Nồi đất Trù Sơn trăm năm mộc mạc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không tinh xảo, cầu kỳ, rực rỡ như gốm sứ Bát Tràng hay Phù Lãng, làng nồi đất Trù Sơn (Đô Lương, Nghệ An) mộc mạc như chính tên gọi.
Nồi đất Trù Sơn trăm năm mộc mạc
Người dân Trù Sơn đến nay vẫn giữ nghề làm nồi đất và chỉ truyền cho phụ nữ.

Xem Video: Làng nghề chuyên nặn nồi đất có một không hai ở miền Tây

//

Qua trăm năm, dụng cụ làm nghề trong tay người thợ vẫn chỉ một bàn xoay, vài miếng giẻ nhỏ, khoanh nứa mỏng.

Những trưa cháy lửa nung nồi

Quá trưa, trời xứ Nghệ nóng như thiêu, gia đình bà Nguyễn Thị Anh (xóm Trù Sơn, Đô Lương) đội nắng lần lượt xếp những chiếc nồi đất "sống" lên lò nung. Xung quanh đã chuẩn bị sẵn rơm rạ, những cành khô thuộc loại có dầu như thông, vọt, dành dành… và nổi lửa. 

Đây là công đoạn quan trọng nhất của quá trình làm nồi đất của làng nghề Trù Sơn. Tất cả người trong nhà được huy động để giữ cho lửa cháy liên tục.

Nhào nặn bằng mồ hôi, nung qua lửa cháy, đất nhọc nhằn nuôi người cơ cực. Giờ đây, những hàn vi đã thành quá vãng, người Trù Sơn vẫn đau đáu giữ tên làng nồi. Để trân quý di sản cha ông và không khỏi tự hào về duy nhất làng nghề nồi đất của xứ Nghệ đã bền bỉ qua thăng trầm.

Mồ hôi ướt đẫm, những gương mặt đỏ bừng và loang lổ vết nhọ, dù đã mặc quần áo dài và đeo khẩu trang che bớt sức nóng đốt bỏng da thịt. 

"Nung nồi mất khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ, vì vậy chúng tôi thường bắt đầu vào buổi trưa, đến chiều tối là vừa xong. Nhưng không phải cứ cho chất đốt vào cứ thế nung, mà phải qua nhiều lần trở nồi, nên vô cùng vất vả và cực nhọc", bà Anh nói.

Đầu tiên, những chiếc nồi được xếp ngửa, cái nhỏ nằm trong cái to thành từng chồng, rồi đốt từ dưới lên để khói bao trùm toàn bộ lò nung. Sau khoảng 30 – 40 phút thì dừng lại, hạ nồi, đảo trên xuống dưới và nung tiếp cho đều. 

Giai đoạn "hơ nồi" trên lâu công nhất, cho đến khi khói ám đen cả trong lẫn ngoài toàn bộ số nồi thì tắt lửa. Lúc này, những người thợ lấy rơm ướt quấn xung quanh làm lớp vỏ lò, dùng thanh sắt và tận dụng những chiếc nồi hỏng làm vật chèn cố định lại, bắt đầu đốt đợt hai. Cứ cháy hết lớp vỏ này lại bồi thêm lớp khác, bao giờ rơm tàn mà ngọn lửa vẫn bốc lên từ miệng nồi nghĩa là đã chín.

Mỗi lần nung như vậy gồm khoảng từ 250 - 300 chiếc nồi. Nhìn mẻ sản phẩm mới ra lò đã được xếp đặt cẩn thận ở góc nhà, bà Nguyễn Thị Anh hài lòng: "Hầu như không có cái nào nứt vỡ, ngày mai có thể gọi người đến nhập". 

Rồi bà nói thêm, nghề này cực, các cụ ngày xưa từng bảo đây là nghề "bán xương nuôi thịt". Làng Trù Sơn chiếm ba phần đồi núi, đất đai cằn cỗi. Mỗi nhà chỉ được vài sào ruộng mà còn phải nhờ trời mưa thuận gió hòa mới có gạo ăn. Không làm thêm nghề phụ thì lấy gì để sống, nuôi con cái lúc nông nhàn, giáp hạt. Thế nên đời ông bà đến con cháu kế tục giữ nghề làm kế sinh nhai đến tận bây giờ.

Công đoạn nung nồi chín vô cùng vất vả, kéo dài từ 4 – 5 tiếng.

Nghề chỉ truyền cho phụ nữ

Chẳng ai nhớ làng nồi Trù Sơn chính xác có từ lúc nào, kể cả những người già cũng chỉ biết từ khi sinh ra, đã thấy ông bà, cha mẹ mình cần mẫn bên gánh đất sét. 

Tương truyền, xưa kia nghề nồi đất vốn ở vùng Nghi Lộc (Nghệ An) nhưng chỉ truyền cho con dâu. Về sau, có cô con gái nhà nọ lấy chồng về làng Trù Sơn (Đô Lương), vất vả thiếu thốn nên được mẹ đẻ phá lệ, bí mật truyền nghề. Nhờ vậy bà con nơi đây cũng được học theo. 

Lại có truyền thuyết cho rằng, chính công chúa con vua Trần đã dạy cho người dân Trù Sơn làm nồi đất để cuộc sống bớt cơ cực. Nhưng với xuất xứ nào, qua hàng trăm năm, đây là làng nồi duy nhất còn lại của xứ Nghệ.

Một điều thú vị là cho đến giờ, nghề nồi đất Trù Sơn vẫn chỉ truyền cho con gái. Lý do đơn giản vì phụ nữ khéo léo, cẩn thận, nhẹ nhàng hơn. Làm nồi đất, muốn nhanh cũng không được, phải từ từ, nhẫn nại, dùng lực không quá nhẹ cũng không quá mạnh, như vậy nồi mới tròn và có độ dày đều. Bà Nguyễn Thị Anh lại không học nghề từ mẹ mình. 

"Mẹ là con gái làng khác, theo bố tôi về Trù Sơn nên không biết làm nồi đất. Tôi lớn lên tầm 8, 9 tuổi bắt đầu đi khắp làng bắt chước các bà, các o. Người dạy nghề chính cho tôi là cụ cố Hường – có tiếng nhất làng ngày xưa. Cụ cho tôi ngồi bên đống đất đã được nhào nhuyễn, bảo "cứ nặn cho quen tay, ra hình gì cũng được, rồi bà sửa cho", bà Anh kể. 

Cứ đều đặn như vậy đến năm 14 – 15 tuổi, thì Nguyễn Thị Anh đã tự mình làm được trọn vẹn một cái nồi đất đạt chuẩn. Giờ cụ Hường đã về với tiên tổ, nhưng học trò của cụ cũng đã thành tay thợ lão luyện trong nghề.

Cũng vì phụ nữ là thợ chính, nên nhà nào sinh nhiều con trai lại rơi vào cảnh vất vả, thiếu người. Cụ Nguyễn Thị Hoản (87 tuổi, làng Thượng Giáp, xã Trù Sơn) có 6 người con trai, "không được mụn con gái nào", cụ chép miệng. 

Chồng mất sớm, một mình cụ nuôi các con bằng mấy sào ruộng và những ngày còng lưng làm nồi. "Nhà họ đông người, làm được nhiều, đi bán khắp nơi. Còn tôi sức lực có hạn, làm được ít thì đến phiên mang ra chợ Trù ngồi bán, chờ thương lái đến nhập. Sau này, con trai lớn, có con dâu mới thêm người phụ giúp", cụ Hoản nhớ lại thuở còn cơ cực.

Ở làng nồi đất Trù Sơn, đàn ông, trai tráng chỉ đóng vai trò phụ việc. Nói là phụ nhưng toàn việc nặng. Đó là đi đào đất, kéo đất sét từ mạn Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) hoặc Sơn Thành (huyện Yên Thành) cách làng 8 – 10km.

Thuở trước, chưa có xe cộ, vai những người đàn ông làng nồi hằn vết chai sần của dây thừng kéo đất. Họ cũng là người dùng đôi tay, bàn chân nhào, giẫm đất cho nhuyễn, loại bỏ từng viên sạn nhỏ. 

Là người đi gom lá, cành cây khô về làm củi đốt và cẩn thận xếp hàng trăm chiếc nồi để nung chín trong suốt nửa ngày. Và khi thành phẩm, họ sẽ xếp đủ loại nồi to nhỏ lên xe thồ, cơm đùm cơm nắm, rong ruổi đi bán khắp nơi vào Hà Tĩnh, Quảng Bình hay ra tận Thanh Hóa, Hà Nam.

"Mỗi chuyến đi kéo dài 1 – 2 tuần, bán cho đến khi hết nồi hoặc nếu còn ít thì gửi lại cho các nhà buôn rồi quay về làng, tiếp tục chuẩn bị cho mẻ mới. Tôi cũng từng thồ nồi đất đi bán, nhưng chỉ xuống đến thành phố Vinh rồi quay về vì nhà không có người làm", ông Nguyễn Đình Thảo (xóm 10, xã Trù Sơn) kể lại.

Làng nồi đất Trù Sơn nay còn thành điểm du lịch trải nghiệm cho học sinh.

Thăng trầm làng nghề truyền thống

Bà Nguyễn Thị Hảo (SN 1950, xóm Lưu Mỹ) vẫn không quên những ngày vất vả nhưng cũng hưng thịnh nhất của làng nồi đất Trù Sơn khoảng 20 năm về trước. Khắp xã nhà nào cũng làm nghề. Đầu làng đến cuối làng, những chiếc lò nung luân phiên nổi lửa. 

Khói rơm rạ, lá thông, cành cây khô của nhiều năm tháng, nhiều đời người đất phủ lên thâm trầm mái ngói làng nồi, hằn lên nước da đen sạm và lưng áo bạc phếch chẳng biết bởi mồ hôi hay màu đất.

Xã Trù Sơn có khoảng 60 hộ làm nghề gốm, tập trung chủ yếu ở các xóm 10, 11, 12, 13, trước gọi là làng Lưu Mỹ và Thượng Giáp. Mỗi tháng, làng nghề làm ra hàng chục nghìn sản phẩm, cao điểm nhất là vào 3 tháng cuối năm. 

Hiện chính quyền địa phương cũng khuyến khích các hộ dân duy trì, phát triển làng nghề nồi đất như một ngành kinh tế đặc biệt. Trong đó, tổ chức các cuộc giao lưu, giới thiệu sản phẩm với địa phương khác, hướng đến hoạt động du lịch trải nghiệm - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn Nguyễn Thụy Chính.

Năm tháng qua đi, thời thế thay đổi, lớp trẻ được học hành, rời quê đi khắp Nam ngoài Bắc. Nghề nồi đất chỉ còn dành cho người từ tuổi trung niên. Nhiều nhà lò nung tắt lửa, nguội khói bỏ không. Gia đình bà Nguyễn Thị Hảo cũng không làm nồi đất từ mấy năm trước. 

"Ông nhà sức yếu, con cái đi làm ăn xa, một mình tôi không làm được. Nhưng nhớ nghề, rảnh rỗi, tôi lại đi nặn nồi thuê cho các gia đình khác trong làng. Xưa còn trẻ thì ngày làm được 15 cái nồi, nay già rồi chỉ được hơn chục cái thôi", bà Hảo nói.

Đôi tay của bà Hảo đầy vết chai sần của hơn 50 năm nhẫn nại theo nghề, thuần thục nắm đất thành hình con chạch rồi xoay nặn, tì miết tạo hình. 

Dụng cụ làm nghề của người thợ chỉ có một bàn xoay, vài miếng giẻ nhỏ và khoanh nứa mỏng để cắt gọt. Loáng cái, chiếc nồi đất hiện ra, chục cái tròn đều như một dù hoàn toàn thủ công. Bà cẩn thận đặt qua một bên, chờ hong khô, gọt trơn nhẵn rồi mới đem phơi, khi nồi chuyển sang màu trắng bạc mới có thể cho vào lò.

Nồi đất làng Trù Sơn không cầu kỳ nhiều hình dáng, chỉ đơn giản gồm: Nồi nấu cơm, đồ xôi, ngâm giá đỗ, kho cá, sắc thuốc… với kích cỡ to nhỏ khác nhau. Nay có thêm chậu hoa, ống đựng tiền tiết kiệm nhưng số lượng ít. 

Cũng vì làm thủ công, không pha trộn nguyên liệu nên nồi đất làng Trù Sơn vẫn mộc mạc với màu vàng đỏ, mỏng nhẹ, độ bền cao, giữ nguyên hương vị thức ăn khi nấu. Có lẽ, tính thông dụng đã làm nên sức sống bền bỉ của nồi đất xứ Nghệ. 

Theo người dân Trù Sơn, hiện nay, nhu cầu dùng nồi đất vẫn cao, đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn thường chủ động liên hệ đặt mua với số lượng lớn. Giá bán từ 8 – 15 nghìn đồng/nồi tùy kích cỡ to nhỏ.

Giữa ngày mùa bận rộn, chị Nguyễn Thị Tâm (làng Thượng Giáp) vẫn tranh thủ làm những chiếc nồi với đường kính khoảng 20cm theo đơn đặt hàng. Ngoài 40 tuổi, nhưng chị được xem là thợ trẻ của làng nồi Trù Sơn. 

Nhờ có chồng hỗ trợ nên cứ khoảng 10 ngày gia đình chị lại đốt lò nung một mẻ. Thỉnh thoảng, cậu con trai đang học đại học ở TP Vinh về phụ giúp mẹ nhào đất. Còn 2 cô con gái không theo nghề mẹ nữa.

Quá trình nồi đất bây giờ đã đỡ vất vả hơn ở khâu lấy nguyên vật liệu, chất đốt, bà con có thể mua và thuê người chở về tận nhà. Nhưng những công đoạn cơ bản vẫn không thể rút gọn hoặc công nghiệp hóa được, từ nhào đất, nặn nồi, phơi, nung chín… Vì vậy, dù sản phẩm không thiếu đầu ra, nhưng lớp trẻ ít ai chọn ở lại với nghề truyền thống, mà tìm công việc khác nhẹ nhàng hơn. 

"Chỉ có những người làm nông như chúng tôi, không có nghề phụ nào khác thì tiếp tục làm nồi đất kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, gắn bó từ thuở cha sinh mẹ đẻ, để lò bếp nguội cũng day dứt", chị Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.

Qua thăng trầm, người dân Trù Sơn vẫn gắn bó và giữ nghề truyền thống. Cái nghề thủ công nhọc nhằn không thể sản xuất bởi một người, mà là công sức của cả gia đình, làng xã tương hỗ. Chính vì vậy, mà trăm năm trước hay về sau này, nơi đây không có nghệ nhân được nhắc đến riêng biệt, mà tất cả nằm chung trong tên gọi đơn giản - làng nồi đất Trù Sơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật