Doanh nghiệp gặp rào cản gì khi chuyển đổi số?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản.
Doanh nghiệp gặp rào cản gì khi chuyển đổi số?
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường

Rào cản nào cho doanh nghiệp chuyển đổi số?

Ngày 16/8, trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (LinkSME), Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và do nữ làm chủ”.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chuyển đổi số trong doanh nghiệp được hiểu là “việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới”.

Các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm: Số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp; áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp; chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.

Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, lợi ích của chuyển đổi số với doanh nghiệp là mở rộng tập khách hàng và thị trường tiềm năng; gia tăng trải nghiệm khách hàng; sáng tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu; tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự; tăng hiệu suất sản xuất kinh doanh; ra quyết định nhanh chóng, chính xác cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Với những lợi ích đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, chuyển đổi số đã và đang có tác động ngày càng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Chuyển đổi số mang lại cả cơ hội và những cách thức mới, giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Trước xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ để chuyển đổi số thành công. Họ còn thiếu kiến thức về chuyển đổi số, đồng thời chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để bắt đầu áp dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi số không còn là viễn cảnh xa vời, mà đang là xu thế tất yếu. Theo đó, để trở thành doanh nghiệp số, tận dụng được các cơ hội chưa từng có của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do nữ làm chủ cần không ngừng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tâm thế “hành động”, “đột phá”, chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ chuyển đổi “nhận thức” của người sử dụng lao động và người lao động và kịp thời “hành động” để bứt phá trong kinh doanh.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – chuyên viên Phòng Tổng hợp và chính sách (Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cụ thể, 23,4% doanh nghiệp cho biết họ lo ngại về sự rò rỉ dữ liệu cá nhân, dữ liệu doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số; 26.6% doanh nghiệp khó khăn do thiếu hiểu biết của người lao động; 32,1% doanh nghiệp khó chuyển đổi số do thiếu cam kết, hiểu biết của đội ngũ quản lý doanh nghiệp; 40,4% thiếu thông tin về công nghệ số; 45,4% thiếu hạ tầng về công nghệ số; 60,1% khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số…

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp hiện nay

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công

Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Kết quả, trong năm 2021 đã có trên 1000.000 doanh nghiệp tiếp cận các hoạt động, thông tin từ Chương trình; 400.000 doanh nghiệp được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; trên 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số và 100 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn 1-2 chuyên sâu về chuyển đổi số.

Trong đó từ tháng 8-12/2021, Chương trình đã lựa chọn 11 doanh nghiệp tiêu biểu ở một số ngành, lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo, nông nghiệp để tư vấn, xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp đợt 1/2021. Trong 3 tháng liên tục, Chương trình đã cử chuyên gia xuống khảo sát toàn diện về thực trạng của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, lộ trình tổng thể để chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

Một trong những doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ Chương trình đó là Công ty CP Xuân Hoà (Vĩnh Phúc) – doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nội thất. Được biết, trước khi tham gia vào Chương trình, Xuân Hoà đã tham gia khảo sát một số mô hình chuyển đổi số và nhận thấy, có những doanh nghiệp đã thất bại khi xây dựng hệ thống ERP (ứng dụng phần mềm đa phân hệ) với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Do đó, Xuân Hoà đã làm việc với các chuyên gia tư vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xây dựng mô hình chuyển đổi số cơ bản, có hướng dẫn và cách làm phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp đặc thù sản xuất kinh doanh, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh Xuân Hoà, Công ty TNHH Thắng Lợi (Nam Định) - hoạt động trong lĩnh vực cơ khí cũng nhận được hỗ trợ đợt 1. Theo đó, giá trị đầu tiên mà doanh nghiệp nhận được đó là tự tin và tầm nhìn. Tự tin vì đã có phương hướng triển khai và có người đồng hành.

Việc có được tầm nhìn với ban giám đốc doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, vì từ tầm nhìn, nhận thức mà doanh nghiệp sẽ có những quyết định triển khai và lộ trình đúng đắn. Trên cơ sở đó, Công ty đã đầu tư và đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất loT đầu tiên, từng bước số hoá, thông minh hoá các hoạt động để kiểm soát, nâng cao chất lượng quản trị và sản xuất kinh doanh.

Dự án USAID LinkSME và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có 10 doanh nghiệp do nữ làm chủ để cải thiện chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất bằng cách áp dụng lộ trình chuyển đổi số, các giải pháp truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử. Trong thời gian tới, khoảng 150 doanh nghiệp do nữ làm chủ sẽ được hỗ trợ nhằm thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số và hàng nghìn nữ doanh nhân sẽ được tiếp cận những kiến thức và thông tin về chuyển đổi số thông qua các hội thảo và đào tạo do Dự án USAID LinkSME tổ chức.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật