Không tốn tiền, cũng chẳng mất bao nhiêu thời gian nhưng nhiều người mắc các chứng bệnh liên quan đến gân cốt, xương khớp đã tìm lại được cuộc sống bình thường chỉ qua một vài lần điểm huyệt của võ sư Nguyễn Văn Thắng (71 tuổi), Chủ nhiệm CLB Võ thuật chùa Long Phước ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Điểm độc đáo này cũng là một phần trong di sản văn hóa phi vật thể quốc gia võ cổ truyền Bình Định.
Nhiều cách chữa bệnh độc đáo
Theo võ sư Thắng, phương pháp điều trị bệnh bằng cách điểm huyệt dựa theo tài luyện bí truyền từ thời xưa. Bản thân ông học được cách điều trị bệnh này từ anh ruột ông là Đại võ sư Thích Hạnh Hòa, trụ trì chùa Long Phước.
"Để học được cách điều trị bệnh bằng phương pháp này, ngoài việc phải nắm rõ các huyệt đạo trên cơ thể con người, tôi còn phải luyện ngón trong thời gian dài mới thuần thục việc điểm từng huyệt với nguồn nội lực phù hợp. Ngoài ra, trước khi điều trị, tôi cũng cần phải biết được nguyên nhân và giờ gặp nạn để đưa ra cách điểm huyệt phù hợp", võ sư Thắng nói.
Ngoài điểm huyệt, võ sư Thắng còn có nhiều phương pháp điều trị bệnh độc đáo khác là nắn, kết hợp đạp thuốc đối với những người bị bong gân, trật khớp. Hoặc tán thuốc với gà con để chữa cho các võ sĩ trúng đòn nặng và những người té ngã, va đập bị gãy nát xương. Theo võ sư Thắng, việc chọn gà con đã mọc đủ lông cánh, mổ bụng lấy bộ lòng vứt bỏ, xong để nguyên con hòa chung với thuốc thoa rồi bó đắp vào chỗ gãy xương. Điểm hay là sau một thời gian thì chỗ xương gãy sẽ tự lành lặn.
Thuốc võ cổ truyền ở Bình Định được quảng cáo đặc trị thoát vị đĩa đệm, tan máu bầm
Trong cách dùng thuốc, võ sư Thắng cũng có kiểu điều trị khá độc đáo là cho người bệnh uống thuốc chung với nước tiểu. Nước tiểu này được lấy của bé trai từ 6 - 12 tuổi vào buổi sáng và bỏ đoạn đầu, đoạn cuối, chỉ lấy đoạn giữa. "Khi bé trai đứng tiểu tiện, chờ dòng nước tiểu chảy từ trên xuống đất thì đưa chén vào hứng ở đoạn giữa. Sau đó pha một ly nước tiểu cùng một ly nhỏ rượu đổ chung vào một chén thuốc sắc lấy nước đầu tiên uống. Khi uống vào sẽ giúp người bệnh đẩy được máu ứ đọng trong cơ thể do chấn thương ra ngoài.", võ sư Thắng phân tích.
Tại võ đường Phan Thọ ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, ngoài hàng trăm môn sinh luyện tập võ, mỗi ngày nơi này còn tiếp hàng chục bệnh nhân đến chữa các bệnh về chấn thương, như: nứt, gãy xương do té ngã hoặc khi thi đấu, tập luyện võ thuật, chơi thể thao... Đầu năm nay, khi chúng tôi đến võ đường Phan Thọ cũng là lúc chuẩn võ sư Phan Minh Hải (30 tuổi) - cháu ngoại cố đại võ sư Phan Thọ, chưởng môn đời thứ ba của võ đường Phan Thọ - vừa điều trị bệnh cho ông Nguyễn Văn An (57 tuổi; ngụ huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai).
Cố võ sư Phan Thọ lúc còn sống
"Tôi bị đau lưng và lật sơ mi cổ chân do khiêng nặng, té ngã khi đi rẫy. Chỉ vài chục phút được thầy Hải xoa bóp, mằn chỉnh kết hợp với thuốc xoa giảm đau thấy rõ. Tôi tin tưởng nên mua thêm thuốc về sử dụng để mau khỏi. Tôi tìm đến thầy Hải qua giới thiệu của một người ở địa phương từng bị trật khớp và đã được thầy Hải sớm chữa khỏi bệnh bằng phương pháp này", ông An cho hay.
"Do ở với ông ngoại là võ sư Phan Thọ từ nhỏ đến lớn nên thường xuyên được ông truyền đạt lại cách điều trị bệnh. Sau khi ông mất năm 2014, tôi nỗ lực gìn giữ, phát huy không chỉ các bài quyền, binh khí mà còn cả về võ y theo tâm nguyện của ông", chuẩn võ sư Hải chia sẻ.
Lộ diện kho tàng võ y
Những cách điều trị bệnh như trên đã được các võ sư, võ đường ở Bình Định thực hiện từ hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, kho tàng võ y Bình Định thực sự lộ diện khi tỉnh này triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Sưu tầm, nghiên cứu tác dụng các bài thuốc dùng trong võ cổ truyền, và đề xuất hướng bảo tồn, phát huy giá trị của võ y Bình Định". Đây là lần đầu tiên võ y Bình Định được đặt dưới lăng kính khoa học một cách bài bản.
Cụ thể, mới đây, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định phối hợp bệnh viện Y học cổ truyền Bình Định và bệnh viện Đa khoa Bình Định đã thực hiện đề tài trên. Qua khảo sát thực tế tại nhà nhiều võ sư, võ nhân Bình Định, nhóm nghiên cứu sưu tầm được hơn 300 bài thuốc. Trong đó, có 80 bài thuốc tâm đắc từ 25 võ sư nổi tiếng, là những người có nghề võ y gia truyền hoặc được dạy từ nhiều thầy giỏi.
Đại võ sư Trần Hải (bên trái) bắt mạch để chữa trị cho một người bị chấn thương.
Các bài thuốc trên chủ trị trên 17 nhóm bệnh lý thường gặp trong võ thuật, như: các chấn thương đầu, hạ bộ, trung bộ, ngực, mũi, toàn thân, bất tỉnh, hoặc nội thương, thổ huyết, sưng tụ máu, trật khớp, gãy xương, bong gân… Những người tham gia phân tích, thảo luận cũng thống nhất có 14 phương pháp chế biến 80 bài thuốc võ, trong đó thông dụng nhất là ngâm rượu hoặc sắc uống, tiếp đó là các phương pháp tán bột hòa rượu uống, tán với rượu xoa ngoài, tán bột, sắc nước hoặc ngâm rượu. Đề tài cũng đã ghi nhận một số võ đường dùng phương pháp độc đáo là điểm huyệt và giải huyệt để trị bệnh, đề nghị cần nghiên cứu thêm.
Kho tàng võ y Bình Định hàm chứa nhiều giá trị đặc sắc, vì thế các nhà nghiên cứu cũng thống nhất công trình khoa học kể trên chỉ mới khai phá bước đầu, giúp phát lộ một phần nhỏ di sản tổ tiên để lại. Thực tế còn khá nhiều võ sư, đại võ sư có nhiều cách chữa trị, bài thuốc hay nhưng chỉ lưu truyền nội bộ trong môn phái, võ đường mà các nhà nghiên cứu chưa tiếp cận và công trình khoa học kể trên chưa ghi nhận hết.
Một trong số người có nhiều đóng góp cho võ y Bình Định là đại võ sư Trần Hải (81 tuổi; ngụ xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn), Chưởng môn phái Thanh Thiên Việt Võ Đạo - người đã chịu khó học hỏi từ nhiều thầy giỏi về quyền, binh khí và đặc biệt là võ y ở các vùng đất võ An Nhơn, Tây Sơn... "Thời gian qua, tôi đã dành nhiều thời gian viết sách y lý trị liệu gồm 4 phần (mạch, tính dược, phương thang, lâm sàng) đúc kết kinh nghiệm thực hành rất nhiều năm về võ y nói riêng và đông y nói chung, cùng nhiều bài thuốc hay để truyền lại cho học trò. Với những học trò đã đủ trình độ để đi truyền dạy, tôi thường trao truyền thêm về võ y, ít nhất là cũng phải biết chữa trị các chấn thương cơ bản, thường gặp", đại võ sư Hải cho hay.