Cựu Giám đốc ngân hàng ở Cần Thơ lĩnh án 16 năm tù

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, ngày 1/7, HĐXX sơ thẩm TAND TP Cần Thơ đã tiến hành tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại ngân hàng Vietcombank Tây Đô, Cần Thơ.
Cựu Giám đốc ngân hàng ở Cần Thơ lĩnh án 16 năm tù
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án tại phiên toà xét xử (Ảnh VNE)

Trước đó, ngày 20/5, TAND TP Cần Thơ cũng đã đưa vụ án ra xét xử, tuy nhiên vì một số lý do nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa được mở lại từ ngày 21/6 và kéo dài 1 tuần.

Các bị cáo trong vụ án phải ra hầu toà, gồm: Nguyễn Minh Chuyển (nguyên Giám đốc Vietcombank – VCB Tây Đô); Trần Anh Huy (nguyên Trưởng phòng khách hàng); Nguyễn Hữu Nghĩa, Phạm Văn Trí, Đỗ Bảo Phương Quế (nguyên cán bộ VCB Tây Đô). Ngoài ra, còn có các bị cáo thuộc nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian từ năm 2011 - tháng 12/2014, 6 nhóm khách hàng kinh doanh thua lỗ, không có tiền trả gốc và lãi đến hạn đối với VCB Tây Đô, nên đề nghị ông Nguyễn Minh Chuyển cho khoanh nợ, giãn nợ, bán tài sản để trả nợ.

Do sợ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến việc xếp hạng tín dụng của VCB Tây Đô và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân; cũng như biết việc “đảo nợ” chưa có quy định hình thức xử lý cụ thể nên bị cáo Chuyển đề nghị Nguyễn Hùng Cường (em ruột của Chuyển), chủ nhóm khách hàng Nam Sông Hậu đồng ý, tiếp nhận công ty Vĩnh Nguyên, cũng như gánh khoản nợ hơn 146 tỉ đồng.

Cùng với đó, hỗ trợ đầu tư hơn 43 tỉ đồng vào công ty Trường Nguyên do Lê Tùng Huy làm chủ. Ngoài ra, bị cáo Chuyển còn đề nghị các bị cáo khác lập mới các công ty hoặc sử dụng pháp nhân chưa có quan hệ tín dụng tại VCB Tây Đô để cho vay; vay tiền được sử dụng cho trả nợ cho hợp đồng cũ (thực sự là đảo nợ) và một phần cho doanh nghiệp sử dụng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để thực hiện giải ngân không bị các nhóm chiếm dụng, bị cáo Chuyển yêu cầu các doanh nghiệp phải mở tài khoản tại VCB Tây Đô và chỉ đạo cấp dưới phải kiểm tra dòng tiền. bị cáo Chuyển yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng số tiền giải ngân để thanh toán nợ gốc và lãi đến hạn ngay trong ngày.

cáo trạng cũng nêu rõ, bị cáo Chuyển đã chỉ đạo các thành viên hội đồng tín dụng cơ sở và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ “hỗ trợ” các nhóm khách hàng doanh nghiệp nói trên được vay vốn tại VCB Tây Đô, không tuân theo các thủ tục quy định về việc cho vay của Ngân hàng Nhà nước, nhằm mục đích đảo nợ xấu.

Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 1/6/2015), 6 nhóm khách hàng còn dư nợ gốc và lãi quá hạn với số tiền hơn 2.600 tỉ đồng. Trong đó, VCB Tây Đô và các nhóm khách hàng đã sử dụng hơn 2.418 tỉ đồng để trả cho các khoản vay cũ và cho khách hàng rút ra hơn 278 tỉ đồng phục vụ sản xuất, nhưng đến nay không thu hồi được.

Trong vụ án này, cơ quan công tố xác định bị cáo Nguyễn Minh Chuyển là người chủ mưu, cầm đầu, thỏa thuận trái Pháp Luật với các nhóm chủ doanh nghiệp, cho vay để đảo nợ, một phần sử dụng để sản xuất kinh doanh; mặc dù các doanh nghiệp đều trong tình trạng kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ.

Theo VKS, để tạo điều kiện cho nhóm doanh nghiệp vay vốn, Nguyễn Minh Chuyển đã chỉ đạo Trần Anh Huy, các bị cáo khác và người liên quan làm trái quy định về cho vay, tạo điều kiện cho 33 công ty thuộc 6 nhóm doanh nghiệp vay vốn tại VCB Tây Đô, gây thiệt hại cho VCB Tây Đô hơn 278 tỉ đồng.

Theo nhận định của HĐXX, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, không chỉ trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực cho vay trong hoạt động tín dụng mà còn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở địa phương và các khu vực.

Các bị cáo đều có đủ năng lực để nhận thức hành vi của mình là vi phạm Pháp Luật những vấn bất chấp hậu quả để thực hiện trong thời gian dài. Vì vậy, để đảm bảo tính nghiêm minh của Pháp Luật cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm đối với các bị cáo để cải tạo, đồng thời đảm bảo tác dụng răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Khi quyết định hình phạt, HĐXX cũng xem xét, đánh giá vai trò, mức độ thực hiện hành vi phạm tội đối với từng bị cáo. Trong đó, bị cáo Nguyễn Minh Chuyển với cương vị là Giám đốc VCB Tây Đô đã đề ra chủ trương sắp xếp cho các nhóm khách hàng thân quen lập pháp nhân mới, chỉ đạo nhân viên cấp dưới bỏ qua các quy định về trách nhiệm kiểm tra trước và sau khi phát vay với số tiền rất lớn, dẫn đến hậu quả phát vay không đảm bảo, gây thiệt hại lớn cho VCB Tây Đô.

Trong vụ án này, bị cáo Chuyển giữ vai trò mẫu chốt, chính từ những chỉ đạo sai phạm của bị cáo mà dẫn tới hậu quả thiệt hại nên bị cáo phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Theo đó, HĐXX TAND TP Cần Thơ đã quyết định tuyên phạt bị các bị cáo: Nguyễn Minh Chuyển mức án 16 năm tù; Trần Anh Huy lĩnh án 10 năm tù; Phạm Văn Trí lĩnh án 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Đỗ Bảo Phương Quế lĩnh án 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Hữu Nghĩa lĩnh án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Hùng Cường lĩnh án 5 năm tù; Lê Tùng Huy lĩnh án 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Tuyết Trinh lĩnh án 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Trịnh Minh Tú lĩnh án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Công Trừng lĩnh án 2 năm 6 tháng tù treo; Võ Vũ Bình lĩnh án 2 năm 5 tháng 4 ngày tù; Cao Hoàng Thám lĩnh án 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Thanh Hùng lĩnh án 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Trang Hồng Sơn lĩnh án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo và Võ Hoàng Thám lĩnh án 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng tội danh truy tố.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật