Nông thôn ở huyện Mường La của Sơn La ấn tượng nhất là chuyện hiến đất làm đường giao thông

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm“, người dân huyện Mường La (Sơn La) tích cực tham gia hiến đất, đóng góp tiền làm đường giao thông nông thôn. Đây cũng là một trong những chuyện ấn tượng nhất trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Mường La.
Nông thôn ở huyện Mường La của Sơn La ấn tượng nhất là chuyện hiến đất làm đường giao thông
Những tuyến đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa tạo thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa, đi lại của người dân. Ảnh: Mùa Xuân.

Vùng cao Sơn La thực hiện phương châm "Dễ làm trước, khó làm sau".

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhất là việc triển khai bê tông hóa đường giao thông nông thôn, huyện Mường La (Sơn La) đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, góp công, tiền... ủng hộ thực hiện làm đường giao thông nông thôn, với phương châm "Dễ làm trước, khó làm sau".

Ưu tiên nguồn lực từ nguồn xã hội hóa trên địa bàn kết hợp với việc vận động, khuyến khích, động viên người dân các xã, bản còn nhiều khó khăn thực hiện làm đường giao thông nông thôn. Xây dựng các phong trào dân vận khéo thực hiện vận động nhân dân hiến đất, mở rộng đường, bê tông hóa các tuyến đường trục chính, đảm bảo giao thông đi lại được 4 mùa.

Xem Video: Trưởng bản vùng cao Sơn La nói về quá trình hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Trong quá trình thực hiện các Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ huyện Mường La luôn giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của từng tổ chức Đảng và tinh thần tiên phong, gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên trên mọi lĩnh vực. 

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, đoàn thể; đổi mới công tác tuyên truyền theo chiều sâu, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng.

Để từ đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới được nâng lên, tích cực tham gia đóng góp thực hiện, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn huyện.

Ông Cầm Văn Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Hoa, chia sẻ: Năm 2021, xã đã vận động nhân dân đóng góp bằng tiền hoặc ngày công; cán bộ, công chức, viên chức đóng góp từ 200 nghìn đồng/người trở lên. Đối với nhân dân bản Nong Xưa và bản tả hiến hàng nghìn mét vuông đất, hàng trăm gốc cây ăn quả, cây lâu năm và các công trình bị ảnh hưởng để hoàn thiện nền đường. Đồng thời, huy động các hộ dân trên địa bàn xã có máy xúc, xe ô tô hỗ trợ làm nền đường và vận chuyển vật liệu.

Người dân xã Chiềng Hoa, huyện Mường La (Sơn La) hiến hàng trăm mét vuông đất mở rộng đường giao thông nông thôn. ẢNh: Mùa Xuân.

Đến nay, xã Chiềng Hoa, làm được trên 19,3 km đường giao thông nông thôn đến bản, nội bản bằng sự đóng góp của nhân dân trong xã, nguồn lực xã hội hóa từ các đơn vị đóng trên địa bàn và nguồn ngân sách hỗ trợ xi măng, ống cống...

Nở nụ cười tươi rói trò chuyện với chúng tôi, ông Lường Văn Thiện, bản Tả, xã Chiềng Hoa chia sẻ: Sau khi được cán bộ xã, bản tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã tự nguyện hiến 240m2 đất vườn, chặt phá hơn 20 gốc cây ăn quả lâu năm và cây lấy gỗ để tạo mặt bằng phục vụ thi công tuyến đường. Nhờ vậy, bây giờ bà con chúng tôi đã có tuyến đường đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.

Ông Tráng A Tráng, bản Nong Bông, xã Chiềng Ân, bảo: Sau khi tuyến đường này được hoàn thành, người dân trong bản đi lại thuận tiện quanh năm, các cháu học sinh đi học không phải chịu cảnh đường sá bùn lầy mỗi khi vào mùa mưa như trước đây nữa. Vì vậy, gia đình có "hy sinh" vài chục mét đất để làm đường cũng là điều nên làm.

Còn ông Tráng A Tráng, xã Chiềng Ân, từ năm 2021 đến nay, ông không chỉ hiến hơn 300 m2 đất để mở rộng mặt bằng đường bê tông hóa tuyến đường nội bản mà ông còn hiến hàng nghìn m2 đất cho xã Chiềng Ân để xây dựng trụ sở UBND xã mới.

Từ năm 2015 đến nay, thực hiện Nghị quyết 115 và Nghị quyết 77 của HĐND tỉnh Sơn La, huyện Mường đã làm mới được trên 180 km đường giao thông nông thôn từ nguồn lực do nhân dân đóng góp và sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp…

Điển hình như, xã Ngọc Chiến đã bê tông hóa được 36,5 km đường giao thông đến bản, nội bản bằng nguồn lực chủ yếu là nhân dân đóng góp (vật liệu cát, đá, sỏi, ngày công lao động và đặc biệt là việc hiến đất làm đường giao thông), ngân sách Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống và một phần kinh phí hoàn thiện nền đường.

Các tuyến đường giao thôn nông thôn đảm bảo thông suốt 4 mùa, phương tiện đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa phát triển, giá cả nông sản được nâng lên, chất lượng cuộc sống cải thiện, nhận thức của người dân dần thay đổi theo hướng tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

Đường giao thông nông thôn mới giúp bà con đi lại thuận tiện

Ông Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La (Sơn La), cho biết: Huyện Mường La đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội, trước hết là nguồn lực trong dân, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra giám sát của các cơ sở trong triển khai xây dựng nông thôn mới.

Người dân được bàn, được làm; rất trân trọng những thành quả mà người dân làm ra và tham gia rất tích cực một cách phấn khởi, tạo động lực trong cộng đồng dân cư. Khi có con đường đẹp, người dân trân trọng, từ đó người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ, vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp cả về sau này. Từ những kinh nghiệm của các xã Chiềng Ân, Chiềng Hoa, Chiềng Công… huyện sẽ tiếp tục nhân rộng cho các xã khác.

Việc kiên cố hóa các tuyến đường giao thông nông thôn giúp các em học sinh vùng cao Sơn La đến lớp, đến trường thuận tiện hơn, nhất là vào mùa mưa. Ảnh: Mùa Xuân.

 "Xác định kế hoạch cụ thể, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng vào cuộc, có những giải pháp chi tiết, có các chương trình, nghị quyết cụ thể phù hợp với địa phương đó. Có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương không phải tham gia chỉ đạo nữa mà tham gia trực tiếp làm để dân tin, dân làm theo từ đó tạo thành phong trào. Đồng thời, từ đó cũng sẽ khai thác được nguồn lực từ trong dân, tạo niềm tin và sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, điển hình như xã Ngọc Chiến thực hiện rất hiệu quả vấn đề này.

Khi hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư xây dựng sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa, nhất là nông sản của bà con sản xuất ra không phải lo được mùa, mất giá. Rút ngắn khoảng cách giao lưu văn hóa giữa các xã, bản thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương phát triển". Ông Vũ Đức Thuận nói.

Nhờ có những tuyến đường bê tông hóa trải dài khang trang, nông sản của nông dân huyện Mường La (Sơn La) bán được giá cao hơn. Ảnh: Mùa Xuân.

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Mường La tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm sao để cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, tiền và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định.

Có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương, thông qua sự lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, có phương thức huy động phù hợp. Xây dựng hệ thống chỉ đạo, đồng bộ, hiệu quả; có bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật