Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Làn sóng doanh nghiệp xuất khẩu quay về “sân nhà“ ngày càng mạnh, trong khi doanh nghiệp nước ngoài cũng tìm cách đẩy mạnh, đưa hàng vào Việt Nam
Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn
Ảnh minh họa

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (thương hiệu VIETCOCO) mới đây đã mời các nhà phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Big C, MM Mega Market, sàn thương mại điện tử Tiki khảo sát nhà máy tại Bến Tre để trực tiếp giới thiệu sản phẩm, quy mô sản xuất. Ông Cù Văn Thành, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty, cho biết buổi làm việc và khảo sát tại nhà máy là cơ hội để VIETCOCO kết nối chặt hơn với các hệ thống phân phối cũng như tìm cơ hội thêm hàng vào siêu thị.

Cấp tập chào hàng

Lương Quới là một trong những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn nhất Việt Nam, đã bán hàng trên 50 thị trường, giá trị xuất khẩu trung bình 60 triệu USD/năm. "Sau dịch COVID-19, công ty bắt đầu chinh phục thị trường "sân nhà" 100 triệu dân. Mấy năm qua, chúng tôi chi vài chục tỉ đồng mỗi năm để đầu tư xây dựng mạng lưới nhà phân phối, đội ngũ nhân viên bán hàng từ Bắc đến Nam, đầu tư mảng thương mại điện tử…" - ông Thành thông tin. Tín hiệu vui là đến nay, mảng kinh doanh nội địa của công ty đã có tiến triển khả quan. Trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh số bán hàng trong nước đã tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng tại Bến Tre, Green Powers - thương hiệu xuất khẩu các loại trái cây chủ lực của xứ dừa - đang phát triển thêm thị trường trong nước. Bà Lý Thị Ngọc Minh, Giám đốc công ty, cho biết đang xúc tiến hợp đồng cung cấp hàng cho hệ thống MM Mega Market. Trước đó, Green Powers cung cấp bưởi cho hệ thống Winmart, Winmart+ và bán hàng qua sàn thương mại điện tử. "Lâu nay, công ty tập trung xuất khẩu, giờ mong muốn bán trái cây ngon, chuẩn xuất khẩu cho thị trường nội địa" - bà Ngọc Minh bộc bạch.

Các thương vụ nước ngoài tại Việt Nam đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp, nhà phân phối tổ chức quảng bá, tiếp thị hàng hóa đến người tiêu dùng Việt

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), làn sóng DN xuất khẩu quay về "sân nhà" ngày càng mạnh mẽ, nhất là sau dịch COVID-19. Thời gian qua, Saigon Co.op nhận được rất nhiều đơn chào hàng của các DN dạng này. Nhiều mặt hàng trước đây chỉ dành cho xuất khẩu đang được các DN chào bán nội địa với giá rất cạnh tranh.

Không những vậy, các DN nước ngoài cũng dành sự quan tâm lớn đến thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2023, Saigon Co.op đã tiếp 14 đơn vị là đại diện hiệp hội, DN Nga và các nước Đông Âu đến tìm hiểu thủ tục hợp tác, phân phối hàng của nước họ.

Tương tự, MM Mega Market Việt Nam đang phối hợp với ít nhất 10 thương vụ nước ngoài để giới thiệu sản phẩm trong chương trình Taste of Country. Theo đó, đều đặn mỗi tháng, hệ thống siêu thị này cùng với lãnh sự và tham tán thương mại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tổ chức sự kiện giới thiệu hàng hóa, kèm theo đó là trình diễn cách chế biến các món ngon từ nguyên liệu, gia vị nhập khẩu của thị trường đó. 

Thông qua sự kiện, doanh thu bán hàng của nhóm sản phẩm được giới thiệu thường tăng trưởng 2 con số. Mới đây nhất, Taste of Korea (Mỹ vị Hàn Quốc) đã mở đầu cho chương trình Taste of Country năm 2023. "Sự kiện Taste of Country năm qua đã rất thành công cả về khách hàng hộ gia đình và khách hàng DN. Năm nay sẽ có ít nhất 10 chương trình Taste of Country được tổ chức" - ông Bruno Jousselin, Tổng Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam, thông tin.

Phải hành động ngay

Theo các DN bán lẻ, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế khó khăn, giá cả một số mặt hàng tiếp tục tăng khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Trong khi đầu ra bị bó hẹp, lãi suất ngân hàng, chi phí chưa thể cắt giảm, DN còn chịu thêm sức ép cạnh tranh từ những đối thủ mới. 

"Thị trường Trung Quốc mở cửa lại, các DN phân phối hàng Trung Quốc chào bán sản phẩm gấp đôi, gấp ba lần trước đây cho các hệ thống bán lẻ. Trong nước, xu hướng tiêu dùng chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu, giảm tiêu thụ hàng xa xỉ cùng sự dịch chuyển giảm thị phần bán lẻ hiện đại từ năm 2022 đến nay, xu hướng các DN lớn khởi động lại sản xuất "xanh" cũng là những vấn đề DN sản xuất trong nước cần lưu tâm" - ông Nguyễn Anh Đức nói.

Lãnh đạo Saigon Co.op khuyến nghị các DN sản xuất trong nước cần chuẩn bị cho làn sóng cạnh tranh mới, đặc biệt trong bối cảnh DN Trung Quốc có chi phí cơ hội thấp hơn các DN Việt. "DN cần cân nhắc chọn phân khúc, kênh phân phối để có sự ủng hộ toàn diện hơn trong thời gian tới" - Tổng Giám đốc Saigon Co.op gợi ý.

Đại diện hệ thống bán lẻ Nhật Bản - ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc Công ty Aeon Việt Nam cho rằng các nhà cung cấp và sản xuất Việt Nam phải thay đổi cách làm, học hỏi thêm để tăng năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Ví dụ, những DN may mặc, thời trang nhanh đang gặp vấn đề ở thị trường xuất khẩu, thay vì bỏ chi phí lớn đầu tư phát triển kinh doanh trong nước thì có thể hợp tác với Aeon để trở thành nhà gia công. 

"Chúng tôi muốn đẩy mạnh hàng nhãn riêng sản xuất tại Việt Nam. Hiện hàng nhãn riêng còn chiếm tỉ trọng khiêm tốn, khoảng 1%-2% doanh thu của Aeon Việt Nam. Mục tiêu trong tương lai gần là 10% trong tổng doanh thu" - ông Furusawa Yasuyuki thông tin. 

 

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật