Thanh Hóa: Người dân cần cảnh giác với chiêu trò “bẫy” lãi suất cao

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với “bẫy” lãi suất hấp dẫn, người quen, làng xóm nên nhiều người đã không ngần ngại dốc hết tiền của, thậm chí vay mượn thêm cho vay để rồi mất cả gốc lẫn lãi.
Thanh Hóa: Người dân cần cảnh giác với chiêu trò “bẫy” lãi suất cao
Bà Bùi Thị Độ bỗng dưng chở thành “con nợ“ với số tiền hơn chục tỷ đồng

Chuyện “bẫy” lãi suất cao không phải là chuyện mới, nhưng nhiều người vẫn khó bước qua cám dỗ đồng tiền để rồi trắng tay, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần. Thời gian qua, đã có không ít vụ việc chủ nợ “ôm” tiền bỏ trốn khiến hàng chục người lo lắng mất ăn mất ngủ, còn chính quyền địa phương đau đầu tiếp nhận đơn tố cáo.

nạn nhân đáng thương hay đáng trách ?

Mới đây, siêu lừa Nguyễn Thị Lý (SN 1988) ở thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa thông báo bị lừa mất 52 tỷ đồng và tuyên bố mất khả năng chi trả các khoản vay. Đồng thời biến mất khỏi nơi cư trú.

Sau lời tuyên bố của “con nợ” Nguyễn Thị Lý đã có hàng chục người người dân ở huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vô cùng hoang mang, lo lắng khi, ăn không ngon, ngủ chẳng yên, thậm chí có người vì lo lắng quá đã đổ bệnh. Trong đó có bà Bùi Thị Độ trú cùng thôn với Nguyễn Thị Lý bị mất 14,7 tỷ đồng.

Bà Bùi Thị Độ ở thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long đang là chủ nợ, trong nháy mắt bỗng chở thành “con nợ”. Nhiều ngày qua, nhà bà Bùi Thị Độ liên tục có người dân tìm đến tận nhà để đòi nợ. Bởi lẽ, bà Độ chính là khâu “trung gian”, đi huy động vốn của người dân địa phương rồi cho Nguyễn Thị Lý vay lại với lãi suất cao hơn.

“Mấy ngày nay tôi mất ăn mất ngủ, tinh thần bị suy sụp vì ngày nào cũng có người gọi điện, tìm đến tận nhà đòi nợ. Với khoản nợ lên đến 14,7 tỷ đồng. Số tiền quá lớn, tôi có bán hết tài sản nhà cửa cũng không thể trả hết nợ” - Bà Độ nghẹn ngào.

Bà Độ vốn là Chi hội trưởng chi hội nông dân thôn kiêm tổ trưởng tổ vay vốn theo kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, có nhiệm vụ đầu mối cho bà con nông dân vay vốn làm ăn và thu lãi trả ngân hàng hàng tháng.

Thấy bà Độ là người uy tín, có khả năng kêu gọi huy động vốn từ người dân nên vào tháng 3/2021, Nguyễn Thị Lý đã nhờ bà Độ thông báo với bà con cho vay lãi để “đáo hạn ngân hàng” tại một ngân hàng ở thị xã Bỉm Sơn. Cũng vì tin tưởng Lý là người cùng thôn, có cửa hàng kinh doanh thuốc tây và sữa lớn ở địa phương nên nhiều người đã tin tưởng, cho Lý vay với lãi suất cao hơn các ngân hàng.

Để tạo lòng tin, thời gian đầu, Nguyễn Thị Lý vay 500 triệu đồng, đều trả lãi đúng hẹn. Thông qua bà Độ làm trung gian, đối tượng Nguyễn Thị Lý vay từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Thấy “con mồi” đã sập “bẫy”, đầu tháng 10/2022, Nguyễn Thị Lý thông báo bà Độ cần huy động thêm 6 tỷ đồng để đầu tư làm ăn nên bà Độ tiếp tục thông báo, sau đó nhiều người dân lại gửi tiền qua cho bà Độ. Chỉ tính từ ngày 12/10 đến ngày 21/10, bà Độ đã huy động và cho Lý vay tổng số tiền 3,2 tỷ đồng. Số tiền này, Lý hẹn đến ngày 25/10 sẽ trả cả gốc lẫn lãi.

Việc vay mượn với số tiền lên đến cả chục tỷ đồng chỉ bằng giấy viết tay

Qua các giấy nợ viết tay mà bà Độ cung cấp, từ tháng 3/2021 đến ngày 21/10/ 2022, tổng số tiền bà Độ cho Nguyễn Thị Lý vay lên đến 14,7 tỷ đồng.

Đến ngày 23/10/2022, đối tượng Nguyễn Thị Lý gọi điện cho bà Độ thông báo bị một người ở tỉnh Bình Dương lừa mất 52 tỷ đồng nên không còn khả năng trả nợ các khoản vay.

Sau khi đối tượng Nguyễn Thị Lý tuyên bố vỡ nợ, không chỉ bà Độ, mà nhiều người trú tại huyện Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn có nguy cơ trắng tay và chở thành “con nợ”

Thiếu tá Nguyễn Văn Dương - Trưởng Công an xã Hà Long cho hay: Công an xã đã tiếp nhận nội dung thông tin và đã chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hà Trung giải quyết theo thẩm quyền.

Cảnh báo tình trạng vỡ nợ từ “bẫy” lãi suất cao

Có thể thấy, thủ đoạn và phương thức “bẫy” lãi suất cao Nguyễn Thị Lý dưới vỏ bọc bên ngoài là người làm ăn lớn, có điều kiện kinh tế, có quan hệ… nhằm tạo uy tín với người bị hại.

“Siêu lừa” Nguyễn Thị Lý đã sử dụng “chiêu” cần số tiền làm ăn lớn, đáo hạn ngân hàng, và đưa ra cái “bẫy” lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng để đánh vào lòng tham của người cho vay. Thời gian đầu “siêu lừa” Nguyễn Thị Lý trả nợ gốc, lãi đầy đủ, đúng hẹn, tạo được sự tin tưởng, từ đó số người, số tiền cho đối tượng vay ngày càng nhiều và dễ dàng hơn.

Có thể thấy thủ đoạn lừa đảo của “siêu lừa” Nguyễn Thị Lý đã cũ, phương thức lừa cũng không có gì mới. lợi dụng mối quan hệ quen biết và trả lãi suất cao, các đối tượng lừa đảo dễ dàng làm nhiều “con mồi” sập “bẫy”.

Trước đó, vào tháng 5/2017, đối tượng Quách Thị Thúy, trú tại thị trấn Giắt, huyện Triệu Sơn vay với số tiền lên tới 70 tỷ đồng với lãi suất cao rồi tuyên bố phá sản, khiến hàng chục người dân điêu đứng (Ảnh Hoàng Minh)

Hiện đơn tố cáo của người dân về đối tượng Nguyễn Thị Lý sẽ được cơ quan chức năng huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa thụ lý, xử lý theo quy định của Pháp Luật. Tuy nhiên đây là bài học cảnh tỉnh cho người dân không nên nhẹ dạ cả tin, đặc biệt đừng hám “bẫy” lãi suất cao để tránh những hệ lụy đáng tiếc.

Sau vụ việc xảy ra ở xã Hà Long, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cảnh báo người dân những nội dung sau: Việc cho cùng một người vay số tiền lớn, trong thời gian dài với lãi suất cao, không có văn bản hợp đồng vay mượn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, người dân không nên tham gia các hoạt động vay mượn tiền lãi suất cao.

Người dân cần rà soát, kiểm tra lại các khoản vay để đảm bảo khả năng thanh toán. Cho vay với lãi suất vượt mức quy định là hành vi vi phạm Pháp Luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý Hình Sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và bị tịch thu toàn bộ số tiền cho vay. Tuyệt đối không gây mất an ninh, trật tự liên quan đến hoạt động vay nợ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật