Cải cách giáo dục: Đâu phải chỉ tăng học phí và đổi mới sách giáo khoa?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau nhiều tranh luận tại nghị trường Quốc hội vừa qua, cuối cùng với chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã quyết định: Nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính; tiếp tục giữ nguyên, không tăng học phí năm học 2022 - 2023.
Cải cách giáo dục: Đâu phải chỉ tăng học phí và đổi mới sách giáo khoa?
Ngân sách rót cho giáo dục thấp so với nhu cầu xã hội. Trong ảnh: Học sinh dân tộc thiểu số tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu).

Về sách giáo khoa, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa, có văn bản đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí (đặc biệt là chi phí quản lý và quảng bá sách, lợi nhuận...) nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.

Các giải pháp nêu trên dường như đã góp phần làm giảm bức xúc xã hội nhưng những bất cập trong giáo dục từ hàng chục năm nay vẫn chưa được giải quyết căn bản, rốt ráo. 

Trao đổi với Người Đô Thị, PGS-TS. Vũ Thị Phương Anh, Phó viện trưởng viện Khoa học Giáo dục và Đào tạo giáo viên - Đại học Quốc tế Hồng Bàng, bày tỏ: Căn nguyên vẫn là đời sống của người làm trong ngành giáo dục. Xin nói thẳng, trong khu vực công, ngành giáo dục có thu nhập vẫn thấp nhất. Mức lương thì như nhau theo quy định của nhà nước nhưng không có bất kỳ “loại thu nhập” gì khác cho thầy cô giáo. Cho nên xảy ra nhiều chuyện “ai cũng thấy” mà “khổ lắm nói mãi”. Ở cấp độ cá nhân là “dạy thêm, học thêm”, ở quy mô nhà trường thì ban giám hiệu phải tìm “cái này, cái kia” để thêm phần thu nhập cho thầy cô và ở cấp độ quốc gia thì đó là câu chuyện sách giáo khoa (SGK).

Học phí tăng, chất lượng dạy học tăng: kiểu nói lấy được!

Điều mà “ai cũng thấy” như bà nói có thể khởi đi từ chuyện học phí. Theo quy định hiện hành, học sinh tiểu học công lập là đối tượng không phải đóng học phí nhưng thực tế phụ huynh vẫn phải “è cổ” ra đóng đủ các loại tiền. Nhìn vào bảng kê hàng tháng với nhiều khoản thu đầy “sáng tạo” như tiền lớp tiên tiến hội nhập, tiền máy lạnh, tiền phục vụ, vệ sinh, quản lý bán trú… người lao động vẫn thấy “chóng mặt” khi phải đóng ít nhất 2-3 triệu đồng/tháng cho một đứa con đi học?

Ngắn gọn thế này, tức là không thu học phí nhưng mà thu nhiều phí khác. Nếu nhìn một cách tiêu cực, dư luận có thể cho rằng các trường cố tình làm như thế để thu thêm lợi nhuận cho ai đó có quyền, rằng ban giám hiệu đang nghĩ đủ cách để moi tiền phụ huynh. Về phần mình, trong quan hệ với nhà trường, cha mẹ có con đi học cũng im lặng cho xong, dù quả thật rất đáng lên án.

Nhìn ở góc độ là người làm trong ngành giáo dục lâu năm, tôi biết ngân sách rót cho giáo dục thấp so với nhu cầu xã hội. Chưa đề cập có tiêu cực hay không, rõ ràng các trường đang tìm “cái này, cái kia” để tăng thêm thu nhập cho giáo viên, nhân viên. Nhớ lúc còn làm ở đại học công, dù không quá khổ như ở bậc phổ thông, nhất là tiểu học và mầm non, nhưng tôi cũng đã từng phải nghĩ đủ cách để có thêm thu nhập trả cho anh em. Ý tôi muốn nói nếu không giải quyết được bài toán thu nhập cho ngành giáo dục thì những điều “ai cũng thấy” vẫn tiếp tục xảy ra.

PGS-TS. Vũ Thị Phương Anh, Phó viện trưởng viện Khoa học Giáo dục và Đào tạo giáo viên - Đại học Quốc tế Hồng Bàng.


Chính thực tế đó khiến cho các cấp quản lý dù thấy có vấn đề nhưng cũng “ngó lơ” bởi vì hiểu rằng thật ra người ta rất cần làm điều đó. Và đây là lỗ hổng. Lúc này, chúng ta không phân biệt được đâu là trường hợp cố tình làm trái để bỏ túi riêng, đâu là việc làm xuất phát từ cái chung nhằm bù thu nhập cho anh em. Với tư cách suốt đời làm nhà giáo, tôi nghĩ là phải có chính sách cải cách tiền lương cho giáo viên. Nếu muốn ngăn chặn kiểu thu các loại phí như thế chỉ có cách là trả lương tử tế và phạt thật nặng những trường hợp thu sai.

Có câu nói vui, bậc tiểu học của ta không thu học phí nhưng thu phí đi học. Nghe mà vừa cười vừa chua xót, tức là cười buồn. Dường như cả xã hội ai cũng thấy chuyện miễn phí giáo dục tiểu học chỉ là trên giấy nhưng đều phải chấp nhận, ngay các nhà quản lý cũng làm ngơ.

Có nghĩa là không chỉ giáo viên mà phải cải cách tiền lương cho cả người làm công tác quản lý giáo dục?

Vâng, toàn bộ ngành giáo dục công bắt buộc phải cải cách tiền lương từ giáo viên cho tới nhà quản lý. Lấy bản thân tôi, bây giờ nói ra vẫn cảm thấy đau lòng. Tôi nghỉ hưu đúng tuổi, nhận lương hưu chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Bây giờ sau 7 năm, tăng dần theo thời gian cộng với trượt giá, cũng mới hơn 7 triệu đồng. Trong khi tôi đã làm 40 năm trong ngành giáo dục, có bằng tiến sĩ 25 năm, thế thì nghe có chua chát không? Lương con tôi mới hơn ba mươi tuổi làm việc ngoài ngành giáo dục hiện đã 50 triệu đồng/tháng. Khi đóng bảo hiểm xã hội với mức trần theo quy định thì lúc về hưu, chắc chắn lương hưu sẽ cao hơn lương hưu của tôi. 


Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã công bố dự thảo nghị quyết mức học phí mới từ năm học 2022 - 2023. Theo đó, học sinh thuộc nhóm 1, tức khu vực thành thị, có mức tăng học phí cao gấp năm lần hiện hành. Có ý kiến băn khoăn rằng đề xuất tăng học phí gắn với “kỳ vọng” mới liệu có giúp chất lượng dạy học tăng lên?

Tôi hoàn toàn không đồng ý với chuyện hễ tăng học phí thì đương nhiên chất lượng tăng lên, không hề có mối quan hệ trực tiếp như thế. Chất lượng là chất lượng, học phí là học phí. Trước năm 1975, đời sống giáo viên ở miền Nam, bất kể công hay tư, đều dư dả. Trong một hệ thống tương đối minh bạch, một nhà giáo tất nhiên không giàu nhưng vẫn có thể nuôi cả gia đình sống một cách thoải mái. Và thực tế là chất lượng giáo dục thời đó rất tốt và trường công thì miễn phí. Vậy điều đó cho thấy chất lượng là một phạm trù khác. Tất nhiên không có tiền thì không thể có chất lượng ở mức tối thiểu, nhưng không có nghĩa tăng học phí thì chất lượng tăng lên.

Trở lại đề xuất cải cách tiền lương giáo viên, có thể hiểu chỉ khi nào giáo dục được định vị là một ngành có thu nhập cao trong xã hội thì lúc ấy mới có thể có chất lượng giáo dục?

Nếu ngành giáo dục có thu nhập rất cao ở Việt Nam một cách chính thống, đàng hoàng, minh bạch thì nó dẫn tới một khía cạnh này của chất lượng dạy học: những người chọn làm nghề giáo sẽ được sàng lọc là những con người chất lượng. Mấy chục năm trước dân gian đã bảo “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” thì bây giờ vẫn vậy thôi. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy khác chứ không chỉ chất lượng. Nếu không cải cách tiền lương triệt để mà cứ dùng mệnh lệnh hành chính hết cấm này đến cấm kia thì mãi cũng không giải quyết được gì. 

“tham nhũng” học đường

Một hệ lụy khác chính là chuyện SGK đang khiến dư luận bức xúc khi gần đây có quan chức giáo dục cho rằng giá sách tăng là do giấy tốt hơn, in khổ to hơn?

Như tôi đã nói, chuyện SGK và các khoản thu ở tiểu học hay tăng học phí trung học cũng giống nhau. Nhà nước không “đủ tiền” đầu tư cho giáo dục nên “đẩy” các chi phí đó về phía người dân. Chính sách sai nên đã không tạo được niềm tin trong xã hội, đồng thời sản sinh ra những kẻ cơ hội, lợi dụng chính sách. Cụ thể theo tôi, chính sách sai đó là tại sao không dứt khoát đã là SGK thì cứ in ra cho học sinh mượn hoặc phát không càng tốt. Việc này không tốn tiền lắm đâu bởi xưa chúng ta đã làm và trên thế giới đang làm. Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, thế mà đi học thì phải đóng tiền, phổ cập tiểu học mà lại bán SGK và làm sao có thể chấp nhận việc SGK lại cho xã hội hóa?

Có lập luận rằng SGK ngày nay phải theo hướng cá nhân hóa giúp học sinh có thể làm phần bài tập ngay trên đó nên không thể nào duy trì việc cho mượn sách hoặc theo truyền thống là sách của thế hệ đàn anh chuyển cho đàn em?

Tôi cho đó là vô cảm và ngụy biện. Gom cả sách lẫn vở vào để các em viết cũng được. Cái đó một số ít nước giàu đã làm. Còn đây, mình vẫn rất nghèo. Cứ thử lấy đồng lương của hai vợ chồng có hai đứa con đi học ra tính mà xem, sẽ thấy gánh nặng, có nhiều gia đình không thể nào kham nổi chuyện học phí và tiền sách vở hiện nay. Xây dựng chính sách mà nhắm đến cân đối thu chi túi dân có nghĩa là ngầm đồng ý rằng cha mẹ có con đi học chắc chắn phải có cái gì đó “kiếm thêm” à? Như vậy rõ ràng đã thúc đẩy, khuyến khích mọi người đi “kiếm thêm” hay thậm chí là tham nhũng với người có quyền. Hồi còn trẻ chúng tôi thường nói vui, thầy cô giáo không có quyền với ai hết ngoài học sinh và phụ huynh. Thế thì giáo viên sẽ “tham nhũng” theo kiểu bắt học thêm.

Việc giấy tốt hơn, khổ lớn hơn, in đẹp hơn đẩy giá sách giáo khoa (lên cao và lối học cho học sinh ghi trực tiếp lên sách, thật sự đang gây lãng phí. Ảnh minh hoạ


Theo tôi, người làm chính sách không phải là không thấy những điều đó. Họ biết nhưng mà hoặc vô cảm, hoặc ngụy biện. Chả nhẽ anh không biết đời sống của đại đa số người dân còn quá khó khăn sao! Cái gì nước ngoài làm mà anh không thích thì bảo là họ khác Việt Nam, nhưng cái gì mang lại “thuận lợi” cho anh thì anh lại bắt chước nước ngoài. Hoàn toàn ngụy biện và vô cảm. Cả hai điều đó đều không thể chấp nhận.

Từ vô cảm và ngụy biện của người xây dựng chính sách lẫn xã hội, vô hình trung đã biến SGK thành “miếng bánh béo bở” trong giáo dục?

Đúng thế. Cả hai thái độ đều đáng trách. Khi muốn xã hội hóa, chúng ta chỉ xét một khía cạnh là để giảm bớt gánh nặng ngân sách, nhưng không xét về mặt tổng thể. Tôi cho rằng vẫn có cách để cắt giảm ngân sách vào những thứ khác thay vì “đánh” ngay vào cái quyền cơ bản của con người là quyền đi học.

Người ở bên ngoài thường mỉa mai Việt Nam biến an sinh xã hội là y tế và giáo dục thành các ngành kinh doanh. Thời bao cấp có rất nhiều điều dở nhưng ít nhất còn giữ được bao cấp giáo dục. Vì vậy xin nhắc lại, đã là SGK thì nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp cho người dân miễn phí, hoặc cho mượn, hoặc bán với giá thật rẻ. Còn lại có thể cho xã hội hóa sách tham khảo, nhưng phải cho nhiều nơi được quyền xuất bản chứ không độc quyền, hoặc độc quyền trá hình như hiện nay. 

Ông Nguyễn Quốc Cường, Hiệp hội các trường Cao đẳng - Trung cấp Việt Nam:

Sách giáo khoa đang gây lãng phí lớn

Là người làm công tác giáo dục lâu năm, tôi thấy cả hai vấn đề, việc giấy tốt hơn, khổ lớn hơn, in đẹp hơn đẩy giá sách giáo khoa (SGK) lên cao và lối học cho học sinh ghi trực tiếp lên sách, thật sự đang gây lãng phí. Tôi vẫn nhớ thời chúng tôi, SGK là tài sản các thế hệ truyền cho nhau.

Chúng tôi có thói quen nâng niu, giữ gìn những cuốn sách cho lớp kế thừa. Tôi muốn nói giá SGK cao như thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phụ huynh. Tôi đơn cử chỉ riêng học sinh lớp 2 thôi, thì SGK và các sách khác liên quan đã hơn 30 cuốn. Như vậy về mặt khối lượng kiến thức là quá nặng nề, các em khó tiếp thu, kèm với giá SGK tăng cao cũng như việc chỉ sử dụng SGK mỗi năm một lần thì đấy thật sự là điều hết sức lãng phí.

Liên quan đến học phí, tôi cũng có con đang học tiểu học, dù nói là miễn học phí nhưng thực tế đối với học sinh hệ bán trú sẽ có rất nhiều khoản chi phí đi kèm, nói chung gây khó khăn cho những phụ huynh phải kiếm ăn từng bữa. Sắp tới nếu mức học phí dự kiến của THCS và THPT tăng lên thì đây là một điều đáng lo. Rất nhiều nước đã phổ cập đến bậc THPT, học sinh các cấp đến trường hoàn toàn miễn phí. Chúng ta chưa đạt được điều kiện kinh tế như họ thì tôi nghĩ lộ trình tăng học phí cũng nên dần dần, không phải tăng vọt ngay. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật