà lãnh đạo Azerbaijan cho rằng động thái của Brussels có thể được nhận diện là khuyến khích Yerevan tìm cách sửa đổi các điều khoản trong Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện tại Nagorno-Karabakh, vốn bị cho là Moscow mang thắng lợi của Baku.

Khi Armenia vi phạm thỏa thuận, chắc chắn Azerbaijan sẽ kích hoạt các hoạt động quân sự, từ đó có thể gây ra các xung đột với lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tại Nagorno-Karabakh, làm ảnh hưởng xấu tới quan hệ Nga-Azerbaijan.

Tuy nhiên, Armenia lại cho rằng, bằng cả lời nói và hành động, Azerbaijan cho thấy họ đang cố gắng loại trừ mọi khả năng đối thoại, nhằm từng bước vô hiệu hóa Thỏa thuận ngừng bắn toàn diện tại Nagorno-Karabakh.

Hơn thế nữa, Yerevan còn chỉ ra rằng, chuyến công của Tổng thống Aliyev tới Nga không phải là đảm bảo Nga-Azerbaijan vẫn chung chiến tuyến trong thời điểm nhạ‌y cả‌m, mà là mưu đồ của Baku và có lợi cho Moscow.

Bài học từ cuộc Cách mạng Nhung về ảnh hưởng của yếu tố Nga với Armenia vẫn còn nóng hổi

Bởi chính Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khẳng định: "Hầu như tất cả binh lính Armenia bị kết án ở Baku đều đã bị bắt làm tù binh trong khu vực thuộc trách nhiệm của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga", tường thuật của News.am.

Hiện tại cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan đang rất căng thẳng, tình hình tại khu vực Nagorno-Karabakh đang rất phức tạp, và Nga là thực thể quan trọng nhất chịu trách nhiệm kiểm soát tình hình, vì Moscow được cả Yerevan và Baku ủy nhiệm.

Trong khi Baku chủ động trao đổi với Moscow để tìm cách giải quyết tình hình, thì Yerevan lại phớt lờ vai trò của Moscow, hướng tới những thực thể khác mà vốn đã được nhận diện là có xung đột với Nga về lợi ích tại Nam Caucasus.

Từ lập trường-quan điểm đến tuyên bố-hành động cho thấy dường như chính quyền Armenia nhiệm kỳ 2 thời hậu Cách mạng Nhung đang cố tìm một lối rẽ trong chính sách đối ngoại của mình.

Chưa biết tình hình diễn tiến ra sao, song bài học từ những "người của Nga" nhưng "ngả sang Mỹ" trong cuộc Cách mạng Nhung vẫn còn nóng hổi, mà hậu quả là mất cả chì lẫn chài khi "kế ve sầu thoát xác" của Washington bị Tổng thống Putin vô hiệu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật