Ước muốn của “vua bơ” Lâm Đồng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng bơ tại huyện Bảo Lâm, ông Nguyễn Đăng Trung đã thành công đưa đến tay người tiêu dùng trái bơ có chất lượng ngon nhất. Ông mong muốn được chia sẻ với bà con trồng bơ trên cao nguyên Lâm Đồng.
Ước muốn của “vua bơ” Lâm Đồng
Ảnh minh họa

Năm 2009, ông Nguyễn Đăng Trung (SN 1968) là người đầu tiên ghép thành công và tạo nên những cây bơ đầu dòng 034, 036 có giá trị. Bơ mang thương hiệu riêng “Trang trại bơ Trung Hiếu” do tỉnh Lâm Đồng chứng nhận từ năm 2011 và được xem là đặc sản của vùng đất Lâm Đồng hơn 10 năm qua.

 Ông Nguyễn Đăng Trung phấn khởi thu hoạch bơ đầu mùa tại vườn nhà 

Gắn bó với nghề hơn 20 năm mới kết “quả ngọt”

Ban đầu, ông Trung trồng chè, cà phê, tiêu và trồng thêm dâu nuôi tằm nhưng thị trường tiêu thụ ngày một khó khăn, nhân công thuê không có nên ông quyết định chuyển dần toàn bộ diện tích sang trồng cà phê. Trước năm 2000, ông trồng bơ hạt xen canh cà phê nhưng không mang lại năng suất và hiệu quả như mong muốn nên ông đã đi đến nhiều trung tâm nghiên cứu để tìm giống bơ ghép mới về trồng.

Qua thời gian, cây “bơ lạ” hợp thổ nhưỡng nhờ sử dụng phân ủ phù hợp nên cây phát triển tốt, sai trĩu quả. Nhiều quả nặng khoảng 1.2kg, dài 30cm - 40cm, thuôn dài giống quả cà tím, da xanh bóng, hạt nhỏ, thịt khi chín có màu vàng ươm, mềm mịn và dẻo thơm, hàm lượng dinh dưỡng cao. Đó là giống bơ đầu tiên ông Trung ghép thành công từ cây cha mẹ. Sau này, tình cờ ông còn tìm được một cây bơ khác trong huyện, để thêm vào “tài nguyên bơ” của mình.

Cảm giác chờ đợi, hội hộp khiến ông càng hào hứng hơn. Khi cây cho ra quả bơ có hình elip thon dần về cuống kiểu giống như chữ C, dài hơn 20cm, nhiều quả nặng từ 0.5-0.7kg, mùi vị loài bơ lạ này được nhiều người ưa chuộng.

 Giống bơ BLD 034 tại trang trại bơ Trung Hiếu, huyện Bảo Lâm cho năng suất từ 20-30 tấn/ha/năm

Sau hơn 10 năm ròng rã, ông mới chọn được cây bơ ưng ý cho quả ngon để cắt chồi mang về tự ghép, trở thành giống “bơ lạ” đầu tiên để thử nghiệm, tạo dựng được thương hiệu. Năm 2009, ông đạt 2 giải cao nhất trong hội thi “cây bơ năng suất cao và chất lượng tốt" do Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức; đồng thời, được Hội đồng khoa học công nhận đây là những giống bơ đầu tiên và đặt tên là bơ Lâm Đồng (BLD) 034 và 036. Cũng từ đó, ông được nhiều người gọi với cái tên ông “vua kép” cho đến tận hôm nay.

 Giống bơ 036 của Lâm Đồng tại trang trại bơ Trung Hiếu, huyện Bảo Lâm

Mỗi năm, trang trại 10ha trồng bơ của ông với hơn 3000 gốc cây, trong đó có 2000 gốc cổ thụ trên 10 tuổi đã cho thu hoạch khoảng 300 tấn/năm. Giá dao động tại vườn từ 15.000 - 30.000 đồng/kg tùy theo vụ mùa và kích thước bơ. Nhờ xuất bơ và cung cấp 100.000 cây giống/năm cho khu vực Tây Nguyên, gia đình ông Trung mang về khoảng 1 tỷ đồng/năm, chưa tính phí chi trả cho nhân công thuê theo thời vụ từ 5 đến 10 người.

Khẳng định thương hiệu vùng “bơ huyện” trên cao nguyên Lâm Đồng

Mặc dù, năm nay bơ 034, 036 không còn hút hàng như những năm trước, do đã có nhiều nhà, nhiều vườn trồng nhưng trang trại bơ Trung Hiếu của ông Nguyễn Đăng Trung vẫn chạy hàng đều đều mỗi ngày. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là khu vực phía Bắc.

Gắn bó với cây bơ tạo nên danh tiếng của vùng bơ huyện Bảo Lâm, ông Trung vẫn từng ngày học hỏi kinh nghiệm, đổi mới sáng tạo để áp dụng tiến bộ khoa học vào nhân giống và chăm sóc cây trồng. Trang trại Trung Hiếu luôn áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để nâng cao giá trị sản xuất như Công nghệ nhỏ giọt của Israel, áp dụng tiêu chuẩn Vietgap vào mô hình trồng trọt hướng đến "đỉnh" của chất lượng cây trồng.

 Mỗi năm, trang trại bơ Trung Hiếu xuất ra thị trường gần 100.000 cây bơ giống chuẩn chất lượng từ cây bơ đầu dòng BLD 034 

Hiện nay ông Trung đang trồng thử nghiệm thêm giống bơ nước ngoài như Hass, Pinkerton… Ngoài sản xuất quả bơ, cây giống và ghép cây tại vườn, ông còn hỗ trợ thu mua lại tất cả các nguồn sản phẩm đầu ra khi bà con đầu tư giống cây trồng của trang trại. Giá thu mua cho bà con luôn ổn định so với ngoài thị trường.

Ông Nguyễn Đăng Trung tâm sự: " Đất và khí hậu ngày một thay đổi nên tôi vẫn luôn tìm kiếm thêm giống bơ mới để thử nghiệm tại địa phương. Thời gian tới, tôi mong sẽ có thêm nhiều buổi hội thảo giúp nhà nông có sự tham gia của các nhà nghiên cứu khoa học, nhà đầu tư. Người nông dân trồng bơ mong sớm được tiếp cận hướng canh tác hữu cơ bền vững, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả cây trồng".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật