Cổ phiếu ngân hàng trước áp lực giảm lãi suất

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Được đánh giá sẽ hưởng lợi từ động thái giảm lãi suất liên tục của Ngân hàng Nhà nước, nhưng thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thực sự có sự bứt phá mạnh, trong khi đây lại là nhóm cổ phiếu ’vua’ có vai trò dẫn dắt thị trường chung bởi chiếm đến 25% tổng vốn hóa thị trường.
Cổ phiếu ngân hàng trước áp lực giảm lãi suất
Được đánh giá sẽ hưởng lợi từ động thái giảm lãi suất liên tục của Ngân hàng Nhà nước nhưng thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thực sự có sự bứt phá mạnh. (Ảnh minh họa)

Trên diễn đàn đầu tư chứng khoán, một số nhà đầu tư cho hay, từ cuối năm 2021 đã mua vào cổ phiếu SHB song đến nay cổ phiếu này chỉ nhích vài %, mặc dù đây là một trong những cổ phiếu “sáng” với thanh khoản liên tục dẫn đầu. Một số nhà đầu tư khác cũng chia sẻ đang nắm giữ những cổ phiếu của các nhà băng có thông tin chia cổ tức hấp dẫn nhằm đón “sóng” cổ tức như: VIB, VPB, ACB... nhưng cũng không tăng giá như kỳ vọng.

Đi ngược kỳ vọng

"Nếu so với những cổ phiếu của nhóm bất động sản, xây dựng, chứng khoán, dầu khí..., cổ phiếu ngân hàng gần như không tăng trong vài tháng qua dù ngân hàng nào cũng lãi từ vài nghìn, thậm chí cả chục ngàn tỷ đồng", một nhà đầu tư thắc mắc.

Đáng chú ý, dù đón nhận thông tin tích cực khi Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất lần thứ ba trong 3 tháng qua, nhưng trái với kỳ vọng, ngay trong phiên sáng 24/5, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại ghi nhận diễn biến tiêu cực.

Không chỉ vậy, đà lao dốc của nhóm ngân hàng cũng là tác nhân chính khiến VN-Index giảm xuống sát mốc 1.060 điểm. Chỉ số đại diện cho rổ VN30, nơi tập trung nhiều cổ phiếu đầu ngành ngân hàng còn giảm mạnh hơn.

Đà giảm của nhóm ngành này được tiếp diễn trong hai phiên tiếp theo (25-26/5) khi lực bán chủ động vẫn áp đảo.

Đánh giá về diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều ý kiến đánh giá, thông tin lãi suất mới chỉ được công bố vào đầu tuần, song thông tin này dường như đã được trao đổi từ trước. Thậm chí, Ngân hàng nhà nước cũng đã đưa ra thông điệp từ đầu tháng 5. Do đó, khi tin chính thức được công bố, nhiều nhà đầu tư coi đây là thời điểm để chốt lời.

Mặt khác, nếu so với thời kỳ kỷ nguyên tiền rẻ (giai đoạn 2020-2021) thì lãi suất hiện tại vẫn đang cao hơn. Chưa kể, các nhà băng đang phải đối mặt với sức ép nợ xấu tăng do doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là bất động sản; tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của nhiều ngân hàng giảm; biên lãi ròng (NIM) của nhiều ngân hàng cũng thu hẹp. Chính những sức ép này khiến nhóm cổ phiếu nhà băng khó bứt phá được.

Các chuyên gia của FiinGroup nhận định rằng, triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2023 đang chịu ảnh hưởng bởi 3 yếu tố là thu nhập từ lãi dự kiến kém đi vì tín dụng tăng thấp và NIM khó có thể tăng do cạnh tranh cho vay các nhóm khách hàng tốt. Thu nhập từ hoạt động khác, chủ yếu là hoạt động bán chéo bảo hiểm, cũng tăng thấp. Áp lực trích lập dự phòng tăng lên khi chất lượng tài sản suy yếu do hệ lụy từ những diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, nhà đầu tư đang e dè với cổ phiếu ngân hàng.

Hơn nữa, ngành ngân hàng có số lượng cổ phiếu lưu hành tương đối lớn với gần 60 tỷ cổ phiếu, đồng nghĩa với cung tương đối nhiều. Vì thế, để cổ phiếu ngành ngân hàng lên giá mạnh cần thêm dòng tiền lớn chảy vào. Trong khi đó, dòng tiền trong ngắn hạn chưa cho thấy những dấu hiệu đột phá. Hay nói cách khác, thị trường đang ở trong vùng trũng về dòng tiền.

“Mặc dù cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn nhưng do lượng cung cổ phiếu tương đối lớn, điều này đòi hỏi phải có dòng tiền lớn tham gia thị trường thì cổ phiếu ngân hàng mới có thể tăng trưởng mạnh”, ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT CTCP AZfin Việt Nam lưu ý.

Hưởng lợi về dài hạn?

Tuy nhiên, dưới góc nhìn tích cực hơn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thông tin hạ lãi suất chưa có tác động do ảnh hưởng từ chính sách thường có độ trễ và nền kinh tế hiện tại còn khó khăn.

Cũng theo ông Minh, với bối cảnh lãi suất giảm, chi phí vốn giảm, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản sẽ hưởng lợi trong dài hạn. Trong đó, địa ốc, chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng nhanh hơn do dòng tiền kinh doanh của họ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay. Còn nhóm ngân hàng cũng hưởng lợi nhưng sẽ có độ trễ hơn.

Theo thống kê của Agriseco Research từ năm 2008, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu 1 chu kỳ giảm lãi suất thì chứng khoán thường tăng trong 1 năm sau đó với mức tăng bình quân từ 15-20%/năm.

“Việc giảm lãi suất điều hành sẽ giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng có nhiều dư địa và chủ động hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Tuy nhiên, tác động đến lợi nhuận trong năm nay là chưa rõ ràng và triển vọng nhóm này sẽ có sự phân hóa. Nhà đầu tư nên tập trung vào các ngân hàng có câu chuyện riêng”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco khuyến nghị.

Trong khi đó, ông Đặng Trần Phục nhìn nhận, trong thời gian vừa qua, vẫn có nhiều cổ phiếu ngân hàng đã đạt được một mức tăng trưởng tốt. Điều này chủ yếu do 3 nguyên nhân: nền kinh tế nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng đã qua giai đoạn khó khăn nhất, các chính sách hỗ trợ đang được đưa ra nhiều hơn; định giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức hấp dẫn và lãi suất hạ nhiệt khiến dòng tiền dần dần trở lại thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng.

Bên cạnh đó, lần hạ lãi suất này sẽ góp phần giảm chi phí huy động cho các ngân hàng, qua đó hỗ trợ giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, giúp thúc đẩy kinh tế quay lại đà tăng trưởng và hạn chế nợ xấu tại các nhà băng không tăng quá nhanh.

Theo đó, vị chuyên gia từ AZfin dự phóng lợi nhuận quý II/2023 của ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng nhẹ. Cả năm 2023 toàn ngành có thể tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10% bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn.

“Dự báo từ cuối năm 2023 đến năm 2024, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền và có diễn biến tích cực nhờ vào sức khỏe tài chính của ngành ngân hàng vẫn được duy trì ổn định, định giá rẻ. Đây sẽ là 1 trong các ngành có sự phục hồi sớm nhất, tất nhiên để có thể tăng mạnh thì vẫn cần dòng tiền lớn chảy vào”, ông Phục cho hay.

Vì vậy, nhà đầu tư ngoài chú ý đánh giá nợ xấu, lợi nhuận cần hết sức chú ý đến các yếu tố quyết định đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Một số chỉ báo nhà đầu tư có thể theo dõi là lãi suất cho vay thực của các ngân hàng thương mại có đang giảm mạnh không; lượng tiền giao dịch ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán có gia tăng không; số lượng tài khoản chứng khoán mở mới có đang tăng lên không… Ngoài ra, cần quan sát thêm diễn biến thị trường tài chính toàn cầu cũng như sức khỏe các ngân hàng trên thế giới như thế nào.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật