Ngày 13-4, Sở GD-ĐT Hà Nội đã họp với các trường THPT với mục tiêu đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với sự tham gia của cán bộ quản lý ở 70 trường công lập, tư thục.
Được biết, đây là những trường có tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp nhất thành phố năm 2022.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Hà Nội có 99,45% thí sinh đỗ tốt nghiệp; trong đó 98/221 trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, tăng 9 trường so với năm học trước.
Tuy tỷ lệ tốt nghiệp chung của thành phố đạt mức cao nhưng Hà Nội vẫn đứng thứ 27/64 tỉnh, thành về thứ hạng; mặt khác, phổ điểm trung bình một số môn thi cũng chưa cao. Xét theo điểm trung bình từng môn thi, có 41 trường có tất cả các môn thi đều thấp hơn mức trung bình của thành phố.
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2022, toàn TP có 167 thí sinh bị điểm liệt trong số 842 em trượt tốt nghiệp; trong đó môn Ngoại ngữ có 60 em (nhiều hơn năm trước 45 em), môn Ngữ văn có 33 em (nhiều hơn năm trước 12 em)...
Về nguyên nhân Hà Nội có thứ hạng chưa cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở GD-ĐT Hà Nội lý giải, Hà Nội có số lượng thí sinh dự thi quy mô lớn nhất cả nước với trên 100.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có nhiều thí sinh tự do, chất lượng không đồng đều.
Bên cạnh đó, chất lượng đầu vào và điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng dạy học các trường học giữa nội thành và ngoại thành còn có sự chênh lệch khá lớn dẫn tới tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp giữa các trường còn chênh lệch.
Hiệu trưởng trường THPT Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, là trường có điểm tuyển sinh thấp trong khu vực tuyển sinh số 1 (gồm quận Ba Đình, Tây Hồ), học lực của học sinh rải ở nhiều mức từ yếu, trung bình đến khá, giỏi.
Vì vậy, trong kế hoạch ôn tập, nhà trường chú trọng tổ chức các lớp phụ đạo cho học sinh yếu, kém, các em có nguy cơ bị điểm liệt... Nội dung ôn tập cho đối tượng này chủ yếu là ở mức độ nhận biết, thông hiểu.
Với nhóm học sinh khá (chiếm khoảng hơn 70% học sinh toàn khối), nội dung ôn tập được nâng cao hơn ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Với nhóm có học lực giỏi, nhà trường tập trung luyện cho các em các đề kiểm tra ở mức độ vận dụng, vận dụng cao để các em có thể đạt điểm giỏi trong kỳ thi.
Đại diện trường THPT Hợp Thanh cho biết, nhiều học sinh của trường ở miền núi, gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa nên ở một mình hoặc ở với ông bà.
Vì vậy, ngoài các giải pháp chung như các trường bạn, nhà trường tập trung các nguồn lực hỗ trợ; phân công giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình từng học sinh, phụ đạo học sinh yếu, kém theo từng môn.
Nhằm giúp học sinh không bị điểm liệt, các tổ chuyên môn xây dựng đề cương ôn tập cho đối tượng này ở mức cơ bản, đồng thời tổ chức cho học sinh tập dượt nhiều lần với các môn thi như kỳ thi thật.
Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Sở GD-ĐT Hà nội yêu cầu các nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục cấp THPT, vừa giữ vững, nâng cao chất lượng mũi nhọn, thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy học giữa các cơ sở giáo dục.
Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở giáo dục, tích cực rà soát, đánh giá chất lượng, hỗ trợ đội ngũ giáo viên dạy lớp 12 tại những trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp.
Các trường cần thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh trong đăng ký, lựa chọn môn thi tốt nghiệp; quan tâm và có giải pháp hỗ trợ đối với những học sinh yếu kém hay gặp khó khăn trong quá trình học tập. Đánh giá, xếp loại học sinh chặt chẽ, kiên quyết không để học sinh không đủ điểu kiện vẫn hoàn tất hồ sơ được dự thi tốt nghiệp.
Sở GD-ĐT khuyến khích các cụm trường tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hướng đề chung, chấm chung nhằm động viên, thúc đẩy học sinh học tập, giúp ban giám hiệu đánh giá, điều chỉnh kế hoạch của trường mình. Các thầy cô, nhà trường phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, tạo điều kiện tốt đa giúp các em ôn tập đạt hiệu quả.