Cuốn tiểu thuyết ghi lại dấu ấn lịch sử thiêng liêng với người dân Hải Phòng

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hải Phòng có 2 ngày lịch sử không thể nào quên. Đó là niềm vinh dự, tự hào của quân và dân thành phố được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người dự hội nghị từ Pháp trở về Tổ quốc. Chiến hạm Đuy-mông Đuyếc-vin đưa Người cập Bến Ngự Hải Phòng vào ngày 20-10-1946. Sự kiện lịch sử thiêng liêng được nhà văn Cao Năm ghi lại trong cuốn tiểu thuyết “Hai ngày và mãi mãi” dày hơn 200 trang tái hiện lại 2 ngày lịch sử quân, dân Hải Phòng được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về Tổ quốc.
Cuốn tiểu thuyết ghi lại dấu ấn lịch sử thiêng liêng với người dân Hải Phòng
Tiểu thuyết “Hai ngày và mãi mãi” của nhà văn Cao Năm.

Trong 2 ngày Bác ở Hải Phòng, Người gặp gỡ, thăm hỏi, đáp lại tình cảm của người dân Hải Phòng. Nhiều sự kiện, câu chuyện cảm động được nhà văn Cao Năm thể hiện chân thực, sống động, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc bằng giọng văn mộc mạc, giản dị, xúc động.

Người đọc như được sống lại những ngày đầu khởi nghĩa năm 1945 – 1946 khi Hải Phòng mới được giải phóng, chính quyền cách mạng còn non trẻ, phải đối phó với giặc ngoại xâm Pháp, Tầu Tưởng và cả bọn phản động, tội phạm trong nước. Những ngày ấy, sự kiện Bác từ Pháp trở về ghé qua Hải Phòng có ý nghĩa to lớn với quân, dân Hải Phòng. Cả thành phố hân hoan, phấn khởi vô bờ khi được biết chiến hạm của Pháp sẽ đưa Bác cập Bến Ngự Hải Phòng.

Trong tiểu thuyết này, nhà văn Cao Năm sáng tạo ra các nhân vật điển hình, tiêu biểu, chân thực thể hiện tình cảm của người Hải Phòng với Bác. Đó là  Thanh, cán bộ tiểu thương trong Ban Quản lý chợ Sắt cùng các bà, các chị ở chợ Sắt trong 1 ngày đêm mang hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng để đón Bác. Đó là vợ chồng Muôn - Lếnh, những người lao động làm hàng nghìn cán cờ, biểu ngữ, vận động các đoàn thể, các ngành, các giới chuẩn bị đón Bác. Rồi những câu chuyện cảm động về Bác qua lời kể của ông Mai, người bạn thuỷ thủ cùng làm việc với Bác ở trên tàu khi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Ông Mai giữ gìn chiếc áo mà Bác khi là anh Văn Ba thuỷ thủ tặng ông đến tận giờ. Rồi chuyện anh Luân gặp Bác ở Pa-ri, những ngày Bác hoạt động làm báo "Người cùng khổ", được Bác giác ngộ trở về nước hoạt động, trưởng thành cách mạng…

Các nhân vật như ông Mai, Thanh, vợ chồng Muôn – Lếnh, anh Luân, ông, bà Nguyễn Sơn Hà, cụ Thi Sơn đều gây được ấn tượng sâu đậm với người đọc. Cụ thể, như buổi gặp Bác Hồ tại nhà khách uỷ ban của ông Mai. Khi ông bước vào cửa, Bác đã nhận ra người bạn cũ trên tàu năm nào, cả chiếc áo Bác tặng mà ông Mai vẫn giữ lại hôm nay mặc. Hay chuyện cụ Thi Sơn xin tặng Bác chiếc côn trăm đốt gia truyền của gia tộc mình, tình cảm kính trọng biết ơn của ông Nguyễn Sơn Hà và vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi; chuyện chị Vân nấu bếp của uỷ ban phục vụ Bác... làm người đọc thực sự xúc động vì tình yêu thương của Bác dành cho mọi người.

Đặc biệt, thành công của nhà văn Cao Năm trong tiểu thuyết này chính là tái hiện hình ảnh của Bác trong 2 ngày từ khi chiến hạm Đuy-mông Đuyếc-vin đưa Người cập cảng Bến Ngự Hải Phòng vào 4 giờ chiều ngày 20-10-1946. Đây là những trang viết thực sự không dễ. Vì chỉ dựa vào tư liệu, trần thuật của báo chí, lời kể lại của vài nhân chứng, vậy mà nhà văn Cao Năm dựng lại hơn 40 trang sách đầy xúc động bao quát hành động, tâm tư tình cảm của Bác đối với Hải Phòng. Từ cuộc đón tiếp Bác trên chiến hạm đến những buổi giao lưu, gặp gỡ các đoàn đại biểu ở các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Việc gặp lại bạn cũ như ông Mai, anh Luân, cụ Thi Sơn, đến việc động viên những người  lao động như chị Vân nhà bếp, những chiến sĩ bảo vệ, nhân viên phục vụ của uỷ ban…

Có thể nói, nhà văn Cao Năm làm sáng thêm nhân cách vĩ đại, phẩm chất cao quý luôn vì dân, vì nước của Bác qua tiểu thuyết này. Tiểu thuyết “Hai ngày và mãi mãi” của nhà văn Cao Năm được tặng thưởng giải B trong cuộc vận động viết và sáng tác về đề tài học tập và làm theo lời Bác do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật