Siết chặt quản lý chất lượng rượu thủ công

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Rượu thủ công là một trong những mặt hàng luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc nếu không được quản lý chặt chẽ. Để đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh mặt hàng này, thời gian qua Sở Công Thương đã phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương trong tỉnh thực hiện nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát kịp thời, không để tình trạng ngộ độc do rượu thủ công xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Siết chặt quản lý chất lượng rượu thủ công
Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Công Thương kiểm tra, lấy mẫu rượu thủ công tại cơ sở sản xuất Quang Tâm, TP Móng Cái, tháng 7/2020.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, trước đây việc quản lý, cấp phép sản xuất cho các cơ sở sản xuất rượu thủ công vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bởi việc chồng chéo cấp thủ tục, giấy tờ giữa các đơn vị cùng chịu trách nhiệm quản lý. Bên cạnh đó, vẫn còn những cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ lẻ, phục vụ gia đình, sản xuất không thường xuyên, nằm phân tán, rải rác ở nhiều nơi, nên gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý, nhất là những điểm vùng sâu, vùng xa.

Để tháo gỡ những khó khăn này, thực hiện Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu, Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 14/3/2017 của Bộ Công Thương và các chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các địa phương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước chặt chẽ đối với hoạt động sản xuất rượu thủ công; phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng liên quan rà soát, thống kê, kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, hướng dẫn đẩy mạnh công tác cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.

Hiện 100% cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh đã được cấp giấy phép sản xuất nhằm mục đích kinh doanh theo quy định. Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Công Thương cũng đã thực hiện hoàn thiện thủ tục cấp phép cho 52 cơ sở nấu rượu mới, nâng tổng số cơ sở được cấp phép lên 186 cơ sở.

Ý thức của các hộ sản xuất trên địa bàn đã được nâng cao rõ rệt. Chị Vũ Thị Lương, khu 9, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, cho biết: Gia đình tôi đã nấu rượu thủ công được hơn chục năm nay. Trước đây, chỉ nấu và ủ rượu theo cách thông thường với các dụng cụ thô sơ, không đảm bảo và chưa được cấp giấy phép.

Năm 2019, gia đình đã đầu tư nồi hơi, xây bể chứa đảm bảo để thực hiện quy trình nấu rượu an toàn và đã được cấp giấy phép kinh doanh, chứng nhận ATTP trong sản xuất rượu thủ công tại cơ sở. Hiện, gia đình vẫn đang thực hiện việc cung cấp rượu cho một số cửa hàng ăn uống và các hộ dân lân cận có nhu cầu. Chúng tôi cam kết, sẽ luôn thực hiện đúng các quy trình nấu rượu đảm bảo rõ nguồn gốc, an toàn trong quá trình sản xuất tại cơ sở.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cơ sở nấu rượu của hộ kinh doanh Vũ Thị Lương, khu 9, phường Cao Thắng, TP Hạ Long.

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 1.403 cơ sở sản xuất rượu thủ công. Trong đó, số cơ sở sản xuất rượu thủ công được cấp giấy phép sản xuất là 186/1.403 cơ sở, chiếm 13,2%; số cơ sở sản xuất rượu không nhằm mục đích kinh doanh, chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân là 1.217 cơ sở.

Số cơ sở sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh tại các địa phương đã thực hiện ký cam kết kinh doanh theo đúng mục đích là 667/1.217 cơ sở, đạt 54,8%, số cơ sở sản xuất còn lại, dự kiến theo lộ trình tới cuối năm, Sở Công Thương sẽ tiếp tục vận động, yêu cầu ký cam kết đạt 100%. Một số địa phương triển khai tích cực như: Uông Bí, Cẩm Phả, Cô Tô, Ba Chẽ đạt trên 100%, các địa phương khác đang triển khai thực hiện đạt từ 50-60%.

Ông Trần Phong, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Để công tác quản lý rượu thủ công được đảm bảo, Sở Công Thương đã chỉ đạo Phòng Quản lý thương mại thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng trong thực hiện các đợt kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, các điểm bán rượu tiêu dùng tại chỗ...). Đồng thời, chú trọng kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh bán rượu tại chỗ, vận chuyển, phân phối sản phẩm rượu sản xuất thủ công không rõ nguồn gốc, không đảm bảo.

Thông qua các hoạt động trên, ý thức của nhân dân ngày càng được nâng cao trong việc bảo vệ sức khỏe, an toàn trong cuộc sống. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch và tăng cường thực hiện chức năng phối hợp với các địa phương trong siết chặt công tác quản lý nhà nước một cách chặt chẽ, cụ thể theo danh sách đối với hoạt động sản xuất rượu thủ công. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định, để ổn định thị trường và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật