Đường dây 500kV Bắc - Nam mở đầu cho hiện đại hóa hệ thống truyền tải quốc gia

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Qua 29 năm vận hành, hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam không ngừng được củng cố, phát triển, từng bước hiện đại hóa, mở rộng số lượng, công suất truyền tải, khẳng định vai trò “xương sống” của hệ thống điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Đường dây 500kV Bắc - Nam mở đầu cho hiện đại hóa hệ thống truyền tải quốc gia
Bảng lưu bút ra lệnh khởi công xây dựng Trạm 500kV Phú Lâm (TP.HCM)

Quyết định lịch sử

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà máy điện ở miền Bắc, đặc biệt là Thủy điện Hòa Bình không phát huy được tối đa công suất, trong khi khu vực miền Nam với nền kinh tế năng động có nhu cầu điện rất lớn dẫn đến mất cân bằng cung cầu, phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên nhiều ngày trong tuần.

Trước tình hình đó, sau khi nghiên cứu và khảo sát, ngày 5/4/1992, lệnh khởi công xây dựng công trình với mục tiêu khi dự án đưa vào vận hành sẽ truyền tải khoảng 2 tỷ kWh/năm từ miền Bắc vào TP.HCM đã được thông qua.

Hai năm sau ngày khởi công, toàn bộ đường dây và các trạm 500kV đã được bàn giao cho bên vận hành thực hiện các thí nghiệm, chuẩn bị cho việc khởi động toàn bộ hệ thống tải điện 500kV. Kỳ tích này xuất phát từ quyết tâm cao của lực lượng tham gia dự án cũng như sự giúp đỡ mọi mặt của chính quyền 17 tỉnh, thành phố và người dân vùng dự án.

Nối tiếp kỳ tích

Sau hơn 10 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, ngày 23/9/2005, ngành điện Việt Nam lại đánh dấu một kỳ tích mới: hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2.

Việc đưa vào vận hành 2 mạch đường dây 500kV Bắc - Nam đã giải quyết cơ bản tình trạng quá tải khai thác Nhà máy Thủy điện Ialy (720MW); giải quyết vấn đề thiếu điện ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội trong giai đoạn 2005-2008.

Ứng dụng KHCN trong quản lý vận hành đường dây truyền tải điện 500kV tại Đắk Lắk

Năm 2011, Quy hoạch điện VII được ban hành, hàng loạt dự án sản xuất điện được đầu tư và đi vào vận hành như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3… đặt áp lực lên hệ thống truyền tải điện. Chính phủ đã quyết định giao cho EVN đầu tư dự án đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, đây là cung đoạn đầu tiên được triển khai xây dựng của tuyến đường dây 500 kV mạch 3.

Với sự nỗ lực của EVN và trực tiếp là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), đến tháng 5/2014, công trình được đóng điện đưa vào vận hành. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam, kịp thời cung ứng đủ điện cho toàn miền Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo.

Công nhân Công ty Truyền tải điện 2 sửa chữa đường dây 500kV Bắc - Nam

Năm 2018, Chính phủ giao EVN triển khai xây dựng đường dây 500kV mạch 3 đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai lũ lụt và đại dịch Covid-19, nhưng sau 4 năm, EVNNPT đã hoàn thành đóng điện công trình này.

Đường dây 500kV mạch 3 hoàn thành giúp giải tỏa công suất nguồn nhiệt điện và đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo phát triển mạnh trong trong khu vực. Việc hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 (với 2 mạch đường dây) giúp cho hệ thống điện Việt Nam có 4 mạch 500kV từ Bắc đến Nam.

Lãnh đạo EVN, EVNNPT kiểm tra và nghe báo cáo công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải tại Quảng Nam

Thành tích đáng ghi nhận đó bắt nguồn từ việc EVNNPT chú trọng nắm bắt công nghệ mới áp dụng vào quản lý vận hành. Với mục tiêu đến năm 2030 “đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện”, trong những năm qua EVNNPT đã luôn chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động; sử dụng hợp lý các nguồn lực, sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; xây dựng mô hình tổ chức, quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả cao.

EVNNPT luôn xác định ứng dụng khoa học công nghệ là chìa khóa cho việc phát triển bền vững và là công cụ then chốt giúp tăng năng suất lao động. EVNNPT đã vận hành 164 trạm biến áp điều khiển tích hợp bằng máy tính (trong đó có một trạm biến áp số 220kV đầu tiên của Việt Nam), đạt tỷ lệ 88,65% trên tổng số 185 trạm biến áp 220kV, 500kV; đã chuyển 117/148 trạm biến áp 220kV sang chế độ thao tác xa, đạt tỉ lệ 79% tổng số trạm biến áp 220 kV.

EVNNPT đã xây dựng và đang triển khai thực hiện chiến lược ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, Kế hoạch chuyển đổi số trong EVNNPT giai đoạn 2021 - 2025.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật