Phát hiện mũi giáo nguyên vẹn sau 3.000 năm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mũi giáo kim loại được bảo vệ dưới lớp cát đen của bãi biển, vượt qua vô số đợt bão và thủy triều từ thời Đồ Đồng đến nay.
Phát hiện mũi giáo nguyên vẹn sau 3.000 năm
Mũi giáo nguyên vẹn từ thời Đồ Đồng được tìm thấy trên bãi biển ở Jersey. Ảnh: Di sản Jersey.

Thợ dò kim loại Jay Cornick tìm thấy mũi giáo bằng hợp kim đồng dài khoảng 35 cm trên bãi biển gần làng Gorey, đảo Jersey, Anh, Telegraph hôm 1/3 đưa tin. Mũi giáo trông nguyên vẹn đến mức Cornick cho rằng đó chỉ là phần đầu của một chiếc xiên cá hiện đại.

Tuy nhiên các nhà khảo cổ tại tổ chức Di sản Jersey xác định mũi giáo này có niên đại ít nhất 3.000 năm dựa vào phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon. Họ cũng kết luận rằng vết gỗ còn sót lại trong khe của mũi giáo cho thấy cán giáo làm từ gỗ Acer campestre, loài cây thuộc chi Phong, vật liệu phổ biến dùng làm chuôi, cán và vũ khí cuối thời Đồ Đồng.

Các chuyên gia chưa từng tìm thấy mũi giáo nào tương tự trên quần đảo Eo Biển. Phần lớn mũi giáo thời Đồ Đồng phát hiện tại đây có kích thước nhỏ hơn nhiều và bị bẻ gãy rồi chôn xuống đất theo một nghi thức cổ xưa.

"Mũi giáo là một phát hiện thực sự thú vị đối với Jersey. Nó rất hiếm và độc đáo xét về kích thước và mức độ nguyên vẹn. Mũi giáo này hoàn toàn khác với tất cả những thứ mà chúng tôi đã có", Olga Finch, quản lý phòng khảo cổ tại tổ chức Di sản Jersey, cho biết.

Kiểu mũi giáo này có tên Tréboul, đặt theo một địa danh ở Brittany (Pháp). Tuy nhiên, mũi giáo ở Jersey rất lớn và tinh xảo nên có thể được chế tạo để sử dụng cho nghi lễ nào đó, theo Neil Mahrer, chuyên gia bảo tồn tại tổ chức Di sản Jersey.

Các nhà khoa học cho rằng mũi giáo còn nguyên vẹn như vậy nhờ được bảo vệ dưới cát đen, tránh tiếp xúc với không khí. Nó không chỉ "sống sót" qua quá trình xây dựng cảng Gorey và lâu đài trung cổ mà còn vượt qua những đợt thủy triều và bão mùa đông suốt 3.000 năm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật