Iran ra thông điệp bất ngờ hậu đàm phán đình trệ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hôm thứ Năm, Iran cho biết họ đang sẵn sàng cho các cuộc đàm phán gián tiếp mới với Mỹ để vượt qua những rào cản cuối cùng nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Iran ra thông điệp bất ngờ hậu đàm phán đình trệ
Trưởng đoàn đàm phán Iran Ali Bagheri và nhà điều phối hạt nhân EU Enrique Mora tại Doha. Ảnh: IRNA/AFP.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng về chương trình nguyên tử của nước này đang ngày càng gia tăng.

Tín hiệu bất ngờ từ Iran

Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi phát biểu với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng "nhóm đàm phán của Iran đã sẵn sàng tham gia một cách xây dựng để tiếp tục ký kết và đạt được thỏa thuận".

"Quả bóng đang ở sân của phía Mỹ và nếu Mỹ hành động một cách thực tế và cho thấy ý định nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ của mình, thì thỏa thuận sẽ không nằm ngoài tầm với", ông nói thêm.

Phát biểu của ông Ravanchi được đưa ra một ngày sau khi các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ kết thúc tại Qatar mà không đạt được tiến bộ nào đáng kể. Tuy nhiên, ông Ravanchi lại cho rằng các cuộc đàm phán tại Qatar là "nghiêm túc và tích cực."

Ông cũng cho biết thêm Iran sẽ liên hệ với các điều phối viên của Liên minh châu Âu về "giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán."

Trong cuộc tham vấn chuyên sâu với người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell tại Tehran vào tuần trước, "Iran một lần nữa đã nhấn mạnh sự sẵn sàng tham gia vào các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề còn lại với hy vọng chấm dứt bế tắc", ông Ravanchi nói.

Quan chức này đã đưa ra những phát biểu trên tại cuộc họp với Hội đồng Bảo an về nghị quyết thông qua thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (được gọi là JCPOA) giữa Iran với 5 thành viên thường trực Hội đồng là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp cùng với Đức. Vào năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã rút nước này ra khỏi thỏa thuận, làm gia tăng căng thẳng trên khắp Trung Đông và dấy lên một loạt các cuộc tấn công và sự cố đáp trả nhau.

Chính quyền của Tổng thống Biden đã và đang nỗ lực để cứu vãn thỏa thuận này, vốn nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc phương Tây giảm nhẹ trừng phạt cho nước này.

Nỗ lực của các đối tác liên quan

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sau cuộc hội đàm tuần này tại Doha rằng Iran "đã đưa ra các vấn đề hoàn toàn không liên quan đến JCPOA và dường như chưa sẵn sàng đưa ra quyết định cơ bản về việc liệu họ muốn khôi phục thỏa thuận hay chôn vùi nó".

Trước khi ông Ravanchi phát biểu, phó đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Richard Mills nói với Hội đồng Bảo an rằng Mỹ "vẫn cam kết cùng quay trở lại thực hiện đầy đủ" JCPOA.

Ông Mills cho biết Mỹ đã chuẩn bị trong nhiều tháng để ký kết một thỏa thuận dựa trên các nội dung được đàm phán tại Vienna vào tháng 3, "nhưng chúng tôi chỉ có thể ký một thỏa thuận và thực hiện nó, nếu Iran từ bỏ các yêu cầu bổ sung nằm ngoài phạm vi của JCPOA. "

Các cuộc đàm phán tại Vienna đã "bị tạm dừng" kể từ tháng Ba. Và kể từ khi thỏa thuận đó sụp đổ, Iran đã duy trì chạy các máy ly tâm tiên tiến và tăng nhanh các kho dự trữ uranium. Uranium của nước này hiện được làm giàu lên đến độ tinh khiết 60% - chỉ còn cách một bước nhỏ là đủ khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Tehran tiếp tục phải hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế dữ dội trong khi phương Tây hy vọng một lần nữa có thể cắt giảm chương trình hạt nhân của nước này.

Trước cuộc họp của Hội đồng, Pháp, Anh và Đức đã đưa ra một tuyên bố chung nói rằng chương trình hạt nhân của Iran "hiện nay đã tiên tiến hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ" và các hành động của Tehran "đang làm xáo trộn sự cân bằng của thỏa thuận mà các bên đã tìm cách đàm phán trong nhiều tháng. "

Tuyên bố trên cũng kêu gọi Iran "đạt được thỏa thuận trong khi vẫn có thể" và cảnh báo rằng các hành động của nước này đang gây thêm trở ngại cho IAEA "trong việc đảm bảo tính chất hòa bình trong chương trình hạt nhân của nước này."

Trưởng ban chính trị Liên Hợp Quốc Rosemary DiCarlo bày tỏ hy vọng rằng Iran và Mỹ "sẽ tiếp tục xây dựng trên đà của các cuộc đàm phán trong vài ngày qua" tại Qatar để giải quyết các vấn đề còn lại.

Mặc dù cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc chưa thể xác minh kho dự trữ uranium được làm giàu của Iran, nhưng họ ước tính rằng kho dự trữ này gấp hơn 15 lần lượng cho phép theo JCPOA, bao gồm uranium được làm giàu lên 20% và 60% - "những điều cực kỳ đáng lo ngại ," bà Rosemary DiCarlo nói.

Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng báo cáo rằng Iran đã bắt đầu lắp đặt thêm các máy ly tâm tiên tiến tại các nhà máy làm giàu ở Natanz và Fordo.

Đại sứ EU Olof Skoog nói rằng xét về "quỹ đạo hạt nhân đáng lo ngại" của Iran và các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, điều quan trọng là ký kết một thỏa thuận càng sớm càng tốt, nhấn mạnh rằng "không còn thời gian cho những thay đổi nào nữa." Đại sứ Skoog nói: "Điều này rất quan trọng đối với châu Âu, đối với Iran, khu vực và toàn thế giới khi sự an ninh và ổn định đang cần thiết hơn bao giờ hết".

Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky, trong khi chỉ trích các cáo buộc chống lại Iran, cho biết Moscow "hết lòng ủng hộ các cuộc đàm phán" để hồi sinh JCPOA và cho rằng "không có vấn đề nào không thể vượt qua".

Ông cảnh báo: "Những nỗ lực tăng cường sức ép lên Iran thông qua việc thúc đẩy căng thẳng xung quanh JCPOA một cách không chính đáng có thể làm mất hiệu lực hoàn toàn các triển vọng khôi phục thỏa thuận", và kêu gọi tất cả các bên tập trung vào thỏa hiệp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật