Áp lực dồn dập từ thị trường: Ngân hàng “đua” lãi suất huy động

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chuyên gia cho rằng, tuy có chịu nhiều áp lực nhưng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát hiện tại vẫn cách xa mục tiêu, do đó NHNN chưa cần nâng lãi suất điều hành để ứng phó với lạm phát.
Áp lực dồn dập từ thị trường: Ngân hàng “đua” lãi suất huy động
Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với việc hàng loạt ngân hàng tư nhân tăng mạnh lãi suất huy động đầu tháng Bẩy, mức lãi suất tại nhiều nơi đã vượt lên trên 7%/năm, cộng thêm hai ngân hàng quốc doanh lớn nhất cũng vừa có động thái tăng lãi suất trở lại, báo hiệu thời kỳ lãi suất thấp sắp đi qua.

Không ai chịu chậm chân

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là một trong bốn ngân hàng lớn vừa điều chỉnh biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ tháng 7/2022. Đây là lần thay đổi lãi suất huy động đầu tiên của ngân hàng này kể từ tháng 9/2021 đến nay và cũng là lần tăng đầu tiên sau 4 năm liên tiếp giảm.

Theo biểu lãi suất mới, Agribank giữ nguyên lãi suất huy động với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng; trong đó tiền gửi không kỳ hạn vẫn nhận lãi suất 0,1%/năm, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng hưởng lãi suất 3,1%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng hưởng lãi 3,4%/năm và kỳ hạn 6-11 tháng nhận lãi suất 4%/năm.

Tuy nhiên, từ kỳ hạn 12 tháng trở lên, các khách hàng gửi tiền tại Agribank sẽ được hưởng lãi suất 5,6%/năm, cao hơn 0,1 điểm % so với trước đó.

Lần gần nhất ngân hàng này tăng lãi suất tiền gửi cá nhân kỳ hạn 12 tháng trở lên đã diễn ra từ tháng 9/2018, khi đó Agribank nâng mức lãi suất này từ 6,6%/năm lên 6,8%/năm.

Sau giai đoạn này, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên của Agribank liên tục giữ xu hướng giảm và duy trì ở vùng thấp nhất 5,5%/năm suốt từ tháng 9/2021 đến nay.

Với động thái tăng lãi suất kể trên, Agribank trở thành ngân hàng quốc doanh thứ hai trong hệ thống tăng lãi suất huy động trong năm 2022. Như vậy, hiện biểu lãi suất huy động các kỳ hạn tại Agribank đều tương đương BIDV.

Trước đó, vào đầu tháng Sáu, BIDV cũng có đợt tăng lãi suất tiền gửi cá nhân lần đầu kể từ tháng 7/2019. Cụ thể, ngân hàng này đã điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, cố định ở mức 5,6%/năm. Bên cạnh đó, BIDV giữ nguyên lãi suất huy động với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng.

Động thái tăng lãi suất huy động của BIDV, Agribank diễn ra sau khi mặt bằng lãi suất của các ngân hàng tư nhân đã tăng liên tục kể từ cuối năm 2021 đến nay.

Cũng theo khảo sát của phóng viên VietnamPlus, ở đợt điều chỉnh lần này, một số ngân hàng cổ phần tư nhân như Techcombank, TPBank, ACB, SCB, ABBANK… quyết định tăng lãi suất tiền gửi với mức thấp nhất là 0,2% và cao nhất là 1,2% cho kỳ hạn 1 năm.

Bên cạnh đó, không có ngân hàng nào ghi nhận giảm lãi suất. Điều này khiến lãi suất tiết kiệm 12 tháng toàn thị trường có sự nhích nhẹ. Một số ngân hàng có mức lãi suất trên 7% là Ngân hàng Xây dựng (CBBank) từ 7,15%-7,25%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên. Tại Ngân hàng Nam Á (NamABank), mức lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12-15 tháng là 7,2%/năm, kỳ hạn 16-36 tháng là 7,4%/năm. SHB và Techcombank có mức lãi suất cao nhất là 7,1%, HDBank 7,15%.

Điển hình, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đang trả mức lãi suất cao nhất tối đa lên tới 7,55%/năm với hình thức gửi online từ 12-36 tháng.

Thấp nhất trong kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy vẫn là nhóm ngân hàng "big 4" (gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) và LienVietPostBank duy trì lãi suất huy động ở mức 5,5%-5,6%/năm.

Lý giải về động thái này, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết thời gian qua, một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm để tăng nguồn tiền gửi trong bối cảnh năm nay nhu cầu tín dụng đã và đang cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, một số kênh đầu tư như bất động sản và chứng khoán đã không còn được "thuận lợi" như hai năm vừa qua nên người dân và doanh nghiệp đã quay trở lại gửi tiền trong ngân hàng nhiều hơn.

"Khi lãi suất tăng, đương nhiên người dân và doanh nghiệp được hưởng mức lợi cao hơn nên nguồn tiền gửi sẽ tăng lên. Điều này góp phần củng cố nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng ở các kỳ hạn, qua đó đáp ứng nhu cầu tín dụng tốt hơn từ đây đến cuối năm," ông Lực nói.

Áp lực lên lãi suất điều hành

Sau động thái Fed tăng 75 điểm lãi suất cơ bản, một loạt ngân hàng trung ương các nước trên thế giới cũng đã có quyết định tương tự. Do đó, giới chuyên gia cho rằng điều hành lãi suất trong nước cũng đang chịu nhiều áp lực.

Cụ thể, trong năm 2021 có 113 lượt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong khi 5 tháng đầu năm nay đã có 144 lượt.

Theo nhóm nghiên cứu tại HSBC, Ngân hàng Nhà nước có thể phải tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm trong quý 3/2022, trước khi tăng lãi suất ba lần (mỗi lần 0,25 điểm phần trăm) trong năm 2023.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cũng nhận định viễn cảnh này có thể diễn ra vào các tháng cuối năm 2022 nhằm đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,5%.

Trên cơ sở đó, đại diện Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động còn có thể tiếp tục tăng. Cụ thể, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 1%-1,5% trong cả năm 2022.

Theo ông Lực, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng nhất định sau hai năm Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách nới lỏng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng nhà điều hành sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng ít nhất cho đến hết năm nay nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

“Thực tế, tuy có chịu nhiều áp lực nhưng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát hiện tại vẫn cách xa mục tiêu đặt ra, do đó Ngân hàng Nhà nước có lẽ sẽ chưa cần điều chỉnh trong việc nâng lãi suất điều hành để ứng phó với lạm phát. Ngoài ra, sức đẩy lạm phát hiện nay chủ yếu đến từ giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao và chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chứ không phải do yếu tố cung tiền,” ông Lực nêu ý kiến.

Do đó, theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ mạnh hơn của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát.

Định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà Nước vẫn là giữ lãi suất cho vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, với tăng trưởng tín dụng dự báo đạt cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng. Theo đó, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định, tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hóa giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật