Đồng Tháp Mười những năm lũ lớn

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những trận lũ lịch sử nhấn chìm nhà cửa, trường học, làm nhiều người chết... nhưng cũng mang phù sa, nguồn lợi thủy sản dồi dào cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng Tháp Mười những năm lũ lớn
Tốn hơn 13 triệu đồng chi phí đặt vó, vừa thức cả đêm canh, hai vợ chồng nông dân này chỉ bắt được gần 2 ký cá. Ảnh: Hoàng Nam.

Xem Video: Đồng Tháp Mười những năm lũ lớn

Sáng sớm cuối tháng 9, ông già Mười (64 tuổi, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) chạy xe máy ra khu chợ cách nhà hai cây số. Lát sau, ông trở về với mớ cá mè nhỏ tầm một ký, lắc đầu bảo: "Tao sống cả đời ở vùng lũ một thời cá ục như cơm sôi, mà năm nay phải đi chợ mua, bây coi đời kỳ lạ không".

Gần nhà ông, chiếc vó cá khung sắt, trụ bêtông của vợ chồng hàng xóm vừa đầu tư hơn 13 triệu đồng. Đặt vó suốt từ đêm hôm trước đến giữa trưa, họ kéo chiếc đục đựng cá xem thử, ước chừng gần hai ký cá phi, rô, trê, lau kiếng. Đang vào mùa lũ, nhưng mực nước sông thấp hơn con đường đê bao đến hơn một thước. Bên trong đê, cánh đồng lúa vừa gặt xong trơ gốc rạ, đất nứt nẻ vì nắng nóng.

Ông già Mười nhớ như in, tại cánh đồng này tầm 10, 20 năm về trước, mỗi năm lũ về, sáng sớm cả cánh đồng trắng xóa một màu hoa súng dại. Giữa đồng, những chiếc xuồng ba lá lướt đi nặng trĩu, rộn tiếng cười đùa của những người hái bông súng, hẹ nước, bông điên điển... Dưới mặt nước, cơ man nào là rong đuôi chồn, mã đề thi nhau mọc, làm ngôi nhà lý tưởng cho lũ cá rô, cá linh, trê, lóc.

"Thời đó, kéo vó cá không ai tính ký, mà đong bằng giạ, mỗi giạ tương đương 20 kg, mỗi đêm bèo nhất cũng phải 5-7 giạ. Còn cá linh chỉ cần bủa 20 m lưới hai phân rưỡi, nửa tiếng sau kéo lên không nổi, chỉ lựa vài con ăn, còn lại ủ nước mắm hoặc nấu cho heo ăn", ông già Mười kể.

Trong trí nhớ của lão nông, lũ lớn, cá từ thượng nguồn về sinh sản nhiều vô số kể, cộng với cá từ các ao nuôi bị ngập sổng ra, nên dưới kênh lúc nào cũng thấy cá đớp móng. Cá tra dầu, bông lau đi theo từng đàn hàng nghìn con. Thợ giăng câu ngồi ở mũi xuồng móc mồi chuối, trùn phía trước, phía sau cá đã cắn câu kéo liệt phao, họ chỉ lựa con lớn mà bắt, con nhỏ thả. Ở những ngã ba, ngã tư sông, những chiếc lợp dài 4-5 m, đường kính 2,5 m có khi giở lên hàng trăm ký cá tra. Lợp nào hơi cũ phải xả bỏ bớt vì không có chỗ chứa, phần vừa sợ cá giãy hư.

Vào mùa lũ rút, khi nước chỉ cao ngang thắt lưng, người dân dùng những đoạn dây thắng xe bằng kim loại nối với thanh gỗ, mỗi người một đầu đi dọc thửa ruộng dọn bớt đám rong, bông súng rồi gom lại ở góc ruộng. Ngoài việc giữ lại phù sa cho ruộng đồng, rong và bông súng tiếp tục là phân xanh cho đất ở vụ mùa kế tiếp. Những năm đó, đất đai màu mỡ, mầm bệnh, cỏ dại bị lũ rửa trôi vì thế người dân hầu như ít khi dùng phân bón, thuốc hóa học.

Cách nhà ông già Mười gần một cây số, buổi chiều, ông Năm Minh người gầy đét, dáng nhỏ thó kêu đứa con trai dừng xe máy trước căn nhà ven kênh Bảy Ngàn. Căn nhà cấp bốn xây tường gạch chắc chắn, phía trước là con đường rộng gần 3 m đã được đổ bêtông dày hai tấc.

"Ở đây hồi xưa là con đường mòn đất nhỏ xíu, mùa này đã chìm dưới 2-3 thước nước. Còn chỗ cái nhà tường trước đây là căn chòi lá, tao vẫn thường hay cột xuồng ở đó mỗi khi đi giăng lưới về", Năm Minh giọng run run, chỉ tay về phía cái sân gạch trước căn nhà giờ là của người khác, nói với đứa con trai. Đốt vội điếu thuốc, ông già 62 tuổi đứng lặng im, mắt rưng rưng, ký ức từ những mùa lũ năm xưa bất chợt ùa về.

Lão nông Năm Minh có hai con cùng vợ mất trong mùa lũ, không có chỗ chôn phải chờ nước rút. Ảnh: Hoàng Nam.

Năm Minh tên thật là Danh Văn Minh, dân gốc Khmer Trà Vinh, thuở nhỏ cả nhà tha hương đến Cần Đước, Long An. Năm 20 tuổi, gia đình đông con, không đủ gạo ăn, Năm Minh bỏ quê, đến Tân Lập (Tân Thạnh) ở đậu nhà người quen, ai thuê gì làm đó. Ông nhớ rõ ngày đầu tiên về xứ này vào năm 1978, cũng là mùa lũ lịch sử. Cánh đồng lúa hàng trăm ha chìm sâu dưới nước chỉ sau một đêm. Thiếu gạo, Minh cùng hàng nghìn gia đình phải ăn bo bo cầm hơi.

Ba năm sau mùa đói kém, Minh quen cô gái lỡ thì trong xóm. Hai người dắt díu nhau về doi đất cặp sông chặt tre, lá xin chủ đất cất căn chòi nhỏ ở. Ba đứa con những năm sau đó lần lượt ra đời.

Một buổi chiều mùa lũ năm 1991, Minh đang cày ruộng thuê cách nhà 50 cây số ở thượng nguồn Tân Hưng, máy chạy chưa được 10 vòng ruộng đã thấy từ xa cánh đồng nước lên lênh láng. Nhóm thợ cày hội ý nhanh, bỏ ruộng, cho máy móc lên ghe rồi nổ máy, chạy hết tốc lực.

Minh trở về nhà vừa kịp lúc căn chòi nhỏ đã bì bõm nước. Anh phải nhờ hàng xóm dùng thân tre kê chiếc giường nhỏ cao hơn mực nước lũ, làm chỗ trú cho vợ con. Trong vùng, hàng trăm ha lúa chín trĩu bông làm mồi cho lũ cá rô. Những ao nuôi cá bờ bao thấp cũng chìm trong biển nước. Người lẫn vật nuôi đều phải ở trên những căn gác d‌ã chi‌ến, theo tinh thần nước lên đến đâu kê đến đó. Có nhà nằm ở chỗ trũng, nước dâng lên đến tận nóc hết kê nổi, phải khoét vách làm lối vào nhà, mọi sinh hoạt hàng ngày đều ở trên xuồng.

Tiếc của, người dân chống xuồng ba lá ra đồng, rồi dùng sào tre vớt vác những bông lúa đang chìm dưới nước đã ngả màu, bốc mùi về phơi khô.

Giữa mùa lũ năm đó, vợ Minh mang song thai, nhưng hai bé xấu số khi sinh ra. Minh dùng những tấm ván ghép lại làm áo quan cho con. Năm ấy, bốn phía chỉ thấy màu trắng xóa chạy đến cuối chân trời. Không có chỗ đất cao, Minh ứa nước mắt, dùng thân tre xóc chéo, làm nơi treo tạm chiếc quách. Phải gần một tháng sau lũ rút, hai con anh mới được an táng tử tế.

Dân vùng lũ ngày ấy thường nhận ra nhà nào vừa có người qua đời qua những căn chòi lá nhỏ treo đèn dầu gác chơ vơ giữa ruộng. Những người giăng câu, lưới từ xứ khác đến không rành phong tục, giữa đêm mưa bão nơi đồng lũ, họ lần theo ánh đèn sáng. Chống xuồng đến nơi thấy quan tài nằm lạnh lẽo, họ chân tay rụng rời, thất thần chống theo chiều ngược lại, Năm Minh kể.

Năm năm sau ngày mất của hai con, một buổi sáng mùa lũ năm 1996, Năm Minh cùng nhóm thợ cày vừa trở về sau gần một tháng nơi đồng lạ, ghé chợ mua gạo, mắm muối cho vợ con. Xuồng vừa cặp vô chợ, từ xa đã nghe người quen báo tin dữ. Minh bán tin bán nghi, khi về gần đến nhà, xa xa anh đã thấy hàng xóm chống xuồng vây quanh căn chòi nhỏ. Anh ngã quỵ.

Một buổi chiều bơi xuồng đi thăm người quen, vợ Minh đổ bệnh đột ngột. Ở nơi "khỉ ho, cò gáy" thiếu thuốc men, chị lịm dần rồi qua đời trên chiếc xuồng ba lá, giữa biển nước mênh mông. Căn chòi của hai vợ chồng, ngoài chiếc giường kê là nơi ăn cơm, cũng là nơi ngủ, trống huơ. Hàng xóm thấy vậy mỗi người góp nửa bộ ván nằm để anh đóng quan tài cho vợ. Không có đất chôn, Minh để quan tài nằm luôn trên xuồng, cột dây bên căn chòi. Những ngày sau đó, lũ rút, anh mới đưa th‌i th‌ể vợ đến gò đất cao của người quen cách đó ba cây số chôn cất.

Năm Minh là một trong nhiều nông dân thuộc thế hệ cư dân Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi lũ. Trong vòng 20 năm qua, miền Tây xuất hiện vài trận lũ lớn đáng kể, như năm 2000, 2001, 2002 và 2011. Trong đó, lũ năm 2000 là cơn lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 70 năm qua. Đỉnh lũ tại Tân Châu (An Giang) ở mức 4,78 m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1978, 1996 từ 30 đến 50 cm.

Lũ năm 2000 ảnh hưởng đến 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, làm 481 người chết, thiệt hại mùa màng, nhà cửa gần 4.000 tỷ đồng. Tại Long An, cơn lũ khiến 75.000 ha lúa ngập, mất trắng; 600.000 người dân bị mất nhà; hàng trăm trường học, km đường, cầu bị hư hại; 78 người chết; tổng thiệt hại hơn 670 tỷ đồng.

Ông Lê Thanh Tâm (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An từ 1999-2005) nhớ lại, khoảng 20 năm trở về trước, Đồng Tháp Mười hầu như năm nào cũng có lũ lớn. Do chưa có hệ thống đê bao nên mỗi mùa lũ, không còn phân biệt được sông rạch và đường sá, xung quanh chỉ là biển nước. Mọi sinh hoạt, đi lại của người dân đều trên xuồng.

Những năm đó, đến mùa nước nổi, các cấp chính quyền được chỉ đạo gác mọi hoạt động khác, ưu tiên chống lũ. "Thời đó, cá tôm phong phú, nhưng năm nào cũng có hàng trăm người chết, chủ yếu là trẻ em. Sau lũ, nhà cửa, đường sá, công trình đều bị hư hại phải khắc phục rất vất vả", nguyên Bí thư tỉnh Long An kể.

Từ những năm 2000 trở về sau, tỉnh Long An và nhiều tỉnh khác ở miền Tây bắt đầu chủ trương đầu tư các cụm, tuyến dân cư ở vùng lũ để đưa người dân vào sinh sống những tháng nước nổi, góp phần ổn định cuộc sống.

Người dân chống xuồng quanh chợ thị trấn Mộc Hóa (nay là thị xã Kiến Tường, Long An) trong trận lũ lớn lịch sử năm 2000. Ảnh: Lâm Chiêu.

Trong cuốn sách "Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ", Brian Eyler - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) ghi nhận, Ủy hội sông Mekong năm 2017 đã xác định mỗi năm lũ lụt ở đồng bằng gây tổn thất khoảng 60 đến 70 triệu USD, đồng thời mùa nước nổi cũng mang lại lợi ích từ 8 đến 10 tỷ USD. Trầm tích do lũ lụt hàng năm của con sông mang lại là phần tạo lập cơ bản của Đồng bằng sông Cửu Long.

"Trong 3.000 năm qua, hàng năm sông Mekong đã vận chuyển khoảng 150 triệu tấn trầm tích trong hệ thống của nó đến đồng bằng này", Brian Eyler viết. Tác giả cũng cho rằng, nếu không có trầm tích, đất của đồng bằng sẽ rã ra trong điều kiện tự nhiên, cùng với việc khai thác nước ngầm quá mức và mực nước biển dâng cao, tình hình sẽ nhanh chóng xấu đi.

Năm Minh không rành những con số và các thứ phức tạp đó. Sau những mùa lũ buồn, ông cùng mấy đứa con dọn nhà sang xứ khác. Căn nhà mới của ông cách đó hơn 10 cây số, là vùng đất có đê bao xung quanh, nơi người dân có thể trồng được lúa một năm ba vụ. Ông chấp nối với một phụ nữ địa phương và có thêm bốn đứa con nữa.

Mảnh ruộng 6.000 m2 của gia đình ông sau nhiều năm hoạt động hết công suất, không được tiếp tế phù sa do lũ thấp một thời gian dài, phải tăng đầu tư phân bón, thuốc hóa học. Mùa vụ vì thế không có dư là bao. Những con đê cao ngất xưa dùng để ngăn lũ, giờ con nước không về, trở thành những "thành trì".

"Hồi xưa chỉ lo thiếu gạo chứ không thiếu cá, mùa nước đi chọc ổ kiến vàng câu cá chài, cá rô biển ăn không hết. Bây giờ phân thuốc dữ quá, nước lại không về, kiến lẫn cá đều đã tuyệt chủng, mấy đứa con, cháu cũng lần lượt bỏ xứ đi biệt tăm", ông Năm Minh nói, giọng buồn hiu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật