“Chúa đảo” Úc phủ nhận việc đe dọa bán quần đảo “chiến lược” cho Trung Quốc

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chủ sở hữu của 21 hòn đảo ngoài khơi Papua New Guinea nói rằng ông chưa bao giờ đe dọa bán quần đảo này cho Trung Quốc và mục đích chính của ông là cứu những con rùa làm tổ ở đó.
“Chúa đảo” Úc phủ nhận việc đe dọa bán quần đảo “chiến lược” cho Trung Quốc
Quần đảo Conflict là nơi đẻ trứng của các loài nguy cấp như đồi mồi và rùa xanh AFP

Doanh nhân, nhà đầu tư người Úc Ian Gowrie-Smith đã mua quần đảo Conflict, nằm cách bờ biển Úc chưa đầy 1.000 km, gần hai thập kỷ trước, theo The Guardian. Quần đảo này được truyền trưởng tàu HMS Conflict của hải quân Anh đặt tên theo tên tàu này, sau khi một con tàu khác, HMS Cormorant, phát hiện ra khu vực vào năm 1879.

Quần đảo này bao gồm các rạn san hô vòng (atoll) phần lớn không có người ở nhưng là nơi làm tổ của đồi mồi và rùa xanh, hai loài động vật được xếp vào dạng cực kỳ nguy cấp. Chúng sẽ bắt đầu mùa sinh sản trong vòng vài tuần nữa và một số sau đó sẽ di cư đến rạn san hô Great Barrier ngoài khơi đông bắc nước Úc.

Doanh nhân Gowrie-Smith đã nói về việc bán lại quần đảo Conflict hoặc tìm kiếm đối tác để hỗ trợ công việc bảo tồn trong vòng vài năm và hy vọng chính phủ Úc có thể làm việc với Papua New Guinea (PNG), hoặc hỗ trợ một tổ chức thiện nguyện để bảo vệ khu vực sinh sản của các loài động vật. Ông cho biết dự án bảo tồn tốn khoảng 1 triệu USD/năm.

Vị "chúa đảo" nói với The Guardian rằng ông đã liên lạc với văn phòng Ngoại trưởng Úc Penny Wong vào tháng 6 để thảo luận về tương lai của quần đảo Conflict, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi và việc này khiến ông thất vọng.

"Đây là cơ hội để bảo vệ không chỉ quần đảo Conflict mà cả rạn san hô Great Barrier - bản thân việc này đã đủ lý do để ai đó trả lời và nói rằng đây là một địa điểm khá quan trọng", ông Gowrie-Smith nói.

Vào tháng 8, sự thất vọng đó đã khiến ông xuất hiện trên chương trình truyền hình A Current Affair và nói về "sự nguy hiểm" nếu quần đảo này "rơi vào tay Trung Quốc".

Song ông Gowrie-Smith cho biết thông tin ông đe dọa bán quần đảo trên cho Trung Quốc là hoàn toàn sai sự thật. "Tôi không có ý định bán những hòn đảo này cho Trung Quốc", ông Gowrie-Smith nói với The Guardian.

"Điều mà người ta chưa nói đến là bất cứ ai mua quần đảo này từ tôi đều có thể quyết định bán lại nó cho một quốc gia nước ngoài, có thể thân thiện hoặc có thể không thân thiện, vào một thời điểm nào đó trong tương lai", ông giải thích.

Về mặt lý thuyết, quần đảo Conflict có thể có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc vì nơi này có một cảng nước sâu và một đường băng.

Bộ Ngoại giao Úc cho biết chính phủ nước này đang "trực tiếp tiếp xúc" với ông Gowrie-Smith để thảo luận về sự việc.

Khi Thủ tướng Úc Anthony Albanese được hỏi liệu ông có trao đổi với ông Gowrie-Smith về việc mua lại quần đảo hay không, nhà lãnh đạo nói rằng có hơn 500 khu vực như vậy và tiền thuế ở Úc không thể được dùng để mua bất động sản trên khắp Thái Bình Dương.

Song ông Gowrie-Smith cho biết ông đã nói rõ rằng ông hiểu việc Úc mua quần đảo Conflict sẽ không được chấp nhận về mặt chính trị. Ông sẽ thảo luận với chính phủ PNG về tương lai của quần đảo.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Úc cho biết nước này cũng đã "tiếp xúc với chính phủ PNG. Theo đó, các quyết định liên quan đến quần đảo này, bao gồm việc mua bán hoặc bảo tồn, đều phải tuân theo các luật liên quan của PNG và cuối cùng là vấn đề của chính phủ PNG.

Cũng theo phía Úc, chính phủ PNG gần đây cho biết họ đang xem xét tuyên bố quần đảo Conflict là một khu bảo tồn thiên nhiên cần được bảo vệ".

Phó thủ tướng PNG John Rosso trước đó nói "sẽ không có chuyện bán" quần đảo này, theo báo Post-Courier của PNG. "Quần đảo Conflict… vẫn sẽ nằm trong tay PNG và chúng tôi cũng muốn giữ lại nó để bảo tồn cho đất nước", ông nói với tờ báo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật