Vụ trúng thầu mỏ cát sông Tiền trên 2.811 tỉ đồng: Bí ẩn “thông số R”

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Bữa đó, có nhiều người không phải chuyên ngành cát tham gia đấu giá mỏ cát, không hiểu thông số “R“ (thông số cấp quyền khai thác khoáng sản)’, ông Trần Lĩnh Nam - giám đốc Công ty TNHH khai thác vật liệu Trầm Tích kể.
Vụ trúng thầu mỏ cát sông Tiền trên 2.811 tỉ đồng: Bí ẩn “thông số R”
Khu vực mỏ cát sông Tiền ở huyện Chợ Mới, An Giang nằm ngay bến đò kênh Ngang được đấu giá hơn 2.811 tỉ đồng - Ảnh: BỬU ĐẤU

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang đưa ra đấu giá mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang với giá khởi điểm hơn 7,2 tỉ đồng. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.HOME với số tiền trên 2.811 tỉ đồng.

Mỏ cát này có diện tích 60,3ha; mức sâu khai thác dự kiến -16m và trữ lượng ước tính trên 2.372.500m3. dư luận đặt câu hỏi: Tại sao Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.HOME dám "chơi trội" đưa ra số tiền "khủng" 2.811 tỉ đồng để thắng thầu?

Không ai đấu giá cát bằng tiền

Ông Trần Lĩnh Nam - giám đốc Công ty TNHH khai thác vật liệu Trầm Tích (quận 3, TP.HCM), người có mặt ở ngày đấu giá mỏ cát sông Tiền diễn ra tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới - cho rằng nhiều người đã hiểu sai câu chuyện đấu giá này rất nhiều.

"Bữa đó, có nhiều người không phải chuyên ngành cát tham gia đấu giá mỏ cát nhưng lại không hiểu thông số "R" (thông số cấp quyền khai thác khoáng sản - PV) nên đơn vị đấu giá mới chiều chuộng theo ghi ra số tiền tương ứng là 2.811 tỉ đồng đó. Vì nếu là dân trong nghề, người ta chỉ cần trả giá chỉ số R tăng bao nhiêu phần trăm là hiểu ngay" - ông Nam kể lại.

Theo ông Nam, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang đã tính toán theo nghị định 67/2019 của Chính phủ để tính toán ra thông số R = 5% đối với khoáng sản tạm tính khi chưa biết chắc chắn số lượng cát có dưới mỏ là bao nhiêu.  

Sở Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh đã ước trữ lượng ban đầu tạm tính là gần 2,4 triệu tấn (tạm gọi là R). Sau đó, đưa ra 5% của R đấu giá tương đương với trên 7,2 tỉ đồng. 

"Theo tôi, sở đã làm hết cách để tính giá cao nhất cho Nhà nước. Chúng tôi đấu giá chỉ đấu theo hình thức tăng bao nhiêu phần trăm R là được. Bữa đó tôi trả giá R bằng 1.905% chứ không ai lại đấu giá ra tiền như vậy. Vì sau khi trúng đấu giá, họ xin giấy phép thăm dò trữ lượng thì trữ lượng đạt thấp hơn phải trả thấp hơn, chứ đâu phải trả số tiền đó" - ông Nam khẳng định.

5 người "ngoại đạo" đấu giá mỏ cát

Ông Nam cho biết, hôm đấu giá có 5 người tham gia không biết, không hiểu về địa chất và cũng không làm trong ngành cát nên không hiểu rõ R là gì. 

"Tôi thấy bức xúc, vì không có cơ sở nào để nói doanh nghiệp sẽ trả số tiền đó. Vì sau khi được công nhận trúng đấu giá phải đi xin giấy phép thăm dò địa chất, trữ lượng ở đó bao nhiêu nữa. Nếu mỏ cát không có cát hoặc cát rất thấp thì sao? Lúc này R sẽ giảm, hoặc không có thì R chỉ bằng 0. Tôi thấy UBND tỉnh An Giang và sở đã tính toán hết cách mới ra được con số 7,2 tỉ đồng đó. Tôi khẳng định An Giang đã làm đúng nghị định 67 nên mới có mức giá đó và mức giá này không bao giờ có chuyện giá thấp" - ông Nam nói thêm.

Ông Bùi Văn On - phó giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (thắng thầu một mỏ cát trên sông Hậu với giá 273 tỉ đồng), có mặt tham gia buổi đấu giá ở huyện Chợ Mới - cũng cho rằng đơn vị thắng thầu mỏ cát Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới với số tiền quá lớn là "bất thường".

Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.HOME vẫn chưa đưa ra phản ứng sau phiên đấu giá. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Thái - trưởng phòng khoáng sản, tài nguyên nước thuộc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang, đại diện đơn vị trúng thầu mỏ cát sông Tiền đã liên hệ Sở hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục xin giấy phép thăm dò khoáng sản. 

"Họ có đóng tiền ký quỹ 1,4 tỉ đồng lúc đấu thầu. Từ bây giờ đến lúc nhận quyết định trúng thầu, họ sẽ nộp tiền lần 1 là 145 tỉ đồng theo quy định. Chúng tôi đang hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các bước tiếp theo" - ông Thái nói. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật