Đường cao tốc Bắc - Nam sắp thành hình

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước đã hình thành và đang dần hoàn thiện
Đường cao tốc Bắc - Nam sắp thành hình
Đoạn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có nguy cơ chậm tiến độ do gặp khó khăn về kỹ thuật và giải phóng mặt bằng Ảnh: CHÂU TỈNH

Việc xây dựng đường cao tốc của Việt Nam được đặt ra từ những năm 2000 trong bối cảnh hệ thống các quốc lộ huyết mạch xuống cấp, quá tải. Tháng 12-2004, tại Bến Lức (Long An), tuyến cao tốc đầu tiên TP HCM - Trung Lương được khởi công trong niềm vui của nhân dân cả nước. Thế nhưng sau 20 năm khởi động, tới nay cả nước mới có 1.580 km đường cao tốc.

Đã hoàn thành 800 km

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau dài 2.063 km. Việc triển khai thi công tuyến cao tốc này được chia thành nhiều dự án tương ứng với các giai đoạn khác nhau. Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 800 km.

Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) dài hơn 650 km gồm 11 dự án thành phần đã thông xe 6 đoạn tuyến gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm. Dự kiến ngày 2-9 sẽ thông xe đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km. Ngày 31-12, hoàn thành dự án cầu Mỹ Thuận 2. Trong năm 2024, 2 dự án thành phần còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được đưa vào vận hành.

Khi giai đoạn 1 của dự án đang chạy nước rút thì đầu năm 2023, đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) được khởi công. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 có tổng chiều dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị; Quảng Ngãi - Nha Trang; Cần Thơ - Cà Mau. Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.

Lo ngại tiến độ đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đang được các đơn vị triển khai tích cực để hoàn thành đúng tiến độ. Theo Ban Quản lý dự án 7, tổng giá trị xây lắp của dự án cầu đã đạt hơn 78% giá trị hợp đồng, vượt 1,5% so với kế hoạch.

Hiện đã có 3/5 gói thầu hoàn thành, dự kiến đến cuối tháng 6 sẽ hoàn thành thêm gói thầu thi công đường dẫn phía bờ Vĩnh Long. Riêng gói thầu chính đang được rút ngắn 10 ngày, thân trụ và kết cấu phần trên nhịp chính dây văng, kè gia cố bờ sông, hệ thống an toàn giao thông đường bộ, hệ thống điện được các đơn vị gấp rút triển khai. Trong đó, phần thân trụ neo đã thi công xong 100%. Dự kiến ngày 9-11, Ban Quản lý dự án 7 sẽ hợp long nhịp chính, bao gồm 16 đốt đúc trên mỗi trụ tháp và sẽ hoàn thành công trình vào cuối năm 2023.

Cùng với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 này sẽ góp phần hình thành tuyến cao tốc thông suốt, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đi Cần Thơ.

Riêng đoạn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đang gặp khó. Được biết, toàn tuyến này dài 78,5 km, trong đó Tập đoàn Đèo Cả đã thi công đạt sản lượng 58,6% trong tổng số 41,74 km do đơn vị đảm nhận; Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng 194 triển khai đạt 47,6% phần còn lại.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Báo , việc thi công đoạn tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo gặp nhiều vướng mắc, có nguy cơ chậm tiến độ. Cụ thể, theo tiến độ được duyệt, hạng mục đào và gia cố hầm Núi Vung (dài 2,2 km) sẽ hoàn thành tháng 3-2023. Tuy nhiên, đơn vị thi công cho biết địa chất thực tế hoàn toàn khác so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. Đơn vị thi công đã 6 lần mời Ban Quản lý dự án 85, đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật vào hiện trường để thống nhất giải pháp tháo gỡ nhưng hiện vẫn chưa nhận được hồ sơ thiết kế kỹ thuật điều chỉnh để triển khai công việc tiếp theo.

Ngoài ra, dự án này còn gặp một số trở ngại liên quan việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một hộ dân ở xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận không đồng ý mức hỗ trợ, bồi thường nên đã lập hàng rào cản trở việc thi công, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật