WHO chính thức đổi tên bệnh đậu mùa khỉ để tránh sự kỳ thị

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Động thái đổi tên của WHO nhằm đối phó với áp lực ngày càng tăng từ các quan chức cấp cao của chính quyền Biden.
WHO chính thức đổi tên bệnh đậu mùa khỉ để tránh sự kỳ thị
Một lọ vaccine đậu mùa khỉ tại Sở Y tế Công cộng Quận Mecklenburg, Bắc Carolina, Mỹ ngày 20/8. Ảnh: Politico

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 28/11 chính thức bắt đầu sử dụng một thuật ngữ mới, “mpox”, như từ đồng nghĩa với “monkeypox” (bệnh đậu mùa khỉ) để tránh sự kỳ thị và những hiểu lầm liên quan đến tên cũ.

Tên gọi mới này sẽ phổ biến dần trước khi loại bỏ hoàn toàn tên gọi “đậu mùa khỉ” trong vòng một năm. 

"WHO sẽ sử dụng từ mpox trong thông tin liên lạc của tổ chức, và khuyến khích mọi người tuân theo khuyến nghị này nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của tên bệnh hiện tại," AFP dẫn tuyên bố của WHO.

Theo Reuters, WHO kêu gọi mọi người cùng thay đổi, sau một số khiếu nại cho rằng tên gọi hiện nay mang tính kỳ thị. Từ đầu năm nay, cơ quan y tế của Liên Hợp quốc đã khởi động quá trình tham vấn công khai để tìm tên mới cho căn bệnh này và đã nhận được hơn 200 đề xuất.

Một trong những đề xuất nổi bật là “mpox” hoặc “Mpox”, được đề xuất bởi tổ chức sức khỏe nam giới RÉZO (Canada). Giám đốc của tổ chức này cho biết việc xóa ngôn từ ám chỉ loài khỉ sẽ giúp mọi người coi vấn đề khẩn cấp y tế này một cách nghiêm túc hơn.

Xavier Becerra, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ Nhân sinh Mỹ, cho biết: “Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để phá bỏ các rào cản đối với sức khỏe cộng đồng. Việc giảm kỳ thị liên quan đến bệnh tật là một bước quan trọng nhằm chấm dứt mpox”.

WHO cho biết các chuyên gia toàn cầu đã quyết định chọn “mpox” sau khi xem xét tính phù hợp về mặt khoa học, mức độ sử dụng hiện tại cũng như khả năng phát âm.

Theo truyền thống, WHO có nhiệm vụ đặt tên mới cho các bệnh hiện có theo phân loại quốc tế về bệnh tật. Về nguyên tắc thì tổ chức này luôn tìm cách tránh liên kết bất kỳ bệnh hoặc virus nào với một quốc gia, khu vực, động vật hoặc nhóm dân tộc.

Trước đó, ngày 23/11, Nhà Trắng đã gây áp lực yêu cầu WHO đổi tên monkeypox - bệnh đậu mùa khỉ để nhanh chóng giảm bớt sự kỳ thị do tên gọi của nó. Các quan chức cấp cao của chính quyền Biden, những người đã thúc giục lãnh đạo WHO đổi tên, gợi ý rằng Mỹ sẽ hành động đơn phương nếu cơ quan này không nhanh hành động.

Chính quyền Biden trong nhiều tháng đã lo ngại tên đậu mùa khỉ làm sâu sắc thêm sự kỳ thị, đặc biệt ở những người d‌a mà‌u, và việc chậm chạp làm cản trở chiến dịch tiêm vaccine.

Các chuyên gia y tế cộng đồng và các nhà hoạt động LGBT cũng kêu gọi bỏ tên gọi loại virus bắt nguồn từ khỉ này. Họ cho rằng tên gọi căn bệnh không chính xác, tạo định kiến phân biệt chủ‌ng tộ‌c với châu Phi và gây bất lợi cho phản ứng toàn cầu.

“Trong bối cảnh bùng phát căn bệnh trên toàn cầu như hiện nay, việc tiếp tục nhắc đến danh pháp virus này là người châu Phi không chỉ không chính xác mà còn mang tính kỳ thị và phân biệt đối xử,” một nhóm nhà khoa học viết trong một tuyên bố chung công bố vào tháng 6 năm nay.

Đậu mùa khỉ chủ yếu gây chết chóc tại châu Phi vì người dân tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Trong khi đó bên ngoài châu Phi, gần như tất cả các trường hợp mắc bệnh đều là đồn‌g tín‌h nam.

Trong tuyên bố của mình, WHO cho biết đã lo ngại về "ngôn ngữ phân biệt chủ‌ng tộ‌c và kỳ thị" khi dịch bệnh này lan ra hơn 100 nước. WHO thừa nhận nhiều cá nhân và quốc gia đã yêu cầu cơ quan này đổi tên bệnh.

Tên gọi "đậu mùa khỉ" xuất phát từ việc virus này được phát hiện lần đầu tiên ở những con khỉ trong phòng thí nghiệm tại Đan Mạch vào năm 1958. Căn bệnh này cũng xuất hiện ở một số động vật khác, chủ yếu là các loài gặm nhấm.

Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bệnh đậu mùa khỉ ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Kể từ đó, bệnh lây lan giới hạn ở một số quốc gia Tây và Trung Phi.

Đến tháng 5/2022, bệnh đậu mùa khỉ nhanh chóng lan ra toàn thế giới, chủ yếu ở những người quan hệ đồn‌g tín‌h nam. Theo thống kê của WHO, hiện có 81.107 ca mắc và 55 trường hợp t‌ử von‌g do đậu mùa khỉ được ghi nhận tại 110 quốc gia. Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp mắc mpox.

WHO đến nay đã vài lần đặt lại tên cho các dịch bệnh mới không lâu sau khi bùng phát, đơn cử là dịch SARS hay dịch Covid-19. Tuy nhiên theo AP, đây là lần đầu tiên WHO cố gắng đặt lại tên cho một căn bệnh đã tồn tại vài thập kỷ qua.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật