Hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo dự kiến, tại kỳ họp lần thứ mười lăm tới đây, HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét, ban hành nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
Hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững
Hà Nội sẽ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi các quận, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn của các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì.

Xem Video: Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam

//

Như vậy sẽ có 3.354 nông hộ, trang trại phải ngừng hoạt động hoặc di dời. Đây là việc làm cần thiết để thành phố xây dựng đô thị văn minh, bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường cho người dân, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.

Lợi bất cập hại

Phú Lương (quận Hà Đông) đã lên phường từ nhiều năm nay, nhưng do có làng nghề làm bột lọc nên người dân nơi đây vẫn tận dụng bã bột để chăn nuôi. Hiện toàn phường có khoảng 500 con lợn, chưa kể trâu bò, gia cầm. "Tôi được biết các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn quận Hà Đông phải chấm dứt hoạt động hoặc di dời ra khỏi địa bàn. Hiện gia đình đang nuôi 7 con lợn và đang tìm giải pháp phù hợp”, bà Chu Thị Vui ở tổ dân phố 12, phường Phú Lương bày tỏ.

Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Hữu Thanh cho biết, chăn nuôi trên địa bàn quận tập trung chủ yếu ở các phường còn diện tích sản xuất đất nông nghiệp gồm: Đồng Mai, Yên Nghĩa, Biên Giang, Phú Lương, Kiến Hưng, Dương Nội với 5.496 hộ. Do gắn liền với lợi ích kinh tế của người dân, lao động chủ yếu chưa qua đào tạo, lại lớn tuổi, nên quận đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi nghề, hỗ trợ làm sao để người dân không bị ảnh hưởng đến thu nhập khi di dời cơ sở chăn nuôi. Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Trần Đình Ngọc, huyện đang lên kế hoạch bố trí quỹ đất phục vụ cho việc di dời.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn phân tích: “Một số ý kiến đề cập việc ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi là đúng nhưng chưa đủ, vì lợi bất cập hại. Đơn cử như bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra với 33.000 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố thì có tới 80% trong số đó là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong các khu dân cư. Ngoài ra, nếu chăn nuôi ở khu dân cư như vậy sẽ không bao giờ đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị có thương hiệu trong nước cũng như xuất khẩu vì không bảo đảm rõ nguồn gốc xuất xứ và yếu tố môi trường. Vì vậy, việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư là cần thiết và triển khai càng sớm càng tốt".

Đồng hành, hỗ trợ người chăn nuôi

Để xây dựng đô thị văn minh và phát triển chăn nuôi bền vững, UBND thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình HĐND thành phố về việc ban hành Nghị quyết ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Theo đó, đề xuất các phường thuộc các quận, 4 phường (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Lợi) thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 5 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì không được phép chăn nuôi. Thành phố sẽ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề với mức học phí tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học cùng với đó là tiền ăn, tiền đi lại... Các cơ sở chăn nuôi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi được thực hiện từ khi nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2023.

Người dân chăm sóc đàn lợn ở phường Phú Lương (quận Hà Đông). Ảnh: Đăng Khôi

Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định, một Thủ đô văn minh, hiện đại phải được quy hoạch khoa học, hiện đại. Tuy nhiên, đây là việc liên quan trực tiếp đến đời sống người dân nên cần xem xét nguyện vọng của hơn 2.600 lao động bị tác động để có chính sách phù hợp.

Dưới góc nhìn của người chăn nuôi, ông Nguyễn Đình Hùng ở phường Phú Lương (quận Hà Đông) cho biết, thành phố có chủ trương thì người dân sẽ chấp hành, nhưng mong thành phố, quận hỗ trợ người chăn nuôi được học nghề, chuyển đổi nghề hoặc chuyển đến khu chăn nuôi tập trung, quy mô lớn hơn, giúp vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất 0% và được vay trung, dài hạn. 

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Kiều Oanh cho biết, quận sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương của thành phố. Khi nghị quyết được ban hành, quận sẽ triển khai các giải pháp bảo đảm không còn hộ chăn nuôi trong khu dân cư tại các phường Lĩnh Nam, Yên Sở, Định Công, Đại Kim.

Ở cấp độ thành phố, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh: "Đa số hộ chăn nuôi đều thuộc diện nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao, trong khi lại gây ô nhiễm môi trường, khả năng lây lan dịch bệnh rất cao, có nhiều nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và tác động không tốt đến sự phát triển đô thị. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương đồng hành, hỗ trợ người chăn nuôi để tất cả hướng tới những mục tiêu phát triển hiệu quả, bền vững hơn".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật