Lý do Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột “đảo chiều”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển hôm 28/6 đã ký thỏa thuận chung, trong đó 2 nước Bắc Âu cam kết thực thi điều khoản liên quan đến nhóm người Kurd mà Ankara gọi là “khủ‌ng b‌ố“.
Lý do Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột “đảo chiều”
Ảnh minh họa

Khi lãnh đạo Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ họp với tổng thư ký NATO hôm 28/6, khó ai có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Trong nhiều tuần, Ankara cảnh báo sẽ dùng quyền phủ quyết để ngăn hai nước Bắc Âu gia nhập liên minh quân sự phương Tây, trừ khi các yêu cầu của họ được đáp ứng. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng hai nước này chứa chấp nhóm người mà Ankara coi là mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Sau gần 3 giờ họp, AP cho hay các phóng viên được mời chứng kiến ngoại trưởng các quốc gia ký bản ghi nhớ chung. Tổng thống Phần Lan cho hay 3 bên đã đạt thỏa thuận, trong khi tổng thư ký NATO xác nhận tin này khoảng 20 phút sau đó và tiết lộ chi tiết bản ghi nhớ.

Bản ghi nhớ 3 bên có gì?

Thỏa thuận được công bố vài giờ trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid. Bản ghi nhớ gồm 10 điều, đề cập đến tất cả ý kiến phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết sẽ thiết lập cơ chế thường trực để giám sát việc thực hiện.

Trong đó, Phần Lan và Thụy Điển cam kết không hỗ trợ cho lực lượng dân quân người Kurd YPG ở Syria mà Ankara coi là có liên quan tới đảng Công nhân Kurdistan (PKK). Trước đó, PKK từng tiến hành cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập niên bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Bằng việc ký kết thỏa thuận, hai nước Bắc Âu xác nhận PKK là tổ chức khủ‌ng b‌ố. Trước đó, PKK từng bị cả Mỹ cùng Liên minh châu Âu coi là khủ‌ng b‌ố.

Hai nước Bắc Âu cũng cam kết sẽ gián đoạn hoạt động tài trợ và tuyển dụng của PKK và các nhóm liên kết. Ngoài ra, họ đảm bảo không ủng hộ những cá nhân liên quan tới giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen. Ông Gulen là người Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc dàn dựng âm mưu đảo chính năm 2016.

Phần Lan và Thụy Điển cũng đồng ý giải quyết các yêu cầu dẫn độ còn tồn đọng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với những người mà Ankara cho là khủ‌ng b‌ố, dựa theo Công ước châu Âu về Dẫn độ.

Hai nước chấp thuận dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2019, sau khi Ankara phát động chiến dịch quân sự chống lại YPG ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đạt được những gì?

Trước khi thỏa thuận được công bố, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi cho truyền thông bản ghi chú có tiêu đề "Thổ Nhĩ Kỳ đã có được những gì họ muốn".

Trong bài xã luận, tờ báo hàng đầu của Phần Lan, Helsingin Sanomat, viết rằng “Thổ Nhĩ Kỳ có được những gì họ muốn - Phần Lan và Thụy Điển cũng vậy”.

Asli Aydintasbas, thành viên cấp cao tại Hội đồng châu Âu về quan hệ Đối ngoại, cho biết cách hùng biện và phong cách đàm phán của Tổng thống Erdogan tạo cảm giác ông sẵn sàng rời khỏi bàn đàm phán, nhưng ông cũng nhanh nhạy để biết khi nào sẽ có một thỏa thuận có lợi.

“Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được tất cả những gì họ muốn, và chắc chắn Phần Lan cũng vậy. Nhưng đó là nghệ thuật ngoại giao”, bà nói.

Bà chỉ ra rằng trong khi thỏa thuận liệt kê các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa, trong đó có YPG, bản ghi nhớ cũng tuyên bố Thụy Điển sẽ tuân theo quy trình dẫn độ của riêng mình.

Bà Aydintasbas nói nếu Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài đàm phán hoặc phủ quyết NATO mở rộng, đó sẽ là "thảm họa". “Đây là khoảnh khắc tuyệt vời để thể hiện sự thống nhất của phương Tây, và nếu Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ, điều đó sẽ đặt ra những câu hỏi về cam kết lâu dài của nước này với NATO”, bà nhận định.

Bà Aydintasbas cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể muốn sử dụng ngôn từ mạnh mẽ hơn, cũng như muốn để Mỹ xúc tiến yêu cầu của nước này, bao gồm cả việc bán máy bay chiến đấu F-16.

Một quan chức Mỹ cấp cao cho biết Tổng thống Joe Biden quyết không để Mỹ trở thành một bên trong vấn đề này. Quan chức này cho biết Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ yêu cầu Mỹ bất cứ điều gì trong các cuộc đàm phán với Thụy Điển, Phần Lan và ông Stoltenberg.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm 2023. Ông Erdogan chuẩn bị tái tranh cử, giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với khủng hoảng kinh tế và lạm phát tăng vọt. Chiến thuật mạnh tay với phương Tây được coi là cách để tăng cường sự ủng hộ trong nước.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh thỏa thuận của NATO. Báo Sabah ca ngợi đây là “Chiến thắng Madrid của Tổng thống Erdogan”, trong khi tờ Hurriyet nói rằng ông Erdogan “nói mọi thứ rất rõ ràng” với lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển.

Phản ứng tại Thụy Điển và Phần Lan ra sao?

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ tìm cách dẫn độ 33 nghi phạm "khủ‌ng b‌ố", trong đó có 12 nghi phạm từ Phần Lan và 21 nghi phạm từ Thụy Điển.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết đàm phán bế tắc là do các bên định nghĩa khủ‌ng b‌ố và nhóm khủ‌ng b‌ố không giống nhau.

“Thổ Nhĩ Kỳ có định nghĩa của riêng họ, và chúng tôi không thể đồng tình với định nghĩa đó vì nó rộng hơn định nghĩa quốc tế hoặc EU", ông Haavisto nói. “Lằn ranh đỏ của chúng tôi là không thay đổi hệ thống luật pháp trong bất cứ vấn đề nào. Chúng tôi không thể tới họp và sau đó đồng ý thay đổi luật. Chúng tôi vẫn đang tuân thủ luật pháp Phần Lan”.

Có khoảng 15.000 người Kurd đang sống ở Phần Lan, trong khi Thụy Điển hiện là quê hương của khoảng 100.000 người. Trong những năm gần đây, hai quốc gia này được cho là đã tiếp nhận người Thổ Nhĩ Kỳ là tín đồ của ông Gulen.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nhấn mạnh bản ghi nhớ không liệt kê cụ thể tên của các cá nhân. “Trong trường hợp dẫn độ, chúng tôi sẽ tuân thủ luật pháp và các thỏa thuận quốc tế. Cuối cùng, dẫn độ là quyết định pháp lý và các chính trị gia không thể tác động được”, ông nói.

Chính phủ Thụy Điển cũng tìm cách xoa dịu những lo ngại xuất phát từ điều khoản của bản ghi nhớ về khả năng dẫn độ. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nói rằng dẫn độ chắc chắn sẽ diễn ra trong khuôn khổ luật pháp quốc gia và quốc tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật