Một nông dân Tây Ninh sáng chế máy phun thuốc bảo vệ thực vật, bà con bớt cực mà giá lại “hạt rẻ”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những năm gần đây, phong trào sáng tạo khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp thu hút sự tham gia của nhiều nông dân trong tỉnh Tây Ninh.
Một nông dân Tây Ninh sáng chế máy phun thuốc bảo vệ thực vật, bà con bớt cực mà giá lại “hạt rẻ”
Chiếc máy phun thuốc do anh Đoàn Văn Thành chế tạo, sáng chế hoạt động hiệu quả trên đồng ruộng.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất biên cương đầy khó khăn, từ nhỏ, Đoàn Văn Thành, sinh năm 1975, ngụ ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) đã gắn với ruộng đồng, nên bản thân anh hiểu rõ những vất vả của người nông dân, phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều với hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Kiên trì sáng chế, chế tạo máy phun thuốc bảo vệ thực vật

Bằng kinh nghiệm thực tế, cộng với sự tìm tòi, nghiên cứu, sau hơn 2 năm miệt mài, trải qua nhiều lần thất bại, đến nay, anh đã chế tạo, sáng chế thành công chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật có tính ứng dụng cao, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí trong quá trình sản xuất.

Những năm gần đây, phong trào sáng tạo khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp thu hút sự tham gia của nhiều nông dân trong tỉnh Tây Ninh.

Máy phun thuốc bảo vệ thực vật vận hành bằng bánh lớn, đường kính lên đến 2m, chạy bằng động cơ dầu của máy cày được anh mua từ hàng thanh lý, các bộ phận phun xịt chính là bộ máy nén khí áp lực cao, dùng để hút dung dịch thuốc bảo vệ thực vật trong một bồn nước bằng nhựa có dung tích 500 lít cùng với hệ thống dây dẫn nối ra phía sau là hệ thống giàn phun thuốc.

Giàn phun gồm 2 cần phun có chiều dài gần 20m, có thể điều chỉnh lên xuống theo chiều cao cây lúa, đồng thời, thích hợp với nhiều loại cây trồng lớn như mía, mì… Với chiếc máy này, mỗi héc-ta lúa, nông dân chỉ mất khoảng 10 phút để phun, trong khi phun thủ công phải mất tới 2-3 giờ.

Theo anh Thành, trước kia việc phun thuốc bảo vệ thực vật của nông dân rất vất vả, sử dụng bình phun bằng tay mất nhiều thời gian, có khi cả ngày chưa phun hết 1 ha lúa. 

Còn loại bình phun bằng máy mang sau lưng lại rất nặng, khi phun, thuốc bay mù mịt, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nông dân vì một lượng không nhỏ thuốc bám dính vào quần áo và c‌ơ th‌ể. 

Nhiều lần trăn trở với suy nghĩ, làm thế nào để việc canh tác nông nghiệp đỡ vất vả và an toàn hơn, anh đã dày công tìm hiểu và quyết tâm sáng chế, chế tạo ra chiếc máy.

“Năm 2019, tôi mua một xác máy xới đất cũ với giá gần 10 triệu đồng để lấy đầu máy và trục bánh, chế tạo máy phun thuốc. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành thực tế trên đồng ruộng, do máy yếu, trục bánh xe nhỏ nên liên tục hư hỏng, tôi đành bỏ cả dàn, chỉ lấy lại bộ máy nén khí và hệ thống phun thuốc. Sau đó, tôi tiếp tục đầu tư mua một máy cày Kubota 2201 cũ với giá 70 triệu đồng cũng chỉ để lấy máy và khung sườn chế tạo máy phun.

Mặc dù vậy, do tải trọng trục bánh chỉ 1,5 tấn, chưa đáp ứng tải trọng của xe, nên trong một lần cho xe leo qua bờ ruộng, trục bánh tiếp tục bị gãy. Rút kinh nghiệm, tôi lại đầu tư mua bộ trục khác, tải trọng 2,5 tấn với giá hơn 20 triệu đồng để lắp ráp và đưa vào vận hành như hiện nay.

Những ngày đầu bắt tay vào thực hiện, tôi dường như quên ăn, quên ngủ. Ý định hay loé ra trong đầu là phải làm liền sợ quên. Nhiều bộ phận làm xong rồi nhưng không ưng ý, phải tháo ra làm lại”.

Máy hoạt động tốt trên ruộng mía.

Sản phẩm máy phun thuốc bảo vệ thực vật cấu tạo đơn giản như một chiếc máy cày mini, gồm một động cơ máy cày cũ, 1 bộ chuyển động, vô lăng, cần số, phía sau là một phi chứa nước dung tích 500 lít. Hai bên là 2 cánh tay phun thuốc, rộng mỗi bên 10m, cùng với hệ thống máy nén và béc phun. Hiện tại, máy vận hành trơn tru. 

Anh đã sử dụng phun thuốc cho hơn 10 ha ruộng nhà và hàng trăm héc-ta lúa, mía, mì của các hộ xung quanh trong suốt vụ Đồng Xuân vừa qua, chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật vẫn vận hàng rất tốt.

Cũng theo anh Thành, hiện anh đang nghiên cứu, cải tiến, bổ sung thêm một số chi tiết giúp tăng công năng cho máy phun thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, chế tạo thêm hệ thống rải phân và gieo giống để phát huy tối đa khả năng làm việc của máy móc, tiết kiệm thời gian và sức lao động.

Vươn lên từ khó khăn

Ông Trần Thanh Long– Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Thạnh cho biết, năm 2005, gia đình Thành được Hội Nông dân xã xét duyệt vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. 

Sau 5 năm, tất toán khoản vay cũ, anh tiếp tục vay 50 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi. Với mô hình chăn nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh đã trả hết nợ vào năm 2015. Nhờ phát triển chăn nuôi đúng hướng, từ đó đến nay, mỗi năm đàn bò mang về cho gia đình anh mức thu nhập trên 300 triệu đồng.

Cuộc sống của gia đình anh từng bước được cải thiện và ổn định đáng kể hơn so với trước đây, dần thoát được khó khăn, xây dựng nhà khang trang và mua sắm vật dụng, đất sản xuất, đồng thời nuôi 2 con ăn học.

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Long, anh Đoàn Văn Thành là một trong những hội viên gương mẫu của Hội Nông dân xã, từ những khó khăn ban đầu, anh Thành cùng với gia đình không ngừng nỗ lực vươn lên, thoát nghèo.

Xuất phát từ thực tiễn sản xuất, bắt nguồn từ những trăn trở của người nông dân trong quá trình lao động, anh Thành đã sáng chế máy phun thuốc bảo vệ thực vật thành công, mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất. Ngoài lợi ích về kinh tế, chiếc máy đã góp phần giải quyết vấn đề lao động thiếu hụt tại địa phương, giảm sức lao động chân tay, bảo đảm sức khoẻ nông dân trước tác hại của hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật